1. Đánh giá bệnh nhân suy tim sau can thiệp mạch vành như thế nào?
1.1. Đặt vấn đề
Cùng với số lượng bệnh nhân bệnh mạch vành ngày càng tăng nhanh, hệ thống y tế cũng ngày càng phát triển và các phương pháp can thiệp mạch vành có hiệu quả cao hơn. Dù có nhiều nghiên cứu về kết quả sống còn của bệnh nhân suy tim sau can thiệp mạch vành , nhưng lại ít số liệu đánh giá về chất lượng cuộc sống sau điều trị bằng biện pháp này.
Chất lượng cuộc sống không chỉ là một vấn đề cần được quan tâm và phát triển khi theo dõi bệnh nhân sau điều trị mà còn là một trong những thước đo, đánh giá hiệu quả của phương pháp can thiệp động mạch vành. Nhiều bệnh nhân cần chăm sóc sau điều trị cũng làm nâng cao tầm quan trọng của việc tăng chất lượng cuộc sống.
Mặt khác, việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị bằng dược lý ở bệnh nhân suy tim rất quan trọng đối với tiên lượng, nhưng việc thực hiện triệt để các hướng dẫn trong chăm sóc thường quy vẫn chưa đủ. Để xác định và tối ưu hóa quá trình thực hiện hướng dẫn, cần nắm được tỷ lệ hiện mắc và đặc điểm của suy tim ở người bệnh mạch vành, cũng như đánh giá sự tuân thủ các hướng dẫn về suy tim ở bệnh nhân giai đoạn C (có triệu chứng).
1.2. Tiêu chí đánh giá
Các tiêu chí đánh giá hiệu quả trước và sau điều trị can thiệp mạch vành bao gồm:
- Khả năng gắng sức
- Độ ổn định của cơn đau ngực
- Tần suất cơn đau ngực
- Mức độ hài lòng với điều trị
- Chất lượng cuộc sống
Trong đó, các yếu tố làm ảnh hưởng đến mức độ hài lòng bao gồm:
- Giới tính
- Bảo hiểm y tế
- Bệnh viện
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Rối loạn mỡ máu
Ngoài ra, còn có các yếu tố tiền căn như:
- Bệnh 3 nhánh
- Bệnh thận mạn
- Tai biến mạch máu não
- Nhồi máu cơ tim cũ
Những tiêu chí trên không chỉ giúp đánh giá hiệu quả điều trị, mà còn góp phần chăm sóc bệnh nhân suy tim sau can thiệp mạch vành hoàn thiện hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
1.3. Điều kiện bệnh nhân
Những bệnh nhân được chọn khảo sát phải đảm bảo điều kiện:
- Đã đặt stent động mạch vành thành công
- Sử dụng thuốc đúng và đủ theo toa bác sĩ
- Không bị rối loạn tri giác, tâm thần, giảm thính lực hay lú lẫn
- Không có các bệnh mãn tính nặng (ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính , viêm khớp có biến chứng) hoặc biến cố lớn, đột ngột liên quan tim mạch.
1.4. Quy trình đánh giá
Bác sĩ sẽ lập phiếu theo dõi, giải thích mục đích và ghi nhận đầy đủ thông tin. Bệnh nhân sẽ được đánh giá 2 lần: lần 1 là thu thập số liệu tình trạng tim mạch trước khi can thiệp (BMI, đường huyết, cholesterol , triglyceride....); lần 2 là khảo sát các yếu tố về tình trạng tim mạch của người bệnh nhân khi tái khám sau 1 tháng can thiệp động mạch vành qua da thành công.
Ngoài ra, để phân tích tính an toàn và hiệu quả của phương pháp điều trị bằng can thiệp mạch vành tự chọn ở những bệnh nhân có biến chứng suy tim , nhóm nghiên cứu khác đã chia người bệnh thành 3 nhóm:
- Nhóm điều trị bảo tồn (nhận được thuốc tiêu chuẩn);
- Nhóm can thiệp mạch vành tự chọn sớm (tình trạng bệnh ổn định, đánh giá nguy cơ phẫu thuật và thực hiện can thiệp càng sớm càng tốt);
- Nhóm can thiệp mạch vành qua da nâng cao (kiểm soát thiếu máu cơ tim và sau đó can thiệp tự chọn. Đối với những trường hợp thiếu máu cơ tim nặng hơn, can thiệp sau khi đánh giá nguy cơ phẫu thuật).
Các cuộc thăm khám theo dõi được thiết lập trong khoảng 3 năm, sau đó so sánh các kết quả lâm sàng.
2. Các khả năng nào có thể xảy ra và cách xử lý?
Nhìn chung, tỷ lệ cải thiện của bệnh nhân suy tim sau can thiệp mạch vành đã được ghi nhận, nhất là về các mặt của cơn đau ngực. Cụ thể:
- Khả năng gắng sức: Sau điều trị 1 tháng có thay đổi tích cực. Tuy nhiên những yếu tố về độ tuổi, trình độ học vấn, nghỉ hưu, nơi sống,... đều có ảnh hưởng rất nhiều đến hiểu biết về căn bệnh, cách giảm các yếu tố nguy cơ và phục hồi chức năng sau can thiệp, cách thích nghi với thuốc và theo dõi sau can thiệp... Một số đối tượng bệnh nhân còn chưa có tâm lý sẵn sàng trở lại cuộc sống sinh hoạt trước đây.
- Độ ổn định của cơn đau ngực và số cơn đau ngực đều có cải thiện.
- Mức độ hài lòng với điều trị: Sự tin tưởng của bệnh nhân vào phương pháp điều trị không chỉ bị ảnh hưởng bởi tâm lý thụ động của người bệnh trong vấn đề hiểu biết, mà còn là bởi tình trạng quá tải bệnh viện, những tuyên truyền về y tế lạc hậu...
- Chất lượng cuộc sống: Đa phần các trường hợp có cải thiện. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ cao hơn nếu như khả năng gắng sức, độ ổn định đau ngực và tần suất đau ngực cũng khá hơn.
Tiếp theo, trong nhóm bệnh nhân mạch vành, tỷ lệ suy tim giai đoạn C cao và một phân nhóm khá lớn bị suy tim tâm thu . Nhìn chung, liệu pháp dược lý được thực hiện khá tốt ở những bệnh nhân suy tim tâm thu. Để cải thiện việc thực hiện các hướng dẫn về suy tim phù hợp hơn, cần:
- Nâng cao nhận thức của bệnh nhân về chẩn đoán và tầm quan trọng của suy tim
- Phổ biến kiến thức về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc thích hợp.
Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian sống thêm ở nhóm can thiệp mạch vành sớm được kéo dài và tỷ lệ sống tăng lên trong suốt 3 năm. Phân suất tống máu thất trái ở nhóm này cũng tăng lên rõ rệt, đồng thời đường kính cuối tâm trương thất trái và nồng độ BNP (giúp chẩn đoán suy tim) giảm đáng kể. Tỷ lệ xảy ra các biến chứng chu phẫu và các biến cố tim có hại lớn cũng đã giảm. Điểm chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt. Vì vậy, những bệnh nhân bị bệnh mạch vành có biến chứng suy tim, điều trị can thiệp mạch vành sớm là an toàn và hiệu quả.
Tóm lại, chất lượng cuộc sống bệnh nhân suy tim sau can thiệp mạch vành diễn tiến lâm sàng tốt lên, cảm nhận chủ quan của bệnh nhân về sức khỏe có nhiều thay đổi theo chiều tích cực sau khi điều trị can thiệp động mạch vành qua da .
Trung tâm Tim mạch - đang áp dụng hiệu quả và an toàn kỹ thuật chụp mạch vành, bóng nong mạch vành, can thiệp nong và đặt stent động mạch vành. Theo đó, sau quá trình can thiệp mạch vành, người bệnh sẽ được theo dõi, đánh giá mức độ suy tim, kiểm tra tổng thể sức khỏe để đảm bảo sức khỏe phục hồi tốt nhất.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov