Bệnh Cơ Tim Chu Sinh

Bệnh cơ tim chu sinh (BCTCS) là một thể của bệnh cơ tim giãn nở, với biểu hiện suy tim, không rõ nguyên nhân, xảy ra vào tháng cuối của thai kỳ hoặc trong thời gian 5 tháng sau sinh.

Tần suất: Xảy ra ở khoảng 1/2889 sản phụ sinh sống ở Hoa kỳ. Gặp nhiều hơn ở phụ nữ Mỹ gốc Phi, nhiều nhất ở Haiti (1/300), cao gấp gần 10 lần ở Mỹ (nguyên nhân chưa rõ). Tỷ lệ tử vong: Gần 50% tại Haiti, và tại Hoa kỳ: 0-5%

1. Ai có nguy cơ mắc bệnh cơ tim chu sinh?

Cho đến nay mặc dù có nhiều nghiên cứu song rất khó khăn để xác định bệnh nguyên và cơ chế bệnh sinh của bệnh cơ tim chu sinh . Chuỗi phản ứng viêm khởi phát cho quá trình tổn thương cơ tim gây hoại tử, xơ hóa, chết theo chương trình là nền tảng gây ra giảm sức co bóp của cơ tim, gây ra suy tim .

Dù rằng có nhiều giả thuyết, song hiện tại có 2 nguyên nhân được cho là có mối liên hệ nhiều nhất, đó là sự thay đổi hormone do quá trình mang thai, mà đặc biệt là prolactin và nguyên nhân thứ hai là viêm cơ tim do virus.

Demakis và cộng sự gợi ý có những yếu tố nguy cơ của BCTCS sau:

  • Đẻ nhiều lần, đa thai
  • Mẹ nhiều tuổi (gặp nhiều hơn ở người > 30 tuổi)
  • Tiền sản giật , tăng HA thai kỳ
  • Chủng tộc Mỹ gốc Phi
  • Dinh dưỡng kém, nghiện rượu

Sự thay đổi hormone do quá trình mang thai có thể gây ra bệnh cơ tim chu sinh

2. Các triệu chứng của bệnh cơ tim chu sinh là gì?

Đa số các trường hợp, 82% số ca được phát hiện trong vòng 3 tháng sau sinh (45% phát hiện bệnh ở tuần đầu tiên, 75% ở tháng đầu tiên sau sinh), chỉ khoảng 7% trường hợp phát hiện bệnh vào tháng cuối thai kỳ.

Giống như hội chứng suy tim chung, suy tim do BCTCS có đầy đủ triệu chứng lâm sàng của một bệnh cảnh suy tim như:

  • Giới hạn hoạt động thể lực, khó thở, hụt hơi (90%)
  • Phù mắt cá chân (62%)
  • Ho khi nằm đầu thấp
  • Nhịp tim nhanh, hồi hộp (60%)

Một vấn đề khó khăn là các triệu chứng khó thở, phù ngoại biên và nhịp tim nhanh là những biểu hiện có thể gặp ở một phụ nữ mang thai bình thường, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Đây là lý do làm cho nhiều bệnh nhân BCTCS phát hiện bệnh muộn và là thách thức cho bác sĩ sản khoa, thậm chí bác sĩ tim mạch khi đặt vấn đề chẩn đoán suy tim ở những bệnh nhân tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ. Việc chẩn đoán BCTCS sẽ dễ dàng hơn khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng suy tim ở giai đoạn sau sinh.

3. Bệnh cơ tim chu sinh được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bác sĩ nghi ngờ, có thể sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm như: Điện tim, các dấu ấn sinh học BNP, NT-Pro BNP , Troponin I, siêu âm tim, MRI tim để xác định chẩn đoán.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

Cần 4 tiêu chuẩn:

(1) Xuất hiện triệu chứng suy tim trong giai đoạn chu sản (1 tháng cuối trước sinh hoặc trong vòng 5 tháng sau sinh).

Xuất hiện triệu chứng suy tim trong giai đoạn chu sản là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán BCTCS

(2) Không có bằng chứng của bệnh suy tim trước đó cho đến khi phát hiện bệnh.

(3) Không có một nguyên nhân bệnh lý nào khác được xác định là có khả năng gây suy tim.

(4) Tiêu chuẩn siêu âm tim: Phân suất tống máu (EF) 45%, và hoặc phân suất co rút thất trái < 30%, và đường kính thất trái cuối tâm trương 2.7 cm/m2.

4. Có những lựa chọn điều trị nào cho bệnh nhân bệnh cơ tim chu sinh?

4.1 Điều trị suy tim trong thời gian mang thai

  • Hạn chế dịch < 2 lít/ngày, hạn chế muối 2-4 g/ngày, hạn chế gắng sức
  • Các thuốc có thể được sử dụng: Digoxin, beta-blockers, lợi tiểu quai , hydralazine, nitrates: an toàn và là những thuốc chính được sử dụng để điều trị suy tim cho sản phụ.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và ức chế thụ thể AT1 (ARBs): chống chỉ định trong thời gian mang thai vì có thể gây ra dị dạng thai nhi.

4.2 Điều trị suy tim sau sinh

Về cơ bản, điều trị giống như điều trị giai đoạn trước sinh, chỉ thêm là bổ sung nhóm ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin II – nhóm thuốc có khả năng cải thiện tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân suy tim có chức năng thất trái suy giảm. Thuốc captopril và enalapril thường được chọn lựa nếu bệnh nhân cho con bú – vì những thuốc này bài tiết ít qua sữa mẹ.

Trong một số trường hợp nặng hiếm gặp, cần phải phẫu thuật để cấy ghép dụng cụ hỗ trợ tim hoặc thực hiện ghép tim.

Thuốc captopril và enalapril thường được lựa chọn sử dụng cho bệnh nhân cho con bú

5. Bệnh cơ tim chu sinh ảnh hưởng đến tôi về lâu dài như thế nào?

May mắn thay, hầu hết phụ nữ bị BCTCS sẽ phục hồi một phần hoặc hoàn toàn chức năng tim. Tuy nhiên, cần theo dõi sát, tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ.

Nếu có dự định mang thai một lần nữa, nên đến khám và tư vấn với bác sĩ để đánh giá nguy cơ của bạn. Nếu siêu âm tim cho thấy chức năng tim vẫn giảm, thì việc mang thai tiếp theo không được khuyến khích, việc mang thai có thể khiến tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn, cần phải ghép tim hoặc gây tử vong. Ngay cả những bệnh nhân được siêu âm tim cho thấy tim của họ đã hồi phục hoàn toàn sau khi mang thai lần đầu cũng có thể bị suy tim tiến triển nếu họ mang thai lần tiếp theo.

Nên đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ tim mạch và thảo luận chi tiết về những nguy cơ khi mang thai cho mẹ - con (thai kỳ nguy cơ cao) cho bất kỳ bệnh nhân nào có tiền sử BCTCS trước khi thụ thai.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper