Một số triệu chứng xuất hiện ở tim và mạch máu thường xảy ra do sự lão hoá. Tuy nhiên, một số biểu hiện khác của sức khỏe thường gặp khi lão hóa là do các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Nếu không được điều trị, những yếu tố nguy cơ này có thể dẫn đến bệnh tim.
1. Hệ tim mạch gồm những cơ quan gì?
Hệ tim mạch của cơ thể bao gồm trái tim và những mạch máu chạy khắp cơ thể (động mạch, tĩnh mạch và mao mạch). Có thể chia trái tim thành hai phần: nửa bên trái và nửa bên phải. Nửa bên phải bơm máu đến phổi để trao đổi oxy và loại bỏ carbon dioxide . Nửa bên trái sẽ bơm máu giàu oxy cho cơ thể.
Máu chảy ra khỏi tim sẽ đi vào các động mạch, các động mạch này phân nhánh và nhỏ dần khi đi vào các mô. Trong các mô, các động mạch nhỏ dần sẽ trở thành các mao mạch nhỏ. Các mao mạch là nơi máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các mô, đồng thời nhận carbon dioxide và chất thải trở lại từ các mô. Sau đó, các mao mạch bắt đầu tập hợp lại với nhau thành các tĩnh mạch lớn và lớn dần về kích thước, đưa máu trở lại tim.
2. Những thay đổi của sự lão hoá lên hệ tim mạch
2.1 Những thay đổi ở tim
Trái tim có một hệ thống tự động giúp điều hòa và kiểm soát nhịp tim. Khi cơ thể lão hoá, một số con đường dẫn truyền của hệ thống này có thể bị xơ hoá và tích tụ chất béo . Hệ thống tạo nhịp tim tự nhiên (nút nhĩ thất) sẽ mất một số tế bào của dẫn truyền. Những thay đổi này có thể dẫn đến nhịp tim chậm hơn một chút. Tăng nhẹ kích thước của tim, đặc biệt là tâm thất trái xảy ra ở một số người lớn tuổi. Thành tim dày lên, do đó lượng máu mà buồng chứa thực sự có thể giảm, mặc dù kích thước tổng thể của tim tăng lên. Thời gian để máu trở về quả tim chậm hơn.
Những thay đổi về tim làm cho điện tâm đồ của một người lớn tuổi khỏe mạnh bình thường hơi khác so với điện tâm đồ của một người trẻ khỏe mạnh. Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim), chẳng hạn như rung tâm nhĩ, phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Chúng có thể do bệnh tim gây ra.
Những thay đổi bình thường ở tim bao gồm lắng đọng "sắc tố lão hóa", lipofuscin. Các tế bào cơ tim bị thoái hóa nhẹ. Các van bên trong tim, nơi kiểm soát hướng của dòng máu, dày lên và trở nên cứng hơn. Tiếng thổi tim do cứng van khá phổ biến ở người lớn tuổi.
2.2 Những thay đổi ở hệ thống mạch máu
Các thụ thể được gọi là baroreceptors, theo dõi huyết áp và thực hiện các thay đổi để giúp duy trì huyết áp khá ổn định, khi một người thay đổi tư thế hoặc đang thực hiện các hoạt động khác. Lúc này các tế bào thụ cảm trở nên kém nhạy cảm hơn so với quá trình lão hóa. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều người cao tuổi bị hạ huyết áp thế đứng , một tình trạng huyết áp giảm khi một người chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang đứng. Điều này có thể gây nên triệu chứng chóng mặt vì lượng máu lên não ít hơn.
Thành mao mạch hơi dày lên có thể khiến tốc độ trao đổi chất dinh dưỡng và chất thải chậm hơn một chút.
Động mạch chính từ tim (động mạch chủ) trở nên dày hơn, cứng hơn và kém linh hoạt hơn. Điều này có thể liên quan đến những thay đổi trong mô liên kết của thành mạch máu làm cho huyết áp cao hơn và làm cho tim làm việc nhiều hơn, có thể dẫn đến dày cơ tim (phì đại). Theo đó, các động mạch khác cũng dày lên và cứng lại. Nhìn chung, hầu hết những người lớn tuổi đều có mức tăng huyết áp vừa phải.
2.3. Những thay đổi ở máu
Máu của cơ thể cũng có sự thay đổi theo tuổi. Quá trình lão hóa bình thường làm giảm tổng lượng nước trong cơ thể. Là một phần của điều này, có ít chất lỏng hơn trong máu, do đó lượng máu giảm.
Tốc độ sản xuất các tế bào hồng cầu để phản ứng với căng thẳng hoặc bệnh tật bị giảm. Điều này tạo ra phản ứng chậm hơn đối với tình trạng mất máu và thiếu máu .
Hầu hết các tế bào bạch cầu đều ở cùng mức độ, mặc dù một số tế bào bạch cầu quan trọng đối với khả năng miễn dịch , giảm về số lượng và khả năng chống lại vi khuẩn. Điều này làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
3. Những sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?
Bình thường, tim tiếp tục bơm đủ máu để cung cấp cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Tuy nhiên, một trái tim ở người lớn tuổi có thể không bơm máu được nữa khi bạn làm việc nhiều hơn.Một số yếu tố khiến trái tim của bạn làm việc nhiều hơn là:
- Một số loại thuốc
- Căng thẳng cảm xúc
- Gắng sức
- Sốt
- Nhiễm trùng
- Thương tích
Một số bệnh lý có thể thường xuất hiện ở tuổi già do ảnh hưởng của sự lão hoá bao gồm:
- Đau thắt ngực (đau ngực do lưu lượng máu đến cơ tim giảm tạm thời), khó thở khi gắng sức và đau tim có thể do bệnh mạch vành.
- Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim) ở nhiều dạng khác nhau có thể xảy ra.
- Thiếu máu có thể xảy ra và cũng có thể liên quan đến suy dinh dưỡng, nhiễm trùng mãn tính, mất máu từ đường tiêu hóa hoặc là biến chứng của các bệnh hoặc thuốc khác.
Xơ cứng động mạch và suy tim sung huyết xảy ra rất phổ biến ở người lớn tuổi. Các mảng bám chất béo lắng đọng bên trong mạch máu khiến chúng thu hẹp và tắc nghẽn hoàn toàn. Còn ở những người trên 75 tuổi, suy tim sung huyết xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần so với những người trẻ tuổi.
Bệnh động mạch vành khá phổ biến. Nó thường là kết quả của chứng xơ cứng động mạch. Cao huyết áp và hạ huyết áp thế đứng thường gặp hơn khi tuổi càng cao. Người lớn tuổi dùng thuốc huyết áp cần phải làm việc với bác sĩ để tìm ra cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp cao của họ.
Các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ có thể xảy ra nếu dòng máu đến não bị gián đoạn.
Các vấn đề khác về tim và mạch máu bao gồm:
- Các cục máu đông
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Bệnh mạch máu ngoại vi, dẫn đến đau từng cơn ở chân khi đi bộ (đau chân)
- Suy tĩnh mạch
Phình mạch có thể phát triển ở một trong những động mạch chính từ tim hoặc não. Phình mạch là hiện tượng một phần của động mạch bị giãn rộng hoặc phình ra bất thường do thành mạch máu bị yếu. Nếu một túi phình vỡ có thể gây chảy máu và tử vong.
4. Làm thế nào để phòng ngừa sự lão hoá lên hệ tim mạch?
Bạn có thể giúp hệ tuần hoàn (tim và mạch máu). Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mà bạn có thể kiểm soát được bao gồm: huyết áp cao, mức cholesterol, tiểu đường, béo phì và hút thuốc.
Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim với lượng chất béo bão hòa và cholesterol giảm, đồng thời kiểm soát cân nặng của bạn. Thực hiện theo các khuyến nghị của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để điều trị huyết áp cao, cholesterol cao hoặc bệnh tiểu đường . Giảm hoặc ngừng hút thuốc.
Nam giới trong độ tuổi từ 65 đến 75 đã từng hút thuốc nên được tầm soát chứng phình động mạch chủ bụng.
Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa béo phì và giúp những người mắc bệnh tiểu đường kiểm soát lượng đường trong máu của họ. Tập thể dục có thể giúp bạn duy trì khả năng của mình nhiều nhất có thể và làm giảm căng thẳng.
Tập thể dục vừa phải là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giữ cho trái tim và phần còn lại của cơ thể khỏe mạnh. Tham khảo ý kiến nhà cung cấp của bạn trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới. Tập thể dục vừa phải và trong khả năng của bạn, nhưng thực hiện thường xuyên.
Những người thường xuyên tập thể dục có ít mỡ trong cơ thể hơn và ít hút thuốc hơn những người không tập thể dục. Họ cũng có xu hướng ít gặp các vấn đề về huyết áp và ít bệnh tim hơn.
Kiểm tra huyết áp hàng năm. Nếu bạn bị tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về thận hoặc một số bệnh lý khác, huyết áp của bạn có thể cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
Nếu mức cholesterol bình thường hãy kiểm tra lại sau mỗi 5 năm. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về thận hoặc một số bệnh lý khác, cholesterol có thể cần được theo dõi chặt chẽ hơn.
Các bệnh lý tim mạch, mạch máu thường xảy ra rất phổ biến của người già và là căn bệnh nguy hiểm bậc nhất hiện nay với tỉ lệ tử vong cao. Vì thế, khi gặp các triệu chứng như: đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, huyết áp tăng hoặc giảm đột ngột, ... cần nhanh chóng đưa người cao tuổi đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe.
Việc thăm khám luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh về tim mạch cùng sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại sẽ giúp phát hiện sớm và chính xác nhất, để từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo: msdmanuals.com - medlineplus.gov - ncbi.nlm.nih.gov