1. Các loại xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây hẹp và hình thành huyết khối trong lòng mạch, dẫn đến tắc động mạch vành, đây là tình trạng rất thường gặp ở mọi đối tượng. Đặc biệt ở nước ta, bệnh mạch vành đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trở thành vấn đề đang rất được quan tâm.
Động mạch vành khi đã bị hẹp, tắc thì được xem là bệnh nặng vì có nguy cơ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng người bệnh. Tại các động mạch vành bị tổn thương, sự phân biệt giữa các thành phần của thành động mạch trở nên khó khăn hơn và còn phụ thuộc vào thành phần cấu tạo nên mảng xơ vữa. Xơ vữa động mạch gồm có 3 loại thường gặp:
- Mảng xơ vữa giảm âm (hay mảng xơ vữa mềm): cho thấy mảng xơ vữa chứa nhiều lipid. Trong chẩn đoán mức độ xơ vữa động mạch vành , huyết khối trong lòng mạch thường hay bị nhầm với mảng xơ vữa mềm, nhưng trên thực tế hoàn toàn có thể phân biệt được bởi huyết khối thì chuyển động được, bờ có nhiều thuỳ nhỏ và thường di chuyển khỏi thành động mạch trong chu chuyển tim;
- Mảng xơ vữa có nhiều tổ chức xơ: loại này có độ sáng tương tự như lớp áo ngoài của thành mạch máu, có chứa lượng lớn các sợi đàn hồi và chất tạo keo;
- Mảng xơ vữa canxi hoá: Loại xơ vữa động mạch này được xác định bởi độ sáng của mảng xơ vữa với bóng cản âm.
2. Biện pháp thay thế chụp động mạch vành trong chẩn đoán mức độ xơ vữa
Thời gian gần đây, chụp động mạch vành vẫn được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán mức độ xơ vữa động mạch vành , giúp các bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp, chẳng hạn như chỉ định điều trị nội khoa, can thiệp động mạch vành hay quyết định phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - vành.
Sự phân bố và tính không đồng nhất của các thành phần cấu tạo nên mảng xơ vữa động mạch có liên quan đến kết quả, tiên lượng điều trị của thủ thuật can thiệp động mạch vành qua ống thông cũng như ảnh hưởng đến việc xác định nguy cơ bị các biến cố tái phát ở những bệnh nhân có hội chứng động mạch vành cấp. Tuy nhiên, phương pháp chụp động mạch vành còn hạn chế ở khả năng đánh giá sự phân bố của mảng xơ vữa động mạch , mức độ lan tỏa của tổn thương động mạch hoặc chỉ có thể đánh giá sự thay đổi bên trong lòng mạch máu theo thời gian.
Ngày nay, sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp động mạch đã tạo ra cơ hội mới giúp điều trị hiệu quả hơn cho những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Trong đó, siêu âm trong lòng mạch vành là kỹ thuật tiên tiến, có khả năng đánh giá trực tiếp, chẩn đoán mức độ xơ vữa động mạch vành một cách chính xác, từ đó hướng dẫn điều trị can thiệp bệnh động mạch vành hiệu quả hơn.
3. Chẩn đoán chính xác mức độ xơ vữa động mạch vành bằng kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch
Siêu âm trong lòng mạch (IVUS - IntraVascular UltraSound) là kỹ thuật siêu âm sử dụng một đầu dò siêu âm rất nhỏ (kích thước chỉ < 1mm) luồn vào trong lòng động mạch vành, đến vị trí bị tổn thương để đánh giá tình trạng của động mạch vành. Đây là phương pháp mới được áp dụng trong thời gian gần đây, có độ an toàn và chính xác cao, có thể được tiến hành lại nhiều lần để đánh giá cấu trúc thành động mạch vành cũng như các bệnh lý liên quan. Ngoài ra, siêu âm trong lòng mạch vành còn được dùng để so sánh sự thay đổi của lòng mạch trước và sau khi can thiệp động mạch vành.
Những hình ảnh từ mặt cắt 2 chiều của siêu âm IVUS cũng cho phép bác sĩ nhận định chính xác đặc điểm của lòng động mạch vành tại những vị trí khó đánh giá được bằng kỹ thuật chụp động mạch vành kinh điển, chẳng hạn như tại thân chung của động mạch vành trái, hoặc vị trí xuất phát của động mạch liên thất trước, tại động mạch mũ và động mạch vành phải,... Khi đầu dò siêu âm được kéo ra một cách tự động với tốc độ cố định thì có thể tái hiện lại hình ảnh thành mạch và lòng mạch theo không gian 3 chiều dựa trên hệ thống phần mềm của máy.
Siêu âm trong lòng mạch vành có thể giúp phân biệt được 3 lớp cấu trúc của thành mạch, bao gồm lớp áo trong, lớp áo giữa, lớp áo ngoài. Trên thực tế, chụp động mạch vành chỉ phát hiện 10 - 15% bệnh nhân có hệ động mạch vành bình thường ở những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, với IVUS, khả năng phát hiện các mảng xơ vữa động mạch có thể lên đến 50%.
- Đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm : y bác sĩ có trình độ từ Thạc sĩ đến Giáo sư, Tiến sĩ, có uy tín trong điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp, được đào tạo chuyên sâu trong nước & nước ngoài. Đặc biệt, được công nhận là chuyên gia đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được trao chứng chỉ “Proctor” về TAVI.
- Trang thiết bị tối tân, sánh ngang với các bệnh viện lớn trên thế giới : Phòng mổ hiện đại nhất trên thế giới ; Máy chụp cộng hưởng từ không tiếng ồn hiện đại nhất Đông Nam Á; Máy CT có tốc độ chụp siêu nhanh chỉ 0,275s/vòng mà không cần sử dụng thuốc hạ nhịp tim; hệ thống PET/CT và SPECT/CT 16 dãy giúp phát hiện sớm những tổn thương của cơ quan tim mạch ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.
- Ứng dụng các kỹ thuật tim mạch chuyên sâu tiên tiến nhất trên thế giới trong điều trị: Mổ tim hở không đau ; Can thiệp động mạch chủ qua da không gây mê toàn thân; Điều trị hở van 2 lá qua đường ống thông có tỉ lệ thành công 95%; Cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối kéo dài cuộc sống chất lượng trên 7 năm.
- Hợp tác với các Trung tâm tim mạch hàng đầu Việt Nam và thế giới như : Viện Tim mạch quốc gia, Bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Đại học Paris Descartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ)... với mục đích cập nhật các phương pháp điều trị tim mạch hiện đại nhất trên thế giới.