1. Tiếng thổi ở tim
Một tiếng tim bình thường gồm có hai tiếng, được tạo ra do sự đóng mở của các van tim. Nhưng nếu trong tim có các điểm dòng máu bị nhiễu động, dòng máu bị tăng tốc độ đột ngột sẽ tạo nên các tiếng thổi kiểu như những tiếng phù phù hoặc phụt phụt. Thông thường bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe các âm thanh này rõ hơn.
Tiếng thổi ở tim có thể có ngay từ khi mới sinh (bệnh tim bẩm sinh ) hoặc là phát triển sau này. Tiếng thổi ở tim không phải là một bệnh mà là dấu hiệu chỉ điểm một bệnh lý nào đó.
Một số tiếng thổi ở tim lành tính không cần điều trị, nhưng phần lớn các tiếng thổi ở tim cần phải được khám và làm một số xét nghiệm để chắc chắn rằng các tiếng thổi này không phải gây ra bởi các bệnh lý nền nguy hiểm.
2. Triệu chứng
Nếu bác sĩ xác định tiếng thổi là tiếng thổi lành tính, tiếng thổi không gây ra ảnh hưởng có hại nào thì trẻ cũng sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác.
Những tiếng thổi bất thường có thể không kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng. Nhưng nếu trẻ có kèm theo một hoặc nhiều các dấu hiệu sau đây, rất có thể tiếng thổi đó bắt nguồn từ một bệnh lý tim mạch thực thể:
- Da có màu xanh tím, đặt biệt là ở đầu ngón tay và môi
- Phù hoặc tăng cân bất thường
- Khó thở
- Ho kéo dài
- Gan to hoặc tức nặng vùng dưới sườn bên phải
- Giãn các tĩnh mạch ở cổ
- Kém ăn, chán ăn và chậm lớn (ở trẻ nhỏ)
- Vã mồ hôi khi gắng sức hoặc thậm chí là khi không gắng sức
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
3. Nguyên nhân
Những người có tiếng thổi lành tính thì có trái tim bình thường, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngược lại, tiếng thổi bất thường gây ra bởi trái tim bệnh lý. Ở trẻ nhỏ, tiếng thổi bất thường thường gây ra bởi bệnh tim bẩm sinh, trong khi đó ở người lớn, tiếng thổi bất thường thường do các bệnh lý van tim mắc phải tạo nên.
3.1 Các nguyên nhân của tiếng thổi lành tính
Một dòng máu di chuyển với tốc độ nhanh trong một trái tim bình thường cũng có thể gây nên tiếng thổi vô tội. Những trường hợp đó bao gồm:
- Vận động thể lực hoặc tập thể dục quá mức
- Sốt
- Tình trạng không đủ tế bào máu đỏ khoẻ mạnh để mang đủ oxy đến các mô của cơ thể (thiếu máu)
- Tăng quá mức hormone của tuyến giáp trong máu (cường chức năng tuyến giáp)
- Ở những giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, ví dụ như tuổi dậy thì
3.2 Các nguyên nhân của tiếng thổi bất thường
Tiếng thổi bất thường ở trẻ em phần lớn bắt nguồn từ bệnh tim bẩm sinh. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp là:
- Có một hoặc nhiều lỗ thủng trong tim hoặc có các luồng máu thông bất thường : Các lỗ thủng bất thường trong tim thường nằm ở trên vách ngăn cách các buồng tim. Những lỗ thủng này có gây nguy hiểm hay không còn tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của chúng. Những luồng máu thông bất thường giữa các buồng tim hoặc giữa các mạch máu lớn của tim cũng gây nên tiếng thổi bất thường ở tim.
- Các bất thường về van tim : Các bệnh van tim bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ mới ra đời nhưng không phải lúc nào trẻ cũng có biểu hiện triệu chứng và bệnh chỉ được phát hiện khi trẻ lớn lên. Ví dụ như các van tim không mở ra được bình thường khiến dòng máu đi qua van trở nên khó khăn (bệnh hẹp van) hoặc các van đóng không bình thường khiến cho có một lượng máu bị rò rỉ (bệnh hở van).
Những nguyên nhân khác thường xuất hiện ở trẻ lớn bao gồm nhiễm khuẩn và các bệnh làm tổn thương các cấu trúc của tim. Ví dụ như:
- Vôi hoá van tim : Khi chúng ta già đi, các van tim cũng có thể trở nên dày và cứng, gây ra bệnh hẹp van hai lá và hẹp van động mạch chủ. Các van này trở nên nhỏ hơn khiến cho dòng máu đi qua van khó khăn và tạo ra tiếng thổi.
- Viêm màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn) : Điều này xảy ra khi vi khuẩn bị lây nhiễm từ các nơi khác trong cơ thể, ví dụ như từ miệng, di chuyển theo dòng máu rồi đến trú ngụ ở lớp màng trong của tim. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm màng trong tim có thể làm tổn thương và huỷ hoại các van tim.
- Thấp tim : Với sự phát triển của y học và đời sống xã hội, số lượng người mới mắc bệnh thấp tim hiện nay ngày càng giảm nhưng số lượng những người trưởng thành mắc bệnh van tim do thấp tim từ những năm trước còn lại vẫn rất nhiều. Nếu trẻ bị thấp tim, mà thường khởi đầu bằng một viêm họng, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tổn thương van tim vĩnh viễn hoàn toàn có thể xảy ra.
4. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng trẻ có tiếng thổi ở tim là:
- Tiền sử gia đình có bệnh tim: Nếu bố mẹ, anh chị em của em bé có dị tật ở tim thì khả năng trẻ cũng có dị tật tim và tiếng thổi bất thường sẽ tăng lên.
- Các bệnh lý khác như: cường chức năng tuyến giáp, nhiễm khuẩn màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn), tăng áp lực động mạch phổi, hội chứng carcinoid, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp cấp, suy tim hoặc tiền sử sốt thấp có thể làm tăng nguy cơ trẻ sẽ có tiếng thổi ở tim sau này.
- Các bệnh của mẹ trong thời kỳ mang thai. Một số bệnh mà bà mẹ mang thai mắc phải như đái tháo đường không kiểm soát được hoặc nhiễm virus rubella sẽ làm tăng khả năng em bé sinh ra có tiếng thổi ở tim và có bệnh tim bẩm sinh
- Sử dụng một số thuốc hoặc chất kích thích trong thời kì mang thai như rượu, chất gây nghiện có thể gây hại đến thai nhi khiến thai nhi mắc bệnh tim và có tiếng thổi ở tim.
5. Chuẩn bị gì khi đi khám
Không phải mọi tiếng thổi ở tim đều nguy hiểm nhưng nếu nghi ngờ trẻ có tiếng thổi ở tim thì nên đưa trẻ đi khám tim mạch để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác định cho mẹ biết tiếng thổi của trẻ là tiếng thổi lành tính, không cần phải điều trị hay là loại tiếng thổi bất thường, cảnh báo một bệnh lý thì cần phải thăm dò kiểm tra thêm.
Thời gian khám bệnh cho trẻ thường có một thời gian nhất định, mà các bà mẹ lại có nhiều thắc mắc cần giải đáp. Do đó, để buổi khám bệnh được hiệu quả, các bà mẹ nên chuẩn bị sẵn một số thông tin từ trước khi đi khám như sau:
- Nên nhịn ăn vì có những loại siêu âm tim cần cho trẻ nhịn ăn trong vài giờ trước khi thực hiện
- Hãy viết xuống bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào mà các bà mẹ cảm nhận thấy, bao gồm cả những điều mà mà nghĩ rằng nó ít liên quan đến bệnh của trẻ
- Hãy viết xuống các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình có tiếng thổi ở tim, rối loạn nhịp tim, dị tật ở tim, bệnh động mạch vành, các rối loạn về gen, đột quỵ, đột tử tăng huyết áp hoặc tiểu đường và bất kì những căng thẳng hoặc thay đổi về cuộc sống gần đây mà bạn phải trải qua
- Hãy viết xuống danh sách các thuốc : vitamin, thực phẩm chức năng mà các bà mẹ đang cho trẻ dùng
- Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể : Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng trước những thông tin mà ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè, người đó hi vọng là sẽ nhớ hộ bạn. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính mà bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của con mình như thế đã đúng chưa
- Hãy viết xuống những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn . Thời gian khám bệnh cho trẻ thường có một thời gian nhất định, mà các bà mẹ lại có nhiều thắc mắc cần giải đáp, nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các câu hỏi có thể bao gồm:
- Nguyên nhân chính gây ra tiếng thổi ở tim của con tôi là gì?
- Liệu còn có khả năng nào khác không?
- Tôi cần phải cho con làm các xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?
- Bệnh này của trẻ là tạm thời hay lâu dài?
- Phương pháp điều trị tốt nhất hoặc là theo dõi như thế nào? Ngoài phương pháp đó ra thì còn có cách điều trị nào khác không?
- Việc thay đổi lối sống có giúp làm giảm bớt bệnh của trẻ không?
- Trẻ có cần phải kiêng cữ gì về chế độ ăn uống hoặc tập luyện không?
- Trẻ có cần đi khám lại không? Bao lâu khám lại một lần?
- Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?Đa phần trẻ có tiếng thổi ở tim thường là tiếng thổi lành tính, tuy nhiên tiếng thổi tim cũng là cảnh báo của một số bệnh lý về tim mạch như bệnh tim không tim, tim bẩm sinh,... Do đó khi có nghi ngờ trẻ có tiếng thổi ở tim, hay có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường thì cần cho trẻ đến cơ sở y tế để khám và được can thiệp kịp thời.