Chỉ số EF trong siêu âm tim nói lên điều gì?

Phân suất tống máu (Ejection Fraction) là chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim . Dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh nhân có bị suy tim hay mắc một loại bệnh tim mạch nào khác.

1. Định nghĩa

Phân suất tống máu (EF) là chỉ số dùng để đo lường công bơm máu của tim, được tính bằng tỷ lệ phần trăm máu được bơm ra khỏi tim trong mỗi nhịp đập. Có phân suất tống máu thất trái và thất phải tương ứng với 2 buồng thất trái, phải:

1.1 Phân suất tống máu thất trái (LVEF)

Phân suất tống máu thất trái (LVEF) được tính bằng tỷ lệ lượng máu được bơm ra khỏi tâm thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái) trong mỗi nhát bóp.

1.2 Phân suất tống máu thất phải (RVEF)

Phân suất tống máu thất phải (RVEF) được tính bằng tỷ lệ lượng máu được bơm ra khỏi buồng thất phải (buồng tim phía dưới, bên phải) đến phổi trong mỗi nhát bóp.

Có nhiều phương pháp đo phân suất tống máu như: siêu âm tim ; thông tim- bằng hình ảnh; chụp cộng hưởng từ , cắt lớp vi tính, quét đồng vị phóng xạ. Trong đó, siêu âm tim được coi là phương pháp phổ biến nhất để đo phân suất tống máu

Khi nói đến phân suất tống máu thường để chỉ phân suất tống máu thất trái.

2. Thông số bình thường/bất thường

Phân suất tống máu bình thường trong giới hạn 50-70%, là mức lý tưởng để tim cung cấp máu đáp ứng đúng với nhu cầu cơ thể.Ví dụ, bệnh nhân có phân suất tống máu EF là 67% chứng tỏ chức năng tâm thu trong giới hạn bình thường. Dựa vào sự thay đổi của chỉ số phân suất tống máu có thể đánh giá chức năng tim và chẩn đoán một số bệnh tim mạch .

  • Phân suất tống máu EF > 75%: Gợi ý dấu hiệu của bệnh cơ tim phì đại.
  • Phân suất tống máu EF < 50%: Báo hiệu tình trạng tim bơm máu kém, không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng suy tim.
chi-so-ef-trong-sieu-am-tim-1
Phân suất tống máu bình thường trong giới hạn 50-70%

3. Những nguy cơ cảnh báo khi EF bất thường

Khi phân suất tống máu EF thấp, cảnh báo một tình trạng suy tim , người bệnh có thể gặp một số triệu chứng sớm của suy tim như:

  • Khó thở, có thể khó thở khi lao động nhẹ nhàng, làm việc nhà, khi suy tim nặng lên, người bệnh có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Sưng, phù ở bàn chân, cẳng chân: dấu hiệu ứ dịch ở ngoại biên do tim không đủ công đưa máu trở về từ vòng đại tuần hoàn.
  • Mệt mỏi: Là dấu hiệu sớm và thường gặp nhất.
  • Nhịp tim nhanh bất thường: do tim tăng co bóp để bù lại cung lượng máu thiếu.

Tuỳ từng mức độ giảm EF mà người bệnh có mức độ suy tim khác nhau.

  • EF từ 40-49%: Cho thấy tim không còn khả năng bơm máu một cách hiệu quả để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, cảnh báo nguy cơ suy tim.
  • EF từ 35-39%: Có thể được coi là tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim. Tuy nhiên, trên lâm sàng vẫn có thể gặp những trường hợp bệnh nhân suy tim tâm trương có EF hoàn toàn trong giới hạn bình thường.
  • EF dưới 35%: Đây là trường hợp có nguy cơ rối loạn nhịp tim, có thể ngừng tim đột ngột, đe doạ tính mạng người bệnh.

4. Điều cần lưu ý khi phân suất tống máu giảm

chi-so-ef-trong-sieu-am-tim-2
Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể

 

Khi phân suất tống máu giảm thì tùy mức độ giảm mà bác sĩ có thể đưa ra những khuyến cáo để cải thiện chỉ số EF:

4.1 Hạn chế muối

Khi EF thấp, khả năng làm việc, bơm máu của tim bị giảm. Dẫn đến một lượng dịch nhất định bị ứ đọng trong hệ tuần hoàn, cơ thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, phù... Chính vì vậy, cần hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể, để hạn chế lượng dịch đi vào cùng muối, giúp giảm gánh nặng cho tim.

4.2 Hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể

Những người bệnh có EF thấp, được chẩn đoán suy tim cần được tính lượng dịch phù hợp với tình trạng hoạt động, bơm máu của tim.

4.3 Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dụng ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/ tuần được chứng minh giúp tăng cường sức khoẻ tim mạch, cải thiện chỉ số phân suất tống máu hiệu quả.

Trong trường hợp bệnh nhân kém đáp ứng với thuốc và những phương pháp điều trị hỗ trợ, cần được chỉ định cấy máy tạo nhịp dưới da để ngăn ngừa tình trạng ngưng tim đột ngột, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.

Đối với bệnh nhân suy tim , ngoài khả năng tiên lượng bệnh, EF còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đánh giá hiệu quả điều trị. Sự thay đổi của chỉ số EF cho thấy việc điều trị có thực sự hiệu quả hay không. Chính vì vậy, nhận thức rõ chỉ số EF sẽ giúp các bệnh nhân suy tim hiểu rõ tình trạng bệnh của mình hơn, đồng thời đánh giá được hiệu quả điều trị bệnh để bác sĩ có thể điều chỉnh phương pháp điều trị tối ưu.

Ngày nay việc xác định chỉ số EF trên các bệnh nhân tim mạch được tiến hành đơn giản và cho độ chính xác cao thông qua siêu âm tim - một biện pháp thăm dò tim mạch đã được áp dụng rộng rãi trên lâm sàng.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper