Thuật ngữ chấn động tim (tiếng Latinh: Commotio cordis) dùng để chỉ hiện tượng ngừng tim đột ngột xảy ra sau tác động vào thành ngực mà không gây tổn thương cấu trúc của tim. Hiện tượng này được đề cập khá sớm trong y văn châu Âu từ những năm 1700 khi có 1 số vận động viên đang khỏe mạnh bỗng bị đột tử sau 1 va chạm trong khi thi đấu.
Chấn động tim là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây đột tử ở vận động viên, sau bệnh cơ tim phì đại, nhưng khác ở chỗ là đột tử do chấn động tim xảy ra ở 1 quả tim có cấu trúc hoàn toàn bình thường.
1. Dịch tễ học
Vào giữa những năm 1990, Mỹ lập chương trình đăng ký chấn động tim (National Commotio Cordis Registry - NCCR). Tới nay đã ghi nhận khoảng 200 trường hợp. Sau đây là 1 số số liệu đáng chú ý từ chương trình này.
- Độ tuổi bị chấn động tim rất trẻ, trung bình là 15. Chỉ có 9 % ca chấn động tim trên 25 tuổi.
- 95 % là nam giới.
- 75 % là vận động viên thể thao, chủ yếu là vận động viên chuyên nghiệp, chỉ có 25 % là nghiệp dư.
Hầu hết các trường hợp là do các quả bóng cứng bắn vào ngực như bóng chày, bóng vợt (lacrosse), bóng khúc côn cầu hoặc va chạm cơ thể như trong môn bóng bầu dục, bóng đá. NCCR cũng nhận được báo cáo của 60 ca ở ngoài nước Mỹ, phân tích cho thấy tuổi trung bình của các bệnh nhân bị chấn động tim ngoài nước Mỹ cao hơn: 19 so với 15.
2. Cơ chế gây ngừng tim trong chấn động tim
Rung thất xảy ra sau tác động va chạm đủ mạnh, với vận tốc nhanh, trực tiếp lên thành ngực vùng trước tim, có hoặc không gây tổn thương thành ngực, nhưng hoàn toàn không gây tổn thương lên cấu trúc của tim.
Rung thất là do lực va chạm làm gia tăng đột ngột áp lực trong buồng tim, kích hoạt hoạt động của kênh Kali đúng vào thời điểm dễ tổn thương về điện học trong giai đoạn tái cực (sóng T trên điện tâm đồ ).
* Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng tới cơ chế này:
- Thời điểm va chạm : Đây là yếu tố góp phần quan trọng nhất gây ra rung thất trong chấn động tim. Chỉ những va chạm xảy ra trong khoảng 20 – 40 ms ở sườn lên của sóng T trên điện tâm đồ là gây ra rung thất, bởi vì đây là thời kỳ tái cực sớm, dễ tổn thương nhất về điện học.
- Vị trí va chạm : Chỉ những va chạm với thành ngực trực tiếp lên điện tim mới gây ra rung thất.
- Vận tốc va chạm : Trong phạm vi nhỏ hơn 40 dặm/h (tương đương 65 km/h), vận tốc của vật thể va chạm càng nhanh thì khả năng gây ra rung thất càng nhiều. Nhưng nếu vận tốc va chạm từ 40 dặm/h trở lên thì khả năng gây rung thất sẽ giảm, ngược lại tình trạng đụng giập cơ tim sẽ tăng.
- Độ cứng của vật va chạm càng cao thì khả năng gây rung thất càng lớn.
- Hình dạng của vật va chạm: Những vật va chạm có hình dạng phẳng không gây ra rung thất, ngược lại những vật hình cầu, diện tích nhỏ có xác suất gây rung thất cao.
* Các nghiên cứu thực nghiệm không đưa ra được bằng chứng nhằm giải thích tại sao chấn động tim chủ yếu xảy ra ở người rất trẻ. Có 2 yếu tố có thể giải thích điều này: thứ nhất là số lượng đông đảo người rất trẻ tham gia các môn thể thao với bóng và thứ 2 là ở tuổi thiếu niên thành ngực còn mỏng và chưa đủ chắc chắn để bảo vệ tim khỏi các cú va chạm.
3. Bệnh cảnh lâm sàng và chẩn đoán
Các loại bóng đặc như bóng chày, bóng vợt (lacrosse), khúc côn cầu dễ gây chấn động tim hơn các loại bóng hơi như bóng đá, bóng bầu dục, bóng chuyền, bóng rổ.
Ngoài va chạm do bóng ra, các va chạm thân thể khi thi đấu trong tất cả các môn thể thao đối kháng đều có thể gây chấn động tim.
Có 2 tình huống xảy ra: Tình huống thứ nhất là đột tử trong khi luyện tập hoặc thi đấu. Tình huống thứ 2 là mất ý thức trong khi luyện tập hoặc thi đấu, điện tâm đồ tại thời điểm đó ghi nhận tượng tình trạng rung thất.
- Với tình huống thứ nhất , nếu giải phẫu tử thi sau đột tử không thấy bất thường nào về tim và động mạch vành thì sẽ được chẩn đoán là đột tử do chấn động tim.
- Với tình huống thứ 2 sau khi hồi tỉnh, bệnh nhân sẽ được kiểm tra sâu về tim mạch: điện tâm đồ 24 giờ, thăm dò điện sinh lý, siêu âm tim , cộng hưởng từ tim , chụp mạch vành nhằm loại trừ các bệnh tim cấu trúc, bệnh mạch vành và các yếu tố tiềm tàng gây loạn nhịp tim như hội chứng Brugada , hội chứng QT dài , loạn nhịp thất do Catecholamine. Chỉ sau khi kết quả của các khám nghiệm trên là bình thường, kết hợp với hình ảnh rung thất ghi nhận được khi xảy ra mất ý thức, thì mới kết luận là bị chấn động tim.
25 ca chấn động tim đầu tiên được ghi nhận bởi NCCR đều tử vong. Việc bố trí các kíp hồi sức cấp cứu với máy khử rung tim tại các sự kiện thể thao đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bị chấn động tim: các số liệu gần đây cho thấy tỷ lệ được cứu sống là 58 % (2006 - 2012).
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: sau khi được cứu sống, bệnh nhân bị chấn động tim có được quay lại tập luyện và thi đấu không?
Do xác suất bị chấn động tim rất thấp và cũng chưa có ai bị lần 2 nên năm 2015 Hội Tim Mạch Hoa Kỳ và Trường môn Tim Mạch Hoa kỳ (AHA/ACC) đã ra khuyến cáo đồng thuận là vận động viên bị rung thất được cứu sống, sau khi đã được làm các khám nghiệm chuyên sâu như điện tâm đồ, siêu âm tim, cộng hưởng từ tim, chụp mạch vành , thăm dò điện sinh lý có kết quả bình thường thì có thể quay lại luyện tập và thi đấu.
Vấn đề phòng hộ khi tập luyện và thi đấu cũng được đặt ra: huấn luyện cho vận động viên cách tránh bóng, tư thế hạn chế chấn thương ngực khi va chạm. Áo bảo vệ ngực hiện nay chưa có hiệu quả rõ rệt, đang được thiết kế lại sao cho hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng tới tập luyện và thi đấu.