Đau thắt ngực ổn định hay còn gọi là bệnh mạch vành ổn định (mạn tính) là tình trạng không có những diễn bất ổn của cơn đau ngực trong khoảng thời gian vài tuần gần đây. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường ổn định, cơn đau ngắn và xảy ra khi cố gắng dùng sức. Khi nghỉ ngơi sẽ đỡ và đáp ứng tốt với Nitrates. Thông thường đau thắt ngực ổn định thường liên quan đến sự ổn định của mảng xơ vữa.
1. Triệu chứng lâm sàng của đau thực ngực ổn định
Vị trí đau thường là một vùng sau xương ức, có thể lây lan lên cổ, vai, hai tay, hàm, thượng vị và sau lưng. Trường hợp hay gặp có hướng lây lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái.
Hoàn cảnh xuất hiện của bệnh khi gắng sức, xúc cảm mạnh, ăn quá no hoặc hút thuốc lá . Cơn đau có thể diễn ra trong vài phút nhưng không quá 30 phút.
Thực hiện khám lâm sàng rất quan trọng có thể phát hiện được các nguy cơ hoặc yếu tố ảnh hưởng đến tim mạch.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh
2.1. Điện tâm đồ lúc nghỉ
Phương pháp thăm dò sàng lọc trong bệnh mạch vành, điện tâm đồ trong cơn đau có thể nhận thấy được sự thay đổi của sóng T và đoạn ST (sóng T âm, đoạn ST chênh xuống).
2.2. Các phương pháp gắng sức
Phương pháp chỉ được thực hiện ở những cơ sở chuyên khoa sâu về Tim mạch, trang bị y tế đầy đủ hiện đại.
Điện tâm đồ gắng sức
- Đánh giá được nguy cơ mắc các bệnh mạch vành của bệnh nhân
- Dự đoán mức độ hoạt động thể lực an toàn cho bệnh nhân
- Điện tâm đồ gắng sức không dự đoán được mức độ hẹp của động mạch vành , không xác định được vùng tiểu cơ tim thiếu máu
Siêu âm tim gắng sức
Là phương pháp thăm dò giá trị và đơn giản, có thể cho phép dự đoán vùng cơ tim thiếu máu và động mạch vành tương ứng tổn thương.
Phóng xạ đo tưới máu cơ tim
2.3. Siêu âm tim thường quy
- Xác định những rối loạn vận động vùng nếu có
- Đánh giá chức năng tim, các bệnh về van tim, màng tim, cơ tim,...
2.4. Holter điện tim
- Phát hiện thời điểm xuất hiện bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc bệnh tim thiếu máu thầm lặng.
- Trong cơn co thắt mạch vành có thể thấy đoạn ST chênh lên, ngoài ra có thể phát hiện một số rối loạn nhịp tim khác.
2.5. Chụp động mạch vành
Phương pháp này chỉ được phép triển khai ở những cơ sở có triển khai tim mạch can thiệp. Chỉ định cho bệnh nhân suy vành với mục đích can thiệp nếu có thể.
3. Điều trị đau thắt ngực ổn định
Điều trị đau thắt ngực ổn định giúp cơ thể không có những biến chứng nguy hiểm, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông thường có 3 phương pháp điều trị: sử dụng thuốc, can thiệp động mạch vành, mổ làm cầu nối chủ vành.
Các điều trị nội khoa
3.1. Các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu
Aspirin: Liều dùng từ 75 - 325 mg/ngày.
Nếu dị ứng hoặc dung nạp kém với Aspirin,có thể dùng:
- Ticlopidine (Ticlid): viên 250mg, dùng 2 viên/ngày. Tác dụng phụ có thể gặp như hạ bạch cầu máu (3-5%), hạ tiểu cầu. Cần phải theo dõi công thức máu trong quá trình sử dụng.
- Clopidogrel (Plavix): Viên 75mg, hiệu quả cao và ít tác dụng phụ hơn Ticlid, liều 75mg/ngày.
3.2. Điều chỉnh rối loạn Lipid máu
Chỉ định cho những đối tượng sau:
- Bệnh nhân có rối loạn lipid máu mà có tiền sử đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim .
- Bệnh nhân sau làm cầu nối động mạch vành.
Các nhóm thuốc:
- Ức chế men HMG-CoA: Simvastatin (Zocor), Atorvastatin (Lipitor), Rosuvastatin (crestor)... đã được chứng minh là rất tốt trong ngăn ngừa bệnh động mạch vành ..
- Dẫn xuất Fibrat: như Gemfibrozil (Lopid), Fenofibrat (Lipanthyl), Benzafibrat (Banzalip).
- Nicotinic acid (Niacin).
- Các loại Resins gắn acid mật: Colestipol, Cholestyramine.
3.3. Các dẫn xuất Nitrates
Nitroglycerin (Glycerin trinitrate, Nitrobid, Nitrostat, Nitrodur, Natispray, Nitromit...) , Isosorbide dinitrate (Isosorbid, Lenitral, Sorbitrate), Isosorbid - 5-
Mononitrate (Imdur, Ismo)
3.4. Các thuốc chẹn giao cảm
- Metoprolol (Betaloc): 50 - 200 mg/ ngày.
- Atenolol (Tenormin): 25 - 200 mg/ngày.
- Acebutolol (Sectral): 200 - 600 mg
- Betaxolol: 20 - 40 mg/ngày
- Propanolol (Inderal): 40 - 320 mg/ ngày
- Nadolol, Timolol, Pindolol
- Labetalol, Carvedilol
3.5. Các thuốc chẹn dòng canxi
Các nhóm thuốc:
- Dihydropyridines: (Nifedipin, Amlordipine, Felodipine, Isradipine); ít tác dụng lên ĐMV. Nifedipin và Amlordipine có thể dùng trong một số trường hợp, đặc biệt khi có THA và có yếu tố co thắt kèm theo.
- Benzothiazepines: Diltiazem (Tildiem) 30-90 mg x 3 lần/ngày. Không dùng ở bệnh nhân có giảm chức năng co bóp thất trái, nhịp chậm.
- Phenylalkylamine: Verapamil (Isoptine): 120 - 240 mg x 2 lần/ngày. Có thể làm giảm chức năng co bóp thất trái và làm chậm nhịp tim. Không dùng thuốc này ở bệnh nhân suy tim.
3.6. Ức chế men chuyển
Chỉ nên dùng ở những bệnh nhân đau thắt ngực ổn định sau NMCT có rối loạn chức năng thất trái hoặc bệnh nhân có THA kèm theo. Nên khởi đầu bằng liều thấp để tránh tụt huyết áp và suy thận.
3.7. Điều trị Hormon thay thế
- Hiện nay thường dùng là Estrogen, liều 0,625 mg /ngày, uống trong 25 ngày liên tục, nghỉ 5 ngày.
- Các thuốc chống gốc oxy tự do: Vitamin E 400 - 800 đơn vị/ngày có thể làm giảm một số biến cố bệnh tim mạch. Tuy nhiên các nghiên cứu còn chưa thống nhất về lợi ích thực sự của nó trong bệnh ĐMV.
3.8. Điều trị can thiệp động mạch vành
Áp dụng được ở những cơ sở có tim mạch can thiệp, các phương pháp bao gồm: nong động mạch vành bằng bóng , đặt Stent trong ĐMV, bào gọt mảng xơ vữa có định hướng khoan mảng xơ vữa ...
3.9. Mổ làm cầu nối chủ - vành
Áp dụng ở những cơ sở có trung tâm mổ tim. Chỉ định cho trường hợp bệnh nhiều động mạch vành bị hẹp (vd. Tổn thương 3 ĐMV), tổn thương thân chung, tổn thương phức tạp không phù hợp cho can thiệp mà đoạn xa còn tốt...