1. Chẩn đoán viêm cơ tim
1.1 Chẩn đoán xác định
Để chẩn đoán xác định viêm cơ tim cần dựa vào cả các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
Biểu hiện lâm sàng:
- Đau tức ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực.
- Tiếng tim mờ là triệu chứng sớm, có giá trị trong chẩn đoán viêm cơ tim cấp .
- Tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim.
- Huyết áp hạ, nhịp tim nhanh, mạch yếu.
Các dấu hiệu cận lâm sàng:
- Điện tim: Có dấu hiệu rối loạn dẫn truyền nhĩ thất (block nhĩ thất I, II, III), rối loạn dẫn truyền trong thất, hay rối loạn nhịp tim , điện thế tim thấp, sóng T dẹt hoặc âm, đoạn ST chênh lên hoặc chênh xuống.
- Chụp X-quang tim phổi: Có bóng tim to, sau điều trị chụp lại thấy bóng tim nhỏ lại, có biểu hiện ứ trệ tuần hoàn ở phổi.
- Siêu âm tim có hình ảnh buồng tim giãn, giảm vận động thành lan tỏa, một số trường hợp có thể thấy sự hình thành các cục máu đông ở thành tim.
- Xét nghiệm máu thấy có hiệu giá kháng thể với virus, vi khuẩn tăng.
- Xét nghiệm sinh thiết nội mạc cơ tim.
1.2 Chẩn đoán phân biệt
Trên lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt viêm cơ tim với một số các bệnh lý khác như:
Bệnh lý tại tim:
- Viêm nhiễm khuẩn màng trong tim.
- Bệnh lý về van tim như hẹp van hai lá, hẹp van ba lá, hở van động mạch chủ ...
- Thiếu máu cơ tim .
- Viêm màng ngoài tim
- Bệnh lý cơ tim giãn.
- Bệnh tim phổi.
Bệnh lý ngoài tim:
- Nhiễm độc giáp trạng.
2. Điều trị viêm cơ tim
2.1 Nguyên tắc điều trị
- Trong điều trị viêm cơ tim , chăm sóc bệnh nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cần lưu ý không để bệnh nhân bị hạ đường huyết, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho bệnh nhân để đảm bảo hoạt động của các tế bào cơ tim.
- Kết hợp đồng thời cả điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân.
- Trường hợp viêm cơ tim cấp , huyết động bị ảnh hưởng nhiều gây sốc tim, cần cho bệnh nhân được hồi sức tích cực về huyết động, tăng cường can thiệp sử dụng thuốc kịp thời, thuốc trợ tim... Điều trị như một bệnh nhân bị suy tim mất bù nặng.
- Truyền nitroglycerin hoặc nitroprusside khi bệnh nhân bị tăng áp lực tâm trương thất trái.
- Chỉ định chuyển đổi phương pháp điều trị kịp thời ngay khi thấy bệnh nhân không đáp ứng với phác đồ điều trị hiện tại.
2.2 Điều trị cụ thể
Đối với trường hợp viêm cơ tim nhẹ:
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, chế độ ăn giảm muối.
- Sử dụng kháng sinh để chống và diệt vi khuẩn hay thuốc kháng virus đối với các trường hợp viêm cơ tim do siêu vi gây ra.
- Cho sử dụng corticoid sớm hay một vài dòng thuốc miễn dịch với những trường hợp viêm cơ tim tế bào khổng lồ, viêm cơ tim eosinophilic, hay viêm cơ tim có rối loạn nhịp đe dọa nguy cơ rối loạn huyết động.
- Thuốc hỗ trợ tim mạch để giúp tăng lưu thông tuần hoàn cơ tim:
- Thuốc ức chế men chuyển: enalapril, capoten...
- Thuốc chẹn thụ thể hay dòng angiotensin II.
- Thuốc chẹn beta.
- Thuốc lợi niệu để làm giảm nguy cơ gây phù, ứ dịch bên trong cơ thể.
Đối với trường hợp viêm cơ tim nặng:
- Cần hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
- Sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch để cải thiện chức năng bơm máu của cơ tim nhanh hơn.
- Chỉ định dùng thiết bị hỗ trợ tâm thất để tạo tim nhân tạo tạm thời. Có thể sử dụng bằng việc cấy ghép hoặc đeo bên ngoài cơ thể.
- Tạo máy bơm máu vào động mạch chủ để giúp tăng lưu lượng máu cho cơ thể đồng thời giảm áp lực cho cơ tim.
- Sử dụng kết hợp phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể ECMO để tăng hàm lượng oxy trong máu.
- Trường hợp khẩn cấp cần tìm và tiến hành phẫu thuật cấy ghép tim kịp thời để đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân.
- Các thuốc sử dụng:
- Thuốc trợ tim mạch.
- Thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc lợi niệu.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Hiệu quả tốt đối với những bệnh nhân bị viêm cơ tim tế bào khổng lồ. Khi điều trị dùng kết hợp với cyclosporine và corticosteroid có thể giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
- Truyền globulin miễn dịch: Áp dụng với viêm cơ tim ở trẻ em , không khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành bị viêm cơ tim cấp.
- Interferon: Sử dụng trong viêm cơ tim mạn tính do virus.
Viêm cơ tim là bệnh lý xảy ra đặc trưng bởi những cơn đau ngực và những bất thường về tiếng tim trên lâm sàng như tiếng tim mờ, tiếng ngựa phi. Viêm cơ tim nếu không được điều trị, không những gây suy tim mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.
Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên cơ thể như khó thở, hồi hộp trống ngực, rối loạn nhịp tim... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng về sau.