Đau thắt ngực là những cơn đau gây khó chịu ở ngực do tim không nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết. Tình trạng đau thắt ngực kéo dài cùng các triệu chứng khó thở, gắng sức,... là những dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tim mạch. Người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám chuyên khoa và can thiệp điều trị khi cần thiết.
1. Đau thắt ngực có nguy hiểm không?
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau thắt ngực , nhưng có đến hơn 90% nguyên nhân là do bệnh động mạch vành (còn gọi là thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim...). Thực chất, đây là sự hình thành của các mảng xơ vữa do quá trình stress oxy hóa gây viêm thành động mạch vành, cùng với đó là quá trình lắng đọng, tích tụ cholesterol cùng “chất thải chuyển hóa” của cơ thể trong thời gian dài.
Đau thắt ngực rất nguy hiểm có thể khiến người bệnh “trở tay không kịp” do có cảm giác đau nhói, tức nặng như có các vật đè nén, bóp nghẹt vùng ngực trái sau xương ức. Cơn đau lan tỏa từ ngực lên cổ, hàm mặt, vai, lan sang sau lưng. Tùy từng vị trí tổn thương mà người bệnh sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Các vị trí đau có thể ở bên ngực trái, phần giữa ngực với các mức độ như đau thoáng qua, âm ỉ, kéo dài hoặc xuất hiện cảm giác đau dữ dội.
Tình trạng đau thắt ngực có thể trở lên nguy hiểm hơn nếu đây là cơn đau thắt ngực không ổn định . Các triệu chứng này có thể chuyển biến nặng, kéo dài 15 phút mà không có dấu hiệu thuyên giảm dù người bệnh đã nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc giảm đau. Nếu tình trạng bệnh này tiếp tục trở lên khó kiểm soát hơn thì rất có thể đây chính là dấu hiệu cảnh báo tiếp theo về cơn nhồi máu cơ tim sắp diễn ra. Lúc này người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm, tránh nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim gây ra.
2. Đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh tim mạch
Bệnh động mạch vành là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm, đau thắt ngực chính là dấu hiệu điển hình nhất báo hiệu căn bệnh này. Theo đó, khi trái tim không được cung cấp máu và oxy đầy đủ sẽ gây ra các triệu chứng của bệnh mạch vành, điển hình là triệu chứng đau thắt ngực.
Nguyên nhân đau thắt ngực có thể là do hẹp động mạch vành, phần lớn do các mảng xơ vữa tích tụ khiến tim không nhận đủ máu và oxy. Tùy theo mức độ và tính chất của hẹp động mạch vành mà có thể dẫn đến các bệnh cảnh nguy hiểm như cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim,... Do đó, đau thắt ngực cảnh báo rất nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm. Nếu người bệnh không được thăm khám, điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
3. Chẩn đoán và điều trị những cơn đau thắt ngực
Trước đây, bệnh động mạch vành hầu hết chỉ gặp ở những người trong độ tuổi trung niên, tuy nhiên ngày nay do lối sống thay đổi bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thực tế, bệnh mạch vành không có nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà do 2 yếu tố nguy cơ cấu thành, gồm:
- Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Tuổi tác, giới tính, yếu tố gia đình.
- Các yếu tố thay đổi được: Tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, thói quen bia rượu nhiều, lười vận động,...
3.1. Chẩn đoán đau thắt ngực
Khi xác định được yếu tố nguy cơ gây đau thắt ngực, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán bệnh như:
- Điện tâm đồ : Đây là phương pháp chẩn đoán đầu tiên để xác định bệnh mạch vành. Quan sát sẽ thấy các biến đổi ST chênh xuống đi ngang, sóng T âm, sóng Q hoại tử của nhồi máu cơ tim cũ.
- Điện tâm đồ gắng sức (bằng thảm chạy, xe đạp..): Phương pháp chẩn đoán này ghi lại điện tâm đồ khi người bệnh hoạt động và tìm kiếm sự thay đổi điện tim khi gắng sức.
- Siêu âm tim và siêu âm tim gắng sức: Kết quả siêu âm có thể cho thấy rối loạn vận động vùng, giảm hoặc mất vận động vùng cơ tim theo vùng cấp máu của động mạch vành.
- Cắt lớp vi tính đa dãy: Hình ảnh cắt lớp vi tính đa dãy đánh giá mức độ và vị trí hẹp.
- Chụp động mạch vành qua da : Đây là biện pháp xâm lấn đòi hỏi kỹ thuật cao. Phương pháp này có thể xác định được mức độ và hình thái hẹp động mạch vành, siêu âm lòng mạch động mạch vành (IVUS) để xác định chính xác mảng xơ vữa gây hẹp và tối ưu hóa kết quả can thiệp.
Ngoài ra, các xét nghiệm men tim (Troponin T hoặc Troponin I, CK, CK-MB) cũng có thể được bác sĩ chỉ định để loại trừ hội chứng vành cấp, xét nghiệm Cholesterol, Triglycerid, LDL-C, HDL-C, glucose, HbA1C, chức năng gan, thận,.. để chẩn đoán các bệnh và các yếu tố nguy cơ kèm theo.
3.2. Điều trị đau thắt ngực (bệnh mạch vành)
+ Thay đổi lối sống và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá...kể trên.
+ Điều trị bằng thuốc : theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
+ Tái thông động mạch vành : bằng nong, đặt stent động mạch vành hoặc mổ bắt cầu nối chủ vành:
- Nong mạch vành : Đây là thủ thuật sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để nong đoạn động mạch vành bị hẹp, giúp cho máu lưu thông trở lại bình thường qua đoạn mạch vành bị hẹp mà không phải phẫu thuật.
- Phẫu thuật bắc cầu nối : Dùng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch, làm cầu nối từ nguồn cấp máu bắc qua đoạn hẹp mạch vành nối với đoạn động mạch vành không bị hẹp.
Người mắc bệnh mạch vành thường rất khó nhận biết vì các dấu hiệu bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, đến khi xuất hiện các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim thì có thể đã đe dọa đến tính mạng của bản thân. Vì vậy mọi người cần tham gia khám sức khỏe tổng quát định kì, đặc biệt là kiểm tra sức khỏe cho trái tim.