Bệnh bạch biến là một vấn đề ở da thường liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn là tuýp 2 và làm ảnh hưởng đến màu sắc của da .
Bạch biến là gì?
Bệnh bạch biến là một rối loạn ở da , đặc trưng bởi sự xuất hiện các mảng trắng trên da ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể do tế bào sắc tố bị phá hủy (đây là tế bào tạo ra màu da) . Bệnh bạch biến cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc , chẳng hạn như các mô trong miệng , mũi và mắt .
Ai có thể có biến chứng này?
Trong một ngàn người , chỉ có một hoặc hai người bị bạch biến . Nhiều người phát bệnh ở tuổi hai mươi , nhưng nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi . Bệnh ảnh hưởng đến tất cả các chủng tộc và hai giới với tỷ lệ như nhau , tuy nhiên , bệnh dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm .
Các triệu chứng của bệnh bạch biến là gì?
Dấu hiệu chính của bệnh bạch biến là các mảng da bị mất màu (sắc tố) , từ đó tạo ra các mảng sáng hoặc trắng trên da bạn . Thông thường , những tổn thương đầu tiên xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng , chẳng hạn như bàn tay , bàn chân , cánh tay , mặt và môi .
Dấu hiệu bệnh bạch biến bao gồm :
- Sự đổi màu da
- Tóc non màu trắng hoặc màu xám trên da đầu , lông mi , lông mày hay râu (thường là trước 35 tuổi)
- Mất màu hồng bình thường ở vùng niêm mạc bên trong miệng và mũi
- Mất hoặc thay đổi màu sắc của các lớp bên trong nhãn cầu (võng mạc)
- Xuất hiện những mảng da đổi màu quanh nách , rốn , bộ phận sinh dục và trực tràng .
Tại sao bạn bị bạch biến?
Giống như bệnh tiểu đường tuýp 1 , bạch biến là một rối loạn tự miễn , trong đó hệ miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công các mô bình thường của cơ thể . Trong trường hợp của bệnh bạch biến , mục tiêu tấn công là các tế bào hắc tố .
Những người mắc một số bệnh tự miễn nhất định , chẳng hạn như cường giáp , có nhiều khả năng bị bạch biến hơn so với những người không có bất kỳ bệnh tự miễn nào . Các nhà khoa học không biết lý do tại sao bạch biến lại có liên quan với các bệnh này . Tuy nhiên , hầu hết những người bị bệnh bạch biến không có các bệnh tự miễn khác .
Bệnh bạch biến cũng có thể di truyền trong gia đình . Những đứa trẻ mà cha mẹ bị bạch biến có nhiều khả năng phát triển bệnh bạch biến . Tuy nhiên , hầu hết trẻ em sẽ không bị bạch biến ngay cả khi cha mẹ có bệnh .
Làm thế nào các bác sĩ chẩn đoán bệnh này?
Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử gia đình và tiền sử bệnh , khám lâm sàng và cho làm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh bạch biến . Bác sĩ sẽ khám kỹ để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự với bệnh bạch biến .
Các xét nghiệm thường bao gồm :
- Lấy một mẫu da nhỏ (sinh thiết) ở vùng tổn thương để quan sát dưới kính hiển vi
- Xét nghiệm máu
- Khám mắt .
Các phương pháp điều trị cho bệnh bạch biến là gì?
Hiện có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp phục hồi màu da hoặc thậm chí làm đều màu da lại . Kết quả điều trị thường không ổn định và không thể đoán trước được . Một số phương pháp điều trị có tác dụng phụ nghiêm trọng . Do đó , bác sĩ có thể khuyên bạn trước tiên hãy thử cải thiện triệu chứng bằng cách sử dụng các sản phẩm làm da ngăm hoặc trang điểm .
Nếu bạn và bác sĩ quyết định điều trị tình trạng của bạn bằng một loại thuốc hoặc liệu pháp khác , quá trình điều trị có thể mất nhiều tháng mới có thể thấy được hiệu quả của nó . Hơn nữa , ban đầu bạn phải dùng nhiều phương pháp trị liệu cùng một lúc để tìm ra phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn .
Phương pháp điều trị nội khoa bao gồm :
- Thuốc (chẳng hạn như các loại kem) thoa lên da .
- Thuốc bằng đường uống .
- Điều trị có sử dụng thuốc cộng với tia cực tím A (UVA) ánh sáng (PUVA) .
- Loại bỏ màu ở các khu vực khác để phù hợp với những mảng da trắng .
Phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm :
- Ghép da từ mô của chính bệnh nhân . Bác sĩ lấy da từ một vùng khác của cơ thể bệnh nhân và gắn nó vào vùng bị tổn thương . Phương pháp này đôi khi được sử dụng cho những mảng bạch biến nhỏ .
- Bạn cũng có thể xăm hình xăm nhỏ lên da .
Bạn có thể làm gì để kiểm soát bệnh bạch biến?
Bạn có thể cảm thấy stress , ngượng ngùng , buồn , xấu hổ hoặc thậm chí bị suy sụp bởi sự thay đổi về ngoại hình do bệnh bạch biến gây ra . Bạn có thể cảm thấy tình trạng này làm cản trở những hoạt động hàng ngày của bạn , đặc biệt là khi bệnh lan rộng tới những khu vực có thể nhìn thấy trên cơ thể (không thể che bằng áo quần) chẳng hạn như mặt , tay , cánh tay và bàn chân . Sau đây là một số cách tự chăm sóc có thể giúp bạn bảo vệ làn da và cải thiện triệu chứng của bệnh :
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và các nguồn ánh sáng nhân tạo của tia UV . Bạn có thể tìm bóng râm để đứng hoặc mặc quần áo che chắn làn da khỏi ánh sáng mặt trời .
- Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời giúp ngăn ngừa cháy nắng và tổn thương lâu dài .
- Che khuất vùng da bị tổn thương . Các sản phẩm giúp che khuất có thể cải thiện màu sắc của da và giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về bản thân , phương pháp này thường được dùng khi mảng bạch biến nằm ở vùng da bị lộ ra ngoài .
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề :
- Hãy sống hòa đồng hơn nếu bạn không muốn bị bệnh tiểu đường!
- 11 thực phẩm cần tránh khi bị bệnh tiểu đường
- 6 vitamin không thể thiếu trong chế độ ăn của người tiểu đường