1. Rối loạn lipid máu và bệnh tim mạch
Rối loạn lipid máu là bệnh lý nguy hiểm nhưng lại rất âm thầm, gây hậu quả nghiêm trọng và đang có xu hướng gia tăng trong cuộc sống hiện đại.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng lipid máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não và 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Mỗi năm, có khoảng 28 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến rối loạn lipid máu).
Còn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, hơn 29% người Việt Nam trưởng thành bị rối loạn lipid máu, trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%.
2. Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn, ví dụ như:
- Tăng Cholesterol, Triglycerid huyết tương hoặc cả hai.
- Giảm nồng độ lipoprotein phân tử lượng cao ( HDL-c).
- Tăng nồng độ lipoprotein phân tử lượng thấp (LDL-c).
Nhận biết các rối loạn lipid càng sớm càng tố giúp góp phần vào điều trị bệnh nguyên của nhiều bệnh tim mạch, nội tiết, chuyển hóa. Tuy nhiên, rối loạn lipid máu là bệnh lý sinh học, xảy ra sau một thời gian dài mà rất khó nhật biết, vì không có triệu chứng đặc trưng. Phần lớn các triệu chứng của rối loạn lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần lipid máu cao kéo dài hoặc gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác.
Do đó, chẩn đoán rối loạn lipid máu có thể được gợi ý khi một người có nhiều dấu hiệu hoặc yếu tố nguy cơ như: Béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm các thông số lipid máu. Người bệnh khi đi làm xét nghiệm lipid máu cần lưu ý là, các thông số lipid tăng lên sau ăn. Do đó, để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác, cần phải lấy máu khi chưa ăn (khi đói).
3. Đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu thông qua các chỉ số
Các giới hạn nồng độ lipid máu giúp cảnh báo nguy cơ biến chứng tim mạch. Trong xét nghiệm, các thông số thường được khảo sát để đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu là:
- Cholesterol máu
- Triglycerid
- LDL-Cholesterol (LDL-c)
- HDL-Cholesterol (HDL-c)
Dưới đây là bảng đánh giá rối loạn lipid máu theo Hướng dẫn cập nhật về điều trị tăng cholesterol ở người lớn ( NCEP ATP III - Mỹ, 2001):
3.1. Cholesterol Toàn phần
Cholesterol toàn phần ở mức < 200 mg/dL (5,1 mmol/L) được coi là lý tưởng và nguy cơ bệnh động mạch vành của là thấp.
Từ mức 200 trở đi, là mức ranh giới, còn nếu nồng độ Cholesterol toàn phần ≥ 240 mg/dL (6,2 mmol/L) thì nghĩa là đang bị tăng cholesterol máu. Những người có mức này thường có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp hai lần người bình thường.
3.2. Triglyceride
Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu...
Những người có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (tốt). Có thể thấy, nồng độ Triglyceride ở mức < 150 mg/dL (1,7 mmol/L) là bình thường. Nếu nồng độ Tryglycerid cao hơn, nghĩa là nguy cơ mắc bệnh tim mạch do mỡ máu của bạn đang tăng. Nồng độ triglyceride ở mức ≥ 500 mg/dL (≥ 5,6 mmol/L) là mức cảnh báo vô cùng nguy hiểm với nguy cơ cao.
3.3. HDL Cholesterol (tốt)
HDL-c là một loại cholesterol tốt, chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng số cholesterol trong máu. HDL-c có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác.
Nồng độ HDL-c càng thấp thì nguy cơ với bệnh tim mạch càng cao.
Thông thường, nồng độ HDL-c thường ở mức < 40 mg/dL(1,0 mmol/L) đối với nam giới và < 50 mg/dL(1,3 mmol/L) đối với nữ giới.
Nếu HDL-c > 60 mg/dL(1,5 mmol/L) thì có nghĩa là nồng độ của lipid này tăng. Đây là một điều tốt và có thể góp phần bảo vệ cơ thể trước các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3.4. LDL Cholesterol (xấu)
Nồng độ LDL-c được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. Đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, khi lượng LDL-c này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não,...
LDL-c ở mức < 100 mg/dL (< 2,6 mmol/L) được cho là rất tốt. Nồng độ LDL-c càng cao thì nguy cơ với bệnh tim mạch càng cao, đến mức ≥ 190 mg/dL (4,9 mmol/L) thì có nghĩa là tình trạng mỡ máu đang ở mức báo động, cần có những biện pháp kiểm soát kịp thời.
Nhận biết các giới hạn nồng độ các lipid máu giúp kiểm soát các vấn đề mỡ máu, hạn chế các vấn đề về tim mạch, mà đặc biệt là bệnh xơ vữa động mạch, đột quỵ,... Bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ, hoặc tuổi trên 40 nên có thói quen tầm soát các bệnh tim mạch, xét nghiệm máu, khám sức khỏe định kỳ để có được sức khỏe tốt nhất.
Bài viết tham khảo nguồn: Cục Y tế dự phòng