1. Chức năng hệ tuần hoàn là gì?
Hệ tuần hoàn chứa các thành phần quan trọng của cơ thể, có các chức năng chính bao gồm:
- Vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy cho tế bào.
- Vận chuyển các chất là sản phẩm bài tiết ra khỏi tế bào.
- Vai trò trong hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh lý nhiễm khuẩn.
- Vận chuyển hormon tới cơ quan đích.
- Điều hòa thân nhiệt do nguồn máu nóng sưởi ấm các cơ quan và làm nhiệm vụ thải nhiệt cho cơ thể, ổn định độ PH và duy trì cân bằng nội mô.
Hệ tuần hoàn gồm có hệ tuần hoàn lớn và hệ tuần hoàn nhỏ:
- Vòng tuần hoàn phổi : Máu sau khi trao đổi oxy tại tế bào, đã bị khử oxy được đưa vào tâm nhĩ phải , từ đây máu được chuyển sang tâm thất phải và được bơm vào động mạch phổi để đi lên phổi. Ở phổi, máu giải thoát khí CO2 và hấp thụ oxy rồi quay trở lại tim qua tĩnh mạch phổi.
- Vòng tuần hoàn hệ thống : Máu từ vòng tuần hoàn phổi qua tĩnh mạch phổi là máu giàu oxy vào tâm nhĩ trái , rồi từ nhĩ trái xuống tâm thất trái. Máu được tim co bóp đẩy từ tâm thất trái vào động mạch chủ để phân phối đi khắp cơ thể. Sau khi trao đổi chất với các tế bào tại các mô trong cơ thể, máu trở lại tâm nhĩ phải qua tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới kết thúc vòng đại tuần hoàn.
Chức năng hệ tuần hoàn vô cùng quan trọng đối với cơ thể, duy trì sự sống cho cơ thể. Để đảm bảo các chức năng này thì cần có những yếu tố quan trọng, nhằm duy trì và đảm bảo vận hành hệ thống tuần hoàn tốt nhất.
2. Yếu tố đảm bảo chức năng hệ tuần hoàn
Để đảm sự hoạt động và đảm bảo được những chức năng của hệ tuần hoàn cần có sự hoàn chỉnh của 3 yếu tố gồm tim, hệ mạch và thể tích tuần hoàn.
2.1 Thể tích tuần hoàn
Thể tích tuần hoàn còn gọi là máu, dùng để vận chuyển oxygen và chất dinh dưỡng, khí O2 đến các tế bào, mang chất thải từ tế bào trở về và thoát ra ngoài bằng các cơ quan bài tiết như đường hô hấp, qua thận.
Khi có một nguyên nhân nào đó dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn sẽ gây ra tình trạng sốc giảm khối lượng tuần hoàn. Sốc giảm tuần hoàn là một tình trạng đe dọa tính mạng do suy tuần hoàn, khiến cho việc cung cấp oxy không đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất của tế bào gây ra tình trạng thiếu oxy tế bào và mô.
Thể tích tuần hoàn có thể giảm khi bị mất nước, mất máu, tiêu chảy, sốt...
Nếu tình trạng mất dịch trong cơ thể diễn ra nhanh hoặc kéo dài thì sẽ dẫn tới sốc, cần được bù dịch khi mất bằng đường uống hoặc tiêm truyền để đảm bảo chức năng tuần hoàn.
2.2 Tim
Tim nằm trong lồng ngực, có trục lệch trái, là một khối cơ rỗng, trọng lượng tim khoảng 300gram, được chia thành 4 buồng gồm 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất:
- Nhĩ phải và nhĩ trái, thành mỏng, nhận máu tĩnh mạch, đưa xuống tâm thất.
- Tâm thất phải và tâm thất trái, thành dày, bơm máu vào động mạch với áp lực cao. Thành tâm thất trái dày gấp hai lần so với thành thất phải, do áp lực đưa máu vào động mạch chủ lớn.
- Hai tâm nhĩ ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ , hai tâm thất ngăn cách nhau bởi vách liên thất.
- Giữa tâm thất và tâm nhĩ được ngăn cản bởi các van nhĩ thất. Bên trái có van hai lá ngăn cách tâm nhĩ trái và tâm thất trái, bên phải có van ba lá ngăn cách tâm thất phải và nhĩ phải. Nó giúp máu chảy theo một chiều từ nhĩ xuống thất.
Chức năng chính của tim là khi tim co bóp thì tạo áp lực đẩy máu vào trong động mạch, từ đó đi nuôi dưỡng cơ thể. Tim được hoạt động theo cơ chế tự động, điều hòa nhờ hệ thống thần kinh thực vật và được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vành.
2.3 Hệ mạch
Hệ mạch máu có chức năng vận chuyển máu tới cơ quan và từ cơ quan về tim. Hệ mạch gồm có động mạch, tiểu động mạch, mao mạch, tĩnh mạch và tiểu tĩnh mạch.
- Động mạch có chức năng đưa máu từ tim tới các cơ quan, chức năng vận chuyển máu dưới áp suất lớn, do đó cấu tạo thành động mạch gồm 3 lớp cơ rất chắc khỏe và có khả năng chun giãn để tạo áp lực co bóp đẩy máu lưu thông. Khi xa dần tim động mạch chia thành các nhánh nhỏ mang chất dinh dưỡng và oxy đi nuôi dưỡng mô cơ quan. Huyết áp động mạch là áp suất máu trong động mạch, máu chảy được trong động mạch là kết quả của hai lực đối lập, lực đẩy máu của tim và lực cản của thành động mạch. Huyết áp động mạch duy trì ổn định thì máu từ động mạch có thể đến nuôi dưỡng các cơ quan, ngược lại nếu huyết áp thấp dẫn tới máu không nuôi dưỡng được cơ quan có thể dẫn tới tử vong. Còn nếu huyết áp động mạch quá cao gây ra áp lực lớn lên thành mạch, có nguy cơ vỡ thành mạch, nếu vỡ thành mạch tại não gây xuất huyết não...
- Tiểu động mạch: Là các nhánh nhỏ cuối cùng của hệ động mạch, hoạt động như các van điều hòa lượng máu tới mao mạch tùy theo nhu cầu máu của cơ quan đó. Thành mạch có thể đóng tịt dòng máu hoặc mở rộng để máu qua nhiều nhờ sức mạnh của thành tiểu động mạch.
- Mao mạch : Mao mạch có đặc tính là thành mỏng và có thể thấm được các phân tử nhỏ. Tại mao mạch các chất dinh dưỡng, khi, hormon...trao đổi chất với mô.
- Tiểu tĩnh mạch : Từ mao mạch, máu đổ vào những mạch máu với thành mỏng gọi là tiểu tĩnh mạch.
- Tĩnh mạch : Tiểu tĩnh mạch tập trung thành những tĩnh mạch lớn. Thành tĩnh mạch có 3 lớp giống như động mạch nhưng mỏng và dễ giãn rộng hơn. Các lớp của thành tĩnh mạch gồm:
- Lớp trong cùng là lớp tế bào nội mạc với từng đoạn nhô ra tạo thành những nếp gấp hình bán nguyệt đối diện nhau tạo thành van tĩnh mạch, mục đích để hướng cho máu chảy một chiều về tim. Các van tĩnh mạch thì có ở các tĩnh mạch chi và không có van ở các tĩnh mạch nhỏ, tĩnh mạch từ não hoặc tĩnh mạch từ các tạng.
- Lớp giữa gồm những sợi liên kết và sợi cơ.
- Lớp ngoài mỏng gồm những sợi liên kết chun giãn. Có khả năng chun giãn tốt.
Như vậy để đảm bảo được chức năng tuần hoàn thì cần 3 yếu tố quan trọng là tim, hệ mạch và thể tích tuần hoàn. Một sự thay đổi bất thường ở một trong 3 yếu tố đều gây ra sự suy giảm chức năng của hệ tuần hoàn, có thể nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim học Việt Nam