Thiếu máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Tùy vào từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những lựa chọn phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim thích hợp.
1. Bệnh thiếu máu cơ tim là gì?
Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là tình trạng xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến tim không thể tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết để phục vụ cho hoạt động co bóp. Bệnh thường được phát hiện ở những người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, tăng huyết áp , béo phì , tiểu đường .
Bệnh thiếu máu cơ tim khi không được điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, nghiêm trọng. Điển hình là giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim. Một số trường hợp còn dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim, nguy hiểm đến tính mạng.
2. Triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh là những cơn đau thắt đột ngột ở ngực trái, sau đó lan dần ra cánh tay, sau cổ và gáy.
Đặc biệt hơn thì sẽ bị đổ mồ hôi lạnh bất thường ở vùng đầu cổ, chóng mặt, choáng váng, nhịp tim nhanh kèm theo khó thở, buồn nôn và nôn mửa.
3. Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim
Nguyên nhân thiếu máu cơ tim gồm:
3.1 Bệnh xơ vữa động mạch vành
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thiếu máu cơ tim. Mảng xơ vữa được tạo thành từ cholesterol , tích tụ tại thành động mạch, cản trở sự lưu thông của máu.
3.2 Các cục máu đông
Khi các mảng xơ vữa bị vỡ, tạo thành các cục máu đông, gây tắc mạch máu ở các đoạn hẹp, dẫn đến tình trạng thiếu máu đột ngột và gây triệu chứng.
3.3 Co thắt động mạch vành
Sự co thắt động mạch vành tạm thời của các cơ làm giảm lưu lượng máu, thậm chí là ngăn chặn dòng chảy, làm cho lượng oxy cung cấp cho cơ tim giảm mạnh. Tuy nhiên, co thắt động mạch vành không phải là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim.
4. Các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim
Các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu cơ tim đang được dùng nhiều nhất hiện nay chủ yếu hướng đến cách khắc phục nguyên nhân xơ vữa động mạch vành , bao gồm:
4.1 Điều trị bằng thuốc và tiết thực
Bệnh nhân có thể điều trị bằng thuốc kết hợp giảm cân, tập thể dục và hạn chế ăn dầu mỡ, trứng.
4.2 Nong và đặt giá đỡ trong lòng mạch vành
Thông qua ống thông (catheter), người ta luồn một dây cực nhỏ (có chứa bong bóng nhỏ ở đầu dây) vào đến vị trí lòng động mạch hẹp. Sau đó bơm bóng để làm rộng lòng mạch hẹp, tiếp đến sẽ đặt một giá đỡ để giữ cho lòng mạch được thông suốt. Sau quá trình đó, các bệnh nhân phải duy trì uống thuốc đều đặn.
Sau khi nong lòng mạch vành , sẽ có thể có hiện tượng tăng sinh tế bào nội mạc trong lòng mạch dẫn đến tình trạng tái hẹp. Vì thế các bác sĩ đã cải tiến bằng cách dùng giá đỡ có tẩm thuốc ngăn ngừa tái hẹp. Các bệnh nhân sau khi được đặt giá đỡ có tẩm thuốc phải được theo dõi định kỳ để khắc phục các triệu chứng phát sinh có thể xảy ra.
4.3 Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Các trường hợp khi có quá nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc các vị trí nguy hiểm không thể nong thì người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật tim hở. Các bác sĩ sẽ nối ở đoạn trước và sau chỗ hẹp bằng một nhánh mạch máu khác để máu vẫn lưu thông bình thường mà không cần qua chỗ hẹp.
Tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có lựa chọn điều trị phù hợp.
5. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thiếu máu cơ tim?
- Tầm soát mạch vành định kỳ: Bệnh thiếu máu cơ tim ở những giai đoạn đầu thì không có những biểu hiện gì. Vì thế, bệnh nhân cần đi kiểm tra định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh.
- Tránh những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện bệnh: Thay đổi lối sống lành mạnh hơn, hạn chế các thực phẩm không tốt, không hút thuốc, stress, uống rượu.
- Dùng thuốc hỗ trợ: Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân thiếu máu cơ tim các loại thuốc như: Aspirin, nhóm nitrat, nhóm điều trị rối loạn lipid máu...
Thiếu máu cơ tim là bệnh vô cùng nguy hiểm, vì thế các bệnh nhân cần phải được thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.