1. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh động mạch vành
Bệnh nhân có bệnh động mạch vành thường xuất hiện những dạng bệnh lý cơ bản sau:
- Cơn đau thắt ngực ổn định: Cơn đau ngắn, xảy ra khi gắng sức.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định: Cơn đau xuất hiện dài, ngay cả những lúc nghỉ ngơi.
- Nhồi máu cơ tim : Bị tắc hoàn toàn động mạch vành gây hoại tử vùng cơ tim.
Nếu nghi ngờ bản thân đang mắc các triệu chứng trên, bác sĩ có thể yêu cầu làm một số thăm dò để xác định bệnh gồm có:
- Điện tâm đồ
Điện tâm đồ là thăm dò đơn giản để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể cho thấy biểu hiện thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim, các biến chứng của bệnh mạch vành như dày thành tim, giãn buồng tim rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp có bệnh mạch vành mà điện tâm đồ lại không biến đổi. Lưu giữ các điện tâm đồ cũ để so sánh và xác định những biến đổi mới cho phép nâng cao khả năng phát hiện bệnh mạch vành.
- Xét nghiệm máu
Các men tim có trong máu có thể bình thường hoặc tăng trong nhồi máu cơ tim .
- Siêu âm tim
Biện pháp giúp đánh giá vận động các thành tim. Siêu âm tim là một thăm dò không chảy máu, tuy nhiên đòi hỏi phương tiện hiện đại (máy siêu âm) cũng như bác sĩ được đào tạo chuyên khoa.
- Thăm dò chẩn đoán hình ảnh
Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim , chụp phóng xạ tưới máu cơ tim ngày càng được ứng dụng rộng rãi để chẩn đoán sớm động mạch vành. Chụp cắt lớp vi tính đa dãy mạch vành đã khá phổ biến ở các trung tâm tim mạch lớn trong nước. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ quan sát giải phẫu của mạch vành, qua đó biết được mức độ vôi hoá, vị trí vành mạch hẹp, mức độ hẹp.
- Thông tim và chụp động mạch vành
Thông tim và chụp động mạch vành là thăm dò hiện đại nhất giúp chẩn đoán bệnh mạch vành bởi vì nó cho phép bác sĩ có thể nhìn thấy chính xác động mạch vành nào bị hẹp hay tắc dưới màn huỳnh quang tăng sáng. Chụp động mạch vành qua da là một biện pháp thăm dò chảy máu, tuy nhiên hoàn toàn không đau đớn (không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ) và rất hiếm gặp biến chứng.
- Nghiệm pháp gắng sức
Nghiệm pháp gắng sức là biện pháp thăm dò kinh điển để chẩn đoán bệnh mạch vành. Ở trạng thái nghỉ ngơi, dù động mạch vành bị hẹp vẫn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể. Khi phải gắng sức, nhu cầu oxy cơ thể tăng lên, và khi đó mới lộ ra các dấu hiệu thiếu máu cơ tim. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn bằng chạy trên thảm chạy, hoặc đạp xe tại chỗ với tốc độ tăng dần, hoặc họ sẽ truyền thuốc cho bạn để gây tình trạng gắng sức thực nghiệm. Tình trạng thiếu máu cơ tim khi gắng sức sẽ được ghi nhận và đánh giá bằng một số biện pháp như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, hoặc xạ hình cơ tim gắng sức. Qua đó, bác sĩ đánh giá bạn có khả năng bị bệnh mạch vành hay không và mức độ như thế nào.
2. Siêu âm tim gắng sức là gì?
Siêu âm tim gắng sức là siêu âm tim qua thành ngực kèm với khả năng gắng sức của bệnh nhân, để đạt được tần số tim đích theo tuổi. Trong quá trình gắng sức bác sĩ làm siêu âm sẽ ghi nhận lại hình ảnh rối loạn vận động bất thường và so sánh với vận động thành cơ tim lúc nghỉ.
3. Chỉ định siêu âm tim gắng sức
- Chẩn đoán bệnh động mạch vành.
- Tiên lượng và phân tầng nguy cơ bệnh nhân có bệnh động mạch vành (Ví dụ: sau nhồi máu cơ tim).
- Đánh giá nguy cơ trước phẫu thuật.
- Đánh giá nguyên nhân khó thở khi gắng sức.
- Đánh giá sau tái tưới máu.
- Định khu vùng thiếu máu.
- Đánh giá mức độ hẹp van.
4. Siêu âm tim gắng sức chống chỉ định trong trường hợp nào?
- Nhồi máu cơ tim < 7 ngày.
- Đau thắt ngực trong 24 giờ qua.
- Đau thắt ngực thể không ổn định.
- Hẹp thân chính động mạch vành trái.
- Viêm cơ tim và viêm màng tim cấp.
- Loạn nhịp nhanh : Nhĩ và thất.
- Ngoại tâm thu thất nhiều ổ hoặc chùm.
- Block nhĩ thất cấp II và III.
- Nhịp chậm < 45/phút khi nghỉ.
- Suy tim độ 4 (theo phân độ của New York Heart Association - NYHA).
- Hẹp chủ (có tiền sử xỉu, ngất).
- Bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn.
- Tăng huyết áp nặng khi nghỉ: Huyết áp tâm thu > 200 mmHg và huyết áp tâm trương > 110 mmHg.
- Bệnh nhân mang máy tạo nhịp.
- Bệnh nhân có bệnh thực thể nặng: Nhiễm khuẩn, thiếu máu,...
- Ngộ độc thuốc: Digitalis,...
5. Các kiểu siêu âm tim gắng sức
Có 3 cách tiến hành siêu âm gắng sức :
- Gắng sức bằng thể lực như đạp xe (tư thế nằm, ngồi, nửa nằm nửa ngồi ) hoặc chạy trên thảm lăn. Phương pháp này có ưu điểm là hoạt động gắng sức gần với sinh lý bình thường, không phải sử dụng thuốc nên không bị tác dụng phụ của thuốc, vì thế khá an toàn. Tuy nhiên, nó có khó khăn cho việc đánh giá vì thường không theo dõi siêu âm được liên tục, mà chỉ thực hiện được ở giai đoạn đầu, đỉnh của gắng sức và giai đoạn hồi phục. Ở tư thế nửa nằm kiểm tra siêu âm dễ dàng hơn, nhưng bệnh nhân lại khó khăn trong việc đạp xe do không quen, vì thế khó đạt được tần số tim tối đa.
- Gắng sức bằng thuốc như Dobutamin, Dipyridamole, Adenosine,... Đây là phương pháp hay được dùng nhất vì thuận tiện cho ghi hình siêu âm và người thầy thuốc có thể chủ động trong quá trình kiểm tra. Có 2 loại thuốc hiện nay hay được sử dụng là Dobutamin và Dipyridamole, chúng đều khá an toàn, hiệu quả cao, tuy cũng có một số tác dụng phụ nhất định.
- Kích thích nhĩ qua thực quản, hoặc tạo nhịp.
Phương pháp này hiện nay ít được dùng trong lâm sàng. Nếu ở trạng thái gắng sức cơ tim vẫn không bị thiếu máu, chứng tỏ hệ thống động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim vẫn đảm bảo, khi nghiệm pháp dương tính thể hiện một cách gián tiếp tuần hoàn vành bị tổn thương, không cung cấp đủ nhu cầu oxy cho cơ tim khi gắng sức.
6. Lưu ý trước khi thực hiện siêu âm tim gắng sức
- Ngừng thuốc
- Chẹn beta: Ngừng 24h trước thủ thuật nếu lâm sàng cho phép.
- Đối với bệnh nhân đái tháo đường: không dùng insulin bình thường mà chỉ dùng insulin chậm và giảm 1/2 liều. Bệnh nhân không phụ thuộc insulin vẫn được uống thuốc hạ đường huyết.
- Không ăn trong 2 giờ trước thủ thuật.
- Giải thích và bệnh nhân ký cam đoan đồng ý thủ thuật.
- Siêu âm tim được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành, trình độ chuyên môn cao.
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp.
- Bệnh nhân được siêu âm trong phòng kín với đầy đủ trang thiết bị, trong quy trình thực hiện bác sĩ sẽ giảm ánh sáng trong phòng siêu âm, sau đó bệnh nhân sẽ được bôi 1 loại gel đặc biệt trên ngực để tăng khả năng dẫn truyền sóng siêu âm giúp việc quan sát hình ảnh rõ nét hơn. Đầu dò được di chuyển qua lại trên ngực để ghi hình ảnh siêu âm tim. Bạn có thể nghe thấy tiếng píu píu, là tiếng máu chảy trong tim mà máy siêu âm ghi lại.
- Quá trình siêu âm tim đều diễn ra chưa đến 1 giờ, thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn hay rút ngắn hơn tùy vào tình trạng của bệnh nhân.
Sau khi thực hiện siêu âm tim, nếu không có vấn đề gì xảy ra, người bệnh sẽ được bác sĩ cho phép tham gia hoạt động thường ngày. Việc gắng sức hay dùng thuốc trong siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời chứ không phải do siêu âm tim.