Đau thắt ngực là gì?
Tên gọi khác: cơn đau tim, đau thắt ngực, Angina pectoris.
Cơn đau thắt ngực là tình trạng cảm giác khó chịu, đau ở giữa ngực, xảy ra khi sự cung cấp máu chứa ôxy đến một vùng nào đó của cơ tim bị giảm, thường là do tắc nghẽn lưu thông mạch máu gây thiếu máu cục bộ ở cơ tim hoặc do hẹp động mạch vành. Cơn đau thắt ngực thường xảy ra sau khi bệnh nhân gắng sức, trải qua những stress về cảm xúc nặng nề, hoặc sau khi ăn quá nhiều, trong những lúc như vậy, cơ tim sẽ cần nhiều ôxy hơn mức mà các động mạch vành bị hẹp có thể cung cấp.
Cơn đau thắt ngực được chia ra làm 2 loại:
- Cơn đau thắt ngực ổn định: là những người có mức khởi điểm xuất hiện các triệu chứng đau thắt ngực giống nhau và có thể tiên đoán được. Đau thắt ngực ổn định hay gặp do stress, do gắng sức và triệu chứng giảm đi khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc nitroglycerin ngậm dưới lưỡi.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định: ít gặp hơn và có mức độ nặng nề hơn. Các triệu chứng nặng hơn, tăng cường độ và tần số cơn đau hơn, triệu chứng khó tiên đoán hơn so với cơn đau thắt ngực ổn định. Cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, thường xuất hiện khi nghỉ hay gắng sức nhẹ, có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, mệt mỏi không giải thích được.
Triệu chứng của cơn đau thắt ngực
Các triệu chứng thường gặp của đau thắt ngực như: cảm giác bị đè ép, nặng, bóp nghẹn, co xiết, hoặc đau dọc theo ngực, đặc biệt là phía sau xương ức. Cơn đau thường lan đến cổ, quai hàm, cánh tay, lưng, hoặc thậm chí là răng và thường kéo dài từ 1 đến 15 phút.
Ngoài ra bệnh nhân có thể cảm thấy ăn không tiêu, bỏng rát ngực, yếu ớt, vã mồ hôi, buồn nôn, chuột rút và khó thở.
Nguyên nhân của đau thắt ngực
Nguyên nhân gây đau thắt ngực là do cơ tim bị thiếu oxy đột ngột vì mất thăng bằng giữa tăng nhu cầu oxy của cơ tim và sự cung cấp không đủ oxy của mạch vành. Mạch vành không cung cấp đủ oxy cho tim trong các trường hợp:
- Các bệnh mạch vành: xơ hóa động mạch làm tắc hẹp lòng mạch, không đáp ứng đủ nhu cầu ôxy cho cơ tim trong lúc vận động hoặc trong lúc stress nữa. Cơ tim thiếu ôxy sẽ gây ra đau ngực. Quá trình xơ hóa động mạch được đẩy mạnh dưới tác động của việc hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng nồng độ cholesterol và đái tháo đường.
- Co thắt động mạch vành: làm cho các động mạch hẹp đột ngột dẫn đến giảm lượng máu đến cơ tim và gây đau thắt ngực (đau thắt ngực Prinzmetal). Cơn đau thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, thường là vào buổi sáng sớm. Co thắt động mạch vành có thể do sử dụng cocaine.
- Khi làm việc gắng sức, stress kích thích giao cảm, tăng nhịp tim, tăng nhu cầu oxy.
- Nhiễm độc oxyd carbon, thiếu máu nặng làm giảm oxy trong máu nên thiếu máu vào tim qua mạch vành.
Các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến cơn đau thắt ngực:
- Tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành.
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn sau khi mãn kinh.
- Người có bố mẹ, anh chị, ông bà bị các tai biến tim mạch khi còn trẻ có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn.
- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên gấp 2 lần.
- Lối sống ít vận động ảnh hưởng không tốt một cách toàn diện đến cơ thể.
- Các bệnh: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu cũng có thể gây ra đau thắt ngực ổn định.
- Uống quá nhiều rượu bia .
Điều trị cơn đau thắt ngực
Các loại thuốc điều trị cơn đau thắt ngực:
- Nitroglycerin: Cơn đau thắt ngực thường kéo dài từ 1 đến 15 phút và giảm đi bằng cách nghỉ ngơi hoặc đặt thuốc Nitroglycerin dưới lưỡi. Nitroglycerin có tác dụng làm giãn các mạch máu, làm giảm huyết áp, giảm nhu cầu ôxy của cơ tim, giảm co thắt các động mạch vành và tái phân phối lại lưu thông máu trong động mạch vành đến những vùng có nhu cầu cao nhất. Tác dụng phụ của thuốc có thể là làm hạ huyết áp quá mức gây hoa mắt, chóng mặt.
- Thuốc ức chế giao cảm trên receptor beta: có tác dụng làm giảm cơn đau thắt ngực bằng cách ức chế tác động của Adrenaline lên tim, làm cho tim đập chậm lại, hạ huyết áp, và làm giảm lực co bóp của cơ tim, dẫn đến làm giảm nhu cầu ôxy của cơ tim. Những tác dụng phụ của thuốc bao gồm: chậm nhịp tim và hạ huyết áp quá mức, trầm cảm, mệt mỏi, liệt dương, tăng nồng độ cholesterol, suy tim sung huyết.
- Thuốc chẹn kênh canxi: có tác dụng dãn động mạch vành, và tác dụng hạ huyết áp, ngoài ra còn làm giảm co thắt động mạch vành.
Các phương pháp phẫu thuật được dùng trong điều trị đau thắt ngực như:
- Tạo hình mạch vành trong lòng mạch qua da (PTCA).
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG).
- Đặt stent ở động mạch vành.
Đồng thời bệnh nhân cần kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ, tránh hoạt động mạnh.
Phòng ngừa đau thắt ngực
- Khi đang có cơn đau cần ngừng các hoạt động ngay, nằm yên tại chỗ, nên nửa nằm nửa ngồi.
- Cần dùng thuốc Nitroglycerin hoặc các thuốc khác theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh mọi hoạt động gắng sức, sinh hoạt, ăn uống điều độ.
- Hạn chế dùng chè đặc, cà phê, thuốc lá, rượu bia và không hút thuốc lá.
- Nếu có mắc những bệnh: bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...cần kiểm soát tốt các bệnh này.
- Thực hiện chế độ ăn ít cholesterol, nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật, các loại hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa, nên ăn nhạt.
- Tập thể dục nhẹ, đặc biệt là đi bộ rất có ích cho người bệnh. Chọn lựa một công việc phù hợp với thể lực của mình.
- Người bệnh nên hạn chế những cảm xúc quá mạnh đột ngột, tránh nóng giận hại sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Ngọc Bệnh viện Chợ Rẫy