Phần lớn trong chúng ta thường dễ bỏ qua các biểu hiện khó khăn khi thở, cũng như việc tự trấn an bản thân bằng các nguyên nhân như tuổi già, căng thẳng hay hồi hộp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các biểu hiệu như thở nông, thở dốc, thở hụt hơi, khó hít thở sâu hay mệt mỏi có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.
1. Nhận biết nhịp thở bất thường
Thở nông: Nhịp thở nhanh nông có thể xuất hiện khi bạn gặp căng thẳng hay lo lắng. Đây là phản ứng sinh lý của cơ thể. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, hội chứng tăng thông khí sẽ xuất hiện, gây cản trở lên hoạt động hô hấp.
Những người gặp phải tình trạng thở nông không nên chủ quan hay tự lý giải bằng các yếu tố ngoại cảnh, tâm lý căng thẳng. Điều cần làm là đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tầm soát nguyên nhân.
Thở hụt hơi : Khi hoạt động thể lực gắng sức, chúng ta thường cảm thấy khó khăn khi thở, cảm giác như thở không kịp hay đánh rơi mất nhịp thở. Thở hụt hơi trong trường hợp này thường xuất hiện thoáng qua và là điều bình thường. Nhưng nếu thở hụt hơi xuất hiện một cách tự nhiên, đột ngột, không có lý do thì bạn nên cẩn thận bởi đây có thể là biểu hiện của một vấn đề tim mạch hay hô hấp.
Thở dốc: Hơi thở nặng nhọc có thể được bắt gặp trong các trường hợp thiếu máu do thiếu sắt. Bạn thường thấy khó hít thở sâu, thở nhanh, hoặc đau ngực khi làm việc gắng sức và luyện tập thể dục thể thao.
Mệt mỏi: Mệt mỏi là bằng chứng cho việc cơ thể không được đáp ứng đủ nhu cầu oxy. Nguyên nhân thường gặp nhất đến từ việc hệ hô hấp hoạt động không hiệu quả hay thói quen hít thở không đúng cách như thở nông, thở dốc, thở ngực hay thở miệng. Nếu cảm giác mệt mỏi xuất hiện thường xuyên thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện nguyên nhân thực sự.
Thở khò khè: Nghe thấy tiếng rít như tiếng gió qua khe cửa hẹp khi hít vào hay thở ra là đặc điểm đặc trưng cho đường hô hấp bị thu hẹp. Dị vật đường thở hay bệnh phổi tắc nghẽn là các nguyên nhân thường gặp gây nên tiếng thở khò khè. Ngoài ra, các bệnh lý nhiễm trùng hay phản ứng dị ứng cũng có thể là tác nhân gây nên tiếng thở bất thường này. Dù là nguyên nhân gì gây nên, việc đầu tiên cần làm là đến gặp nhân viên y tế khi bạn hoặc người thân thở khò khè.
2. Nguyên nhân cần cảnh giác
Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu bạn mắc phải bệnh lý này sẽ xuất hiện các cơn ngưng thở khi đang ngủ. Đây là bệnh lý nguy hiểm nhưng thường bị bỏ qua. Người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ có chất lượng giấc ngủ kém, thường biểu hiện ngáy to khi ngủ, thường xuyên bị mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày và không tỉnh táo, khó tập trung.
Bệnh hen suyễn
Người mắc bệnh hen suyễn thường gặp tình trạng khó thở, thở hụt hơi đi kèm với thở khò khè, ho và tức ngực. Cơn hen cấp thường khởi phát khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, khói thuốc, bụi, thời tiết. Ngoài ra, hen suyễn có thể không liên quan đến các yếu tố gây dị ứng, liên quan đến các phụ nữ lớn tuổi, thừa cân, thậm chí là béo phì.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
COPD liên quan đến tình trạng co thắt phế quản, gây ra các biểu hiện tương tự bệnh lý hen suyễn như thở hụt hơi, thở khò khè, tức ngực và ho khạc đàm. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rõ rệt gây bệnh.
Ngộ độc khí carbon monoxide (CO)
Carbon monoxide là một loại khí không màu, không vị, được sản xuất qua quá trình đốt nhiên liệu như xăng dầu của các loại phương tiện giao thông, lò nướng hay lò sưởi. Bạn có thể hít phải một cách vô thức từ môi trường xung quanh. Khí CO dành chỗ với khí oxy trong máu, ở nồng độ cao gây tổn thương thiếu oxy của não, dẫn đến các biểu hiện khó thở, lú lẫn, chóng mặt và đau đầu nhẹ.
Dị vật đường thở
Khi bị hóc thức ăn hoặc vật lạ vào đường hô hấp, phản ứng đầu tiên để bảo vệ cơ thể là ho. Sau đó, người bệnh có thể có các biểu hiệu như thở khò khè, hụt hơi hoặc thậm chí ngưng thở hoàn toàn. Đây là một tình trạng nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng nếu như người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
Bệnh lý tim mạch
Quả tim và lá phổi phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau. Bất kể nguyên nhân nào làm giảm khả năng bơm máu của tim đều có thể khiến người bệnh thở nông và thở hụt hơi. Trường hợp nặng của suy tim, người bệnh có thể mô tả họ có cảm giác như đang chết đuối trên cạn.
3. Cách theo dõi nhịp thở
Nguyên tắc chung
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi 15 phút trước khi được theo dõi nhịp thở.
- Không sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến hệ hô hấp trước khi theo dõi.
- Đếm nhịp thở theo đúng các bước kỹ thuật.
- Có sổ theo dõi để ghi chép các kết quả đo một cách rõ ràng, chính xác.
- Báo lại cho bác sĩ khi thấy người bệnh có các biểu hiện bất thường như thở nông, thở dốc, hụt hơi.
Dụng cụ
- Đồng hồ
- Bút ghi
- Sổ hoặc bảng theo dõi
Thực hành
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, tay đặt lên ngực.
- Người theo dõi quan sát bàn tay của bệnh nhân nâng lên hạ xuống tương ứng với một nhịp thở.
- Đếm tần số thở trong vòng một phút.
- Không được cho bệnh nhân biết đang theo dõi nhịp thở vì kết quả có thể không khách quan do bệnh nhân chủ ý điều chỉnh nhịp thở.
- Cần quan sát đồng thời màu sắc da và niêm mạc ở bệnh nhân, đặc biệt ở các đầu ngón tay, ngón chân và môi.
- Ghi kết quả về những điểm bất thường:
+ Tần số thở trong một phút
+ Độ sâu của nhịp thở: thở nông, hay sâu.
+ Nhịp điệu thở: đều, không đều.
+ Có các biểu hiện bất thường như khó thở, thở dốc, hụt hơi, co kéo các cơ hô hấp, tím tái, mệt mỏi
Khi gặp phải những hiện tượng thở nông, hụt hơi kèm theo chóng mặt, người bệnh cần nhanh chóng dừng việc đang làm, ngồi nghỉ tại nơi thoáng mát và yêu cầu trợ giúp từ những người xung quanh. Sau khi cơ thể đã ổn định, người bệnh nên đi thăm khám để kiểm tra, xác định nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.