1. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Giãn tĩnh mạch chân ( suy giãn tĩnh mạch chi dưới ) hiện đang là căn bệnh hết sức phổ biến. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, có khoảng 40% dân số trưởng thành có thể bị suy giãn tĩnh mạch. Trong đó, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới khoảng 2 - 3 lần. Tại Việt Nam, có khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng hệ tĩnh mạch chi dưới bị suy giảm khả năng đưa máu trở về tim, dẫn tới tình trạng ứ đọng máu, gây nhiều biến đổi về huyết động và gây biến dạng các mô xung quanh. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng như chàm da , chảy máu ở chân, vết loét chân không lành, giãn các tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch sâu ,...
Biến chứng muộn của bệnh là huyết khối, máu không trở về tim được, gây sưng phù và đau đớn ở chân. Đặc biệt nguy hiểm nếu huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, về tim hoặc phổi, có thể gây tử vong.
2. Đi giày cao gót nhiều gây giãn tĩnh mạch chân
Nữ giới có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chân nhiều hơn so với nam giới. Một trong những nguyên nhân là do thói quen ăn mặc của phụ nữ, cụ thể là thói quen đi giày cao gót.
Vậy đi giày cao gót có ảnh hưởng gì không ? Theo các bác sĩ, thói quen đi giày cao gót của phái đẹp khiến trọng lượng cơ thể bị dồn xuống 2 bàn chân và gây áp lực lên các tĩnh mạch chân. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là dẫn tới suy giãn tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới . Đó là:
- Công việc liên quan tới đứng lâu hoặc ngồi quá nhiều như: Thợ may, nhân viên ngân hàng, nhân viên chế biến hải sản, lễ tân,... hoặc gánh vác nặng. Tình trạng máu ít được lưu thông do giữ 1 tư thế quá lâu sẽ làm tăng áp lực hệ tĩnh mạch chi dưới, dẫn tới suy van, giảm lưu lượng máu về tim, lâu ngày gây tê bì, loét và hình thành huyết khối ở chân;
- Làm việc trong môi trường ẩm thấp sẽ khiến bệnh nặng thêm;
- Khoảng 70% phụ nữ có thai bị suy giãn tĩnh mạch chân vì quá trình mang bầu làm thay đổi nội tiết tố đột ngột, kết hợp với thai to gây chèn ép tĩnh mạch, cản trở lưu lượng máu đi từ chân về tim, gây phù chân;
- Thói quen mặc đồ bó thường xuyên của phụ nữ làm tăng áp lực cho các mạch máu nhỏ ở chân, chèn tĩnh mạch đùi và khung chậu, cản trở dòng máu về tim và lâu dần gây suy giãn tĩnh mạch;
- Người béo phì , có chế độ ăn ít chất xơ, ít vận động;
- Lão hóa: Tuổi càng cao càng có nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có suy giãn tĩnh mạch;
- Bị thiểu sản hệ thống tĩnh mạch bẩm sinh.
3. Làm thế nào để phòng bệnh giãn tĩnh mạch chân?
Để phòng bệnh mỗi người đều cần lưu ý:
- Không đi giày cao gót nhiều , ưu tiên đi những đôi giày đế bằng hoặc gót thấp vừa phải, da mềm;
- Có tư thế ngồi đúng, không ngồi vắt chéo chân và nên thay đổi tư thế thường xuyên;
- Mặc đồ rộng và thoáng hơn, tránh đồ bó sát (đặc biệt là ở chân và hông);
- Buổi tối khi đi ngủ nên kê chân cao hơn so với mặt giường để máu dễ dàng lưu thông về tim;
- Hằng ngày có thể áp dụng bài tập xoay tròn gót chân, nhón gót chân, giơ chân,...;
- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn và uống nhiều nước để tránh táo bón bởi khi đi đại tiện, nếu bị táo bón thì sẽ gây áp lực rất lớn tới hệ tĩnh mạch chi dưới.
Để cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chi dưới, các chuyên gia đã dành một số lời khuyên cho người bệnh như:
- Trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch nhẹ nên đi tất áp lực. Khi vận động thể thao, người bệnh nên tránh các môn cần chạy nhiều như cầu lông, bóng đá mà chuyển sang các môn thể dục nhẹ hơn như đi bộ chậm, bơi lội ,...;
- Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân nên tránh ngâm chân bằng nước ấm, không tắm nước nóng vì nhiệt độ cao sẽ khiến mạch máu dễ bị giãn to hơn.
Đi giày cao gót nhiều là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân. Vì vậy, mỗi người cần chú ý thay đổi những thói quen không tốt để phòng tránh, giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này.