1. Bệnh huyết áp thấp là gì?
Huyết áp được đo bằng milimet thủy ngân, là thước đo lực của máu tác động lên thành động mạch, huyết áp khi đo sẽ được thể hiện bằng 2 con số là huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu.
Huyết áp thấp hay còn được gọi là chứng giảm huyết áp, là tình trạng huyết áp đo được thấp hơn bình thường, mặc dù không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến cuộc sống, tuy nhiên, người mắc bệnh huyết áp thấp có thể gặp phải một số vấn đề nguy hiểm ở tim, hệ thần kinh và tuyến nội tiết, khiến người bệnh dễ bị ngất xỉu đột ngột , bị choáng, trong trường hợp nặng thì tình trạng bệnh huyết áp thấp còn có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Mặc dù mỗi người có một chỉ số huyết áp khác nhau nhưng nếu đo được chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 milimet thủy ngân (mmHg) hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg thì được coi là huyết áp thấp .
Người bệnh có thể bị huyết áp thấp do mất nước hoặc rối loạn nghiêm trọng trong cơ thể, mắc các bệnh nội khoa liên quan đến phẫu thuật. Khi tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp thấp ở người bệnh thì bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị hiệu quả hơn.
2. Dấu hiệu khi bị huyết áp thấp
Trong một số trường hợp đặc biệt, huyết áp thấp có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nguy hiểm ở người bệnh, đặc biệt là khi huyết áp bị giảm đột ngột và kèm theo các dấu hiệu sau:
- Mờ mắt
- Buồn nôn
- Thiếu tập trung
- Da lạnh, ẩm, nhợt nhạt
- Trầm cảm
- Khát
- Chóng mặt hoặc hoa mắt
- Ngất xỉu (ngất)
- Thở gấp và thở nông
- Mệt mỏi
- Huyết áp thấp
Những người bị huyết áp thấp cần được theo dõi sức khỏe định kỳ, nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường thì cần tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
3. Người bị huyết áp thấp dễ có nguy cơ ngất xỉu
Không chỉ những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp mới nguy hiểm mà kể cả người huyết áp thấp cũng có nguy cơ đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng bởi khi huyết áp bị giảm xuống thấp sẽ làm tăng nguy cơ ngất xỉu đột ngột , người bệnh sẽ bị ngã ra đường, bị thương và đặc biệt nguy hiểm với những ai đang điều khiển xe, có thể gây tai nạn và tử vong bất ngờ.
Ngoài ra, người bị huyết áp thấp còn hay bị mệt mỏi, chóng mặt, sắc mặt nhợt nhạt, buồn bã, tâm trạng uể oải, dễ bị trầm cảm và giảm khả năng làm việc.
Khi tình trạng huyết áp giảm một cách đột ngột và nghiêm trọng thì người bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu giảm thị lực, mất thính giác và tăng tỷ lệ suy giảm trí nhớ.
4. Hướng dẫn xử trí tại chỗ khi bị huyết áp thấp
Ngay khi bị huyết áp thấp , người bệnh cần tìm một chỗ thoáng mát để nằm nghỉ ngơi, nên nằm nâng cao 2 chân, đầu thấp và uống nhiều nước hoặc trà gừng để làm tăng khối lượng tuần hoàn.
Ngoài ra, khi người bệnh bị tụt huyết áp dẫn đến ngất xỉu đột ngột thì có thể sơ cứu bằng cách dùng tay day huyệt thái dương, vuốt trán và day huyệt phong trì day đi day lại với mức độ mạnh dần và nên thực hiện động tác này khoảng 20 - 50 lần. Khi người bệnh đã tỉnh và các triệu chứng giảm dần thì giúp người bệnh ngồi dậy từ từ và cử động chân tay vài phút nhẹ nhàng trước khi đứng dậy.
5. Điều trị huyết áp thấp bằng cách nào?
Đa số các trường hợp người bệnh bị huyết áp thấp thì không cần phải dùng thuốc điều trị mà chỉ cần thay đổi lối sống và cách ăn uống cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong trường hợp bị giảm huyết áp do mắc phải các bệnh lý nội khoa thì cần phải đến chuyên khoa để điều trị theo nguyên nhân mới giúp mang lại hiệu quả triệt để.
Song song với các biện pháp điều trị huyết áp thấp thì người bệnh cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày sao cho khoa học và hợp lý, ăn đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước hơn, từ bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc và tránh thay đổi tư thế đột ngột.
Nếu bắt đầu có các triệu chứng giảm huyết áp trong khi đứng thì hãy thực hiện kéo và ép ngang đùi, hoặc đặt một chân trên một mỏm đá hoặc ghế và tựa về phía trước để giúp khuyến khích máu chảy từ chân đến tim.
Ngoài ra, việc uống một tách cafe hoặc trà trong bữa ăn tạm thời cũng có tác dụng làm tăng huyết áp của người bệnh trong một số trường hợp đặc biệt. Nếu bị ngất xỉu thường xuyên thì người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để tiến hành các xét nghiệm cần thiết, xác định chính xác nguyên nhân gây ngất xỉu và điều trị kịp thời, tuyệt đối không nên chủ quan để xảy ra hậu quả không mong muốn.