Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau mổ tim bẩm sinh

Tim bẩm sinh không phải là dị tật hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Sau khi phẫu thuật là thời điểm bệnh nhi phải đối mặt với nhiều rối loạn về sinh lý. Việc chăm sóc trẻ sau mổ tim bẩm sinh là một trong những chìa khóa quan trọng góp phần vào sự thành công của cuộc phẫu thuật.

1. Giai đoạn hồi tỉnh

Sau mổ tim bẩm sinh ở trẻ em sẽ được theo dõi tại phòng hồi tỉnh . Đây là thời điểm bệnh nhi đang thoát mê, các chức năng sống đang dần hồi phục.

Ở giai đoạn này người nhà cần chú ý các vấn đề sau:

  • Theo dõi các dấu hiệu chức năng sống . Cần chú ý quan sát màu sắc da, môi nếu thấy nhợt nhạt hoặc tím tái đó là dấu hiệu thiếu oxy máu. Đánh giá khả năng hô hấp của trẻ, nếu thấy có sự co kéo các cơ vùng cổ, ngực hoặc có tiếng thở rên, thở rít là biểu hiện của khó thở . Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào đều phải báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Chủ động phục hồi ý thức, cảm giác và vận động của bệnh nhi. Sau khi cai máy thở người nhà nên chủ động gọi hỏi, kích thích nhẹ nhàng để trẻ nhanh chóng phục hồi tri giác.
  • Giữ ấm cho bệnh nhi bằng cách đắp ấm. Một chai nước ấm được vặn chặt nắp để cạnh bệnh nhi cũng có tác dụng giữ ấm cho trẻ.
  • Nhẹ nhàng thay đổi tư thế bệnh nhi khi hồi phục ý thức để tăng cường lưu thông máu. Xoa bóp tay chân giúp trẻ giảm tê mỏi.
  • Chú ý quan sát biểu hiệu đau của bệnh nhi hoặc hỏi trực tiếp nếu trẻ đã biết nói để đánh giá hiệu quả của thuốc giảm đau.

Chăm sóc trẻ sau mổ tim bẩm sinh cần chú ý theo dõi các dấu hiệu chức năng sống

2. Giai đoạn hậu phẫu

Ở giai đoạn này, các chức năng sống của bệnh nhi đã hồi phục. Trẻ sẽ được chuyển xuống phòng hậu phẫu ở khoa lâm sàng.

Phụ huynh chăm sóc trẻ sau mổ tim ở giai đoạn này cần chú ý các vấn đề sau:

  • Tiếp tục theo dõi ý thức, tinh thần, vận động của trẻ. Cho trẻ nằm tư thế đầu cao 30 độ.
  • Phụ huynh cần luôn ở bên cạnh động viên an ủi trẻ, theo dõi mức độ đau sau mổ để báo cho nhân viên y tế có hướng điều trị giảm đau thích hợp.
  • Sau mổ 2 ngày trẻ có thể sốt nhẹ sau đó giảm dần. Ngoài thuốc hạ sốt , người chăm sóc cần tích cực thực hiện các biện pháp hạ thân nhiệt cho trẻ như nới lỏng quần áo, bỏ chăn mền, chườm nước ấm hoặc nước mát tại các vị trí nách, bẹn, trán, gan bàn tay bàn chân. Nếu trẻ sốt cao liên tục hoặc kéo dài hơn 3 ngày cần báo cho nhân viên y tế.
  • Khuyến khích trẻ vận động sớm để tránh ứ đọng đàm nhớt, tránh xẹp phổi, tăng cường lưu thông máu. Với bệnh nhi nhỏ chưa đi được, người nhà cần giúp trẻ thay đổi tư thế thụ động theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Ăn uống theo chỉ định của bác sĩ. Khi được bác sĩ cho phép ăn bằng đường miệng cần ăn thức ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều.
  • Chú ý giữ vệ sinh cho bệnh nhi. Trẻ phải được lau người bằng nước ấm (tránh vết mổ) và vệ sinh răng miệng hàng ngày.

Sau khi mổ tim bẩm sinh ở trẻ em khoảng 2 ngày, trẻ có thể sốt nhẹ sau đó giảm dần

3. Giai đoạn xuất viện

Khi về nhà, ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì khi chăm sóc trẻ sau mổ tim bẩm sinh, phụ huynh cần lưu tâm đến các vấn đề sau:

Chế độ dinh dưỡng

  • Mổ tim bẩm sinh ở trẻ em là một phẫu thuật lớn đối với trẻ, do đó không kiêng bất kì một loại thức ăn nào, ăn uống đa dạng nhiều loại thức ăn khác nhau.
  • Chia làm nhiều bữa, ăn thức ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều.
  • Với trẻ dưới 1 tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính và bổ sung thêm các chất đạm, chất béo, vitamin, tinh bột. Mẹ phải chú ý bổ sung dinh dưỡng cho bản thân để nguồn sữa luôn đảm bảo.
  • Nếu mẹ bị mất sữa có thể cho trẻ dùng sữa bột.

Chế độ vận động

  • Trẻ không nên vận động mạnh trong vài tháng đầu sau mổ.
  • Bệnh nhi nếu đã trải qua phẫu thuật sửa chữa tim như người bình thường thì có thể vận động tùy theo khả năng thể lực của trẻ.
  • Tránh những hoạt động đòi hỏi gắng sức nhiều như bóng rổ, bóng đá, các môn thi đấu đối kháng võ thuật và các trò chơi cảm giác mạnh.
  • Nếu trẻ trong độ tuổi đi học, phụ huynh cần trao đổi với nhà trường để miễn giảm những hoạt động thể lực nặng.

Tiêm chủng

  • Để tránh che lấp các triệu chứng sau mổ, phụ huynh chỉ cho trẻ tiêm chủng sau khi mổ từ 6 - 8 tuần.
  • Phụ huynh cần chú ý theo dõi các triệu chứng sau tiêm.

Dấu hiệu cần tái khám ngay

Ngoài việc tái khám định kỳ theo lịch hẹn, khi có các triệu chứng sau người nhà cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

  • Bú kém, ăn uống kém hoặc bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói.
  • Sốt cao.
  • Tiêu chảy .
  • Quấy khóc liên tục, vật vã, lơ mơ, li bì.
  • Thở nhanh, khó thở, co lõm lồng ngực , tím tái, vã mồ hôi, chi lạnh.

Giúp trẻ hòa nhập cuộc sống

  • Khi trẻ lớn, phụ huynh cần nói cho trẻ biết tình trạng bệnh của mình và hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá và hoạt động thể lực phù hợp.
  • Thường xuyên ở bên cạnh, chia sẻ, động viên tránh cho bệnh nhi cảm thấy mặc cảm, tự ti, cô đơn.
  • Không nên cấm đoán trẻ chơi đùa cùng bạn bè hoặc tham gia các hoạt động thể lực. Trẻ phải được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động ngoài trời cùng bạn bè để phát triển cân bằng cả về thể chất và tinh thần.
  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về Nhi khoa : gồm các chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper