Tiểu đường là một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến cách thức sử dụng glucose (đường) của cơ thể. Tình trạng này gây ra nồng độ glucose trong máu cao và sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể nếu không được điều trị.
Trẻ em và người trẻ thường mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, nguyên nhân là do hậu quả của các rối loạn tự miễn dịch. Trước đây, bệnh tiểu đường tuýp 2 chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên sự bùng phát của bệnh béo phì đã dần làm nó trở nên phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2 làm lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng theo những cách khác nhau.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch và phá hủy các tế bào của tuyến tụy sản xuất ra insulin. Trẻ em bị bệnh tiểu đường tuýp 1 cần bổ sung insulin để duy trì mức đường trong máu ở phạm vi bình thường.
Không giống như người bị bệnh tiểu đường tuýp 1, người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn có thể sản xuất insulin nhưng cơ thể không đáp ứng với insulin như bình thường. Glucose được hấp thụ vào các tế bào và thực hiện chức năng cung cấp năng lượng kém hơn bình thường (tình trạng này được gọi là kháng insulin). Điều này làm cho lượng đường trong máu tăng cao, kích thích tuyến tụy sản xuất insulin nhiều hơn. Cuối cùng, tuyến tụy yếu đi do làm việc quá mức để sản xuất insulin và có thể không còn sản xuất đủ lượng insulin để duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Những người bị kháng insulin có thể có hoặc không phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2, tất cả phụ thuộc vào tuyến tụy có thể sản xuất đủ lượng insulin để duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường hay không. Nồng độ đường trong máu cao liên tục là một dấu hiệu cho thấy bạn bị bệnh tiểu đường.
Trẻ em và thanh thiếu niên bị tiểu đường tuýp 2 có thể kiểm soát lượng đường trong máu thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và các loại thuốc cải thiện phản ứng của cơ thể với insulin. Một số trường hợp, người bệnh có thể cần phải tiêm insulin trực tiếp vào cơ thể.
Tại sao con bạn mắc bệnh tiểu đường tuýp 2?
Trẻ em thường bị bệnh tiểu đường tuýp 1 do các yếu tố di truyền và sinh học. Tuy nhiên, một số nguy cơ do yếu tố di truyền, chẳng hạn như có cha mẹ bị tiểu đường tuýp 2, có thể là nguyên nhân khiến bé mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, lý do chủ yếu và thường gặp nhất là do con bạn bị béo phì.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ở các bé gái cũng thường liên quan đến kháng insulin. PCOS là một vấn đề nội tiết tố có thể làm các buồng trứng phình to và hình thành các túi chứa đầy dịch, gọi là các nang. Bé gái bị PCOS thường có kinh nguyệt không đều hoặc có thể vô kinh, và dễ mọc nhiều lông trên khuôn mặt và cơ thể. PCOS cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản.
Làm thế nào bạn biết được con bạn có bị tiểu đường?
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 không phải lúc nào cũng rõ ràng và có thể mất một thời gian dài để bệnh phát triển. Đôi khi, tiểu đường tuýp 2 không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Không phải tất cả mọi người bị kháng insulin hay tiểu đường tuýp 2 đều xuất hiện dấu hiệu của bệnh, và không phải tất cả những người có các triệu chứng kể trên đều bị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tuy nhiên, trẻ em hoặc thiếu niên những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể:
- Đi tiểu thường xuyên. Thận thích ứng với tình trạng nồng độ glucose trong máu cao bằng cách đào thải thêm đường trong nước tiểu. Trẻ em có đường huyết cao sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.
- Uống nhiều nước. Bởi vì đi tiểu quá thường xuyên và mất quá nhiều nước, trẻ sẽ rất khát nước và uống rất nhiều để duy trì lượng nước bình thường trong cơ thể.
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên vì cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng đúng cách.
Đôi khi, trẻ em và thanh thiếu niên bị bệnh tiểu đường tuýp 2, kháng insulin hoặc béo phì cũng có thể mắc bệnh gai đen – một bệnh lý ở da, làm xuất hiện những vùng da dày, đen, mịn, nhìn như một miếng vải đen ở quanh cổ, nách, háng, kẽ ngón tay và ngón chân, hoặc khuỷu tay và đầu gối.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con bạn?
Trẻ bị kháng insulin hay tiểu đường tuýp 2 có nhiều khả năng mắc bệnh cao huyết áp hoặc nồng độ các chất béo trong máu (cholesterol và triglycerides) trở nên bất thường. Khi những vấn đề này kết hợp lại với nhau, các bác sĩ gọi đây là hội chứng chuyển hóa. Những người bị hội chứng chuyển hóa có nguy cơ phát triển bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
Bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra các biến chứng lâu dài ở một số trẻ, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, suy giảm thị lực và tổn thương thận. Bệnh tiểu đường cũng có thể gây ra các vấn đề mạch máu, dây thần kinh và nướu răng khác. Những vấn đề này thường không xuất hiện ở trẻ em hoặc thiếu niên – những người đã bị bệnh tiểu đường tuýp 2 trong một vài năm. Tuy nhiên, các vấn đề này có thể xảy ra ở tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở những người bị bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.
Làm thế nào các bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2?
Bác sĩ có thể xác định con bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không bằng cách xét nghiệm lượng glucose trong máu. Thậm chí nếu một đứa trẻ hay thiếu niên không có bất kỳ triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra ở những trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh – như bé bị thừa cân chẳng hạn.
Nếu bạn cho rằng con bạn có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, hãy trao đổi với bác sĩ, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ nhi chuyên khoa nội tiết, chuyên về chẩn đoán và điều trị các bệnh của hệ thống nội tiết, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và rối loạn tăng trưởng ở trẻ em.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tiểu đường tuýp 2: Nên và không nên ăn gì?
- Sống chung với tiểu đường tuýp 2: Chuyện đơn giản!
- 9 loại thức ăn cần tránh khi bạn bị tiểu đường tuýp 2