Ngộ độc rượu: Tổng quan, tiến trình và biện pháp phòng ngừa
Rượu, hay còn gọi là Ethanol, là một chất ức chế thần kinh trung ương. Khi uống một lượng lớn và nhanh chóng, rượu có thể gây suy hô hấp, hôn mê và thậm chí tử vong. Việc sử dụng rượu liên tục và kéo dài sẽ gây ra ngộ độc trực tiếp lên tim, gan và gây tổn thương cho nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
1. Tổng quan về ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu, hoặc hiếm gặp hơn là do tự tử bằng rượu hoặc các chế phẩm chứa cồn. Cần phân biệt các dạng ngộ độc rượu sau đây:
- Ngộ độc rượu Ethanol: Tình trạng nồng độ Ethanol tăng dần trong máu, gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Ethanol là loại cồn có trong đồ uống có cồn như rượu, bia, và các loại đồ uống lên men khác.
- Ngộ độc rượu Methanol và Ethylen Glycol: Tình trạng ngộ độc xảy ra do uống nhầm rượu pha với cồn công nghiệp. Methanol và Ethylen Glycol là các loại cồn độc hại, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan, đặc biệt là mắt và não, dẫn đến mù lòa và tử vong.
Các trường hợp nhập viện cấp cứu thường là do người bệnh uống quá nhiều, lạm dụng rượu đến mức gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: hạ đường huyết, nhiễm toan ceton, trụy tim do ngộ độc rượu…
2. Tiến trình ngộ độc rượu
Ngộ độc rượu gây ra nhiều rối loạn về tâm thần và ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Quá trình này thường diễn tiến qua 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn kích thích: Người bệnh có các phản ứng thần kinh hưng phấn như sảng khoái, vui vẻ, nói nhiều. Đồng thời, khả năng tự kiềm chế giảm sút, dẫn đến kích thích, hung hãn và mất điều hòa vận động, gây ra tình trạng đi đứng nghiêng ngả, loạng choạng.
- Giai đoạn ức chế: Tri giác giảm dần, khả năng tập trung suy giảm, lú lẫn, giảm phản xạ gân xương, trương lực cơ giảm và giãn mạch ngoại vi.
- Giai đoạn hôn mê: Người bệnh gặp phải các biến chứng nặng nề như thở yếu, viêm phổi sặc, suy hô hấp, giãn mạch, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, trụy tim, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, co giật, rối loạn điện giải, nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân… Các biến chứng này có thể dẫn đến hôn mê hoặc ngừng thở, đe dọa tính mạng.
Tiến trình ngộ độc rượu cũng được thể hiện qua nồng độ Ethanol huyết thanh tăng dần trong máu:
- 20-50mg/dL: Rối loạn ức chế, cảm xúc không ổn định, hưng cảm bất thường, nói nhiều.
- 50-100mg/dL: Chậm phản xạ, giảm khả năng phán xét, loạn vận ngôn, mất khả năng điều hòa vận động ở mức độ nhẹ.
- 100-200mg/dL: Song thị (nhìn đôi), mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, giãn mạch.
- 200-400mg/dL: Ức chế hô hấp, mất phản xạ đường thở, giảm thân nhiệt, vệ sinh mất tự chủ, tụt huyết áp, hôn mê.
- >400mg/dL: Trụy tim do ngộ độc rượu, có thể dẫn đến tử vong.
Như vậy, nếu lạm dụng rượu và để nồng độ Ethanol trong máu tăng quá mức, rượu gây ngộ độc trực tiếp lên tim và gây trụy tim, khiến người bệnh đối diện với nguy cơ tử vong rất cao.
3. Tác hại của lạm dụng rượu
Uống rượu nhiều và thường xuyên trong thời gian dài có thể dẫn đến các tổn thương ở gan như: gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan do rượu. Bệnh nhân bị tổn thương gan cũng dễ bị rối loạn đông máu do giảm khả năng tổng hợp các yếu tố đông máu, làm tăng nguy cơ chảy máu khi bị chấn thương (ví dụ như ngã, va đập, tai nạn xe…) và xuất huyết tiêu hóa (do viêm dạ dày, vỡ tĩnh mạch thực quản…).
Lạm dụng rượu cũng thường gây ra những hậu quả và biến chứng sau đây:
- Viêm tụy, viêm dạ dày.
- Trụy tim do ngộ độc rượu.
- Bệnh lý cơ tim, thường kèm theo rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp.
- Bệnh lý thần kinh ngoại biên
- Các tổn thương não bao gồm: chứng rối loạn tâm thần Korsakoff, bệnh não Wernicke, bệnh Marchiafava-Bignami và suy giảm trí nhớ.
- Một số dạng ung thư (ví dụ như đầu và cổ, thực quản), đặc biệt là khi uống rượu được kết hợp với hút thuốc lá.
- Về lâu dài, người bệnh có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin.
4. Các biện pháp điều trị ngộ độc rượu
Đối với ngộ độc rượu ở mức độ nặng, việc điều trị tập trung vào các mục tiêu sau:
- Truyền dịch và sử dụng thuốc vận mạch nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp.
- Truyền Glucose và nước điện giải để bổ sung dinh dưỡng và điều chỉnh các rối loạn điện giải.
- Tiêm vitamin B1 vào bắp với liều 100-300mg (cho người lớn) hoặc 50mg (cho trẻ em) trước khi truyền Glucose.
- Tiêm thuốc chống nôn, thuốc giảm tiết dịch vị, và cho bệnh nhân uống thuốc bọc niêm mạc dạ dày để giảm nôn và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Hỗ trợ bệnh nhân thở bằng cách hút đờm dãi, đặt nội khí quản, thở oxy, thở máy với chế độ tăng thông khí để tăng cường thải trừ Ethanol ra khỏi cơ thể.
- Duy trì thân nhiệt và giữ ấm cho người bệnh.
5. Phòng ngừa biến chứng do rượu
Để phòng tránh trụy tim và các biến chứng khác do rượu, bạn nên cân nhắc các biện pháp sau:
- Tốt nhất là không nên uống rượu nếu không kiểm soát được liều lượng.
- Nếu uống, chỉ uống đúng lúc (sau giờ làm việc, ít đi lại) và có thể nghỉ ngơi khi cần.
- Uống ít để hạn chế tác dụng phụ. Dừng uống khi bản thân vẫn còn đủ tỉnh táo và kiểm soát được khả năng ăn nói, đi lại vững vàng.
- Không nên uống quá 50ml rượu loại 40 độ hoặc không quá 400ml bia 5 độ.
- Nên ăn đầy đủ trước, trong và sau khi uống để giảm tác hại cho dạ dày.
- Một số đối tượng tuyệt đối không nên uống rượu: trẻ em, trẻ vị thành niên, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người thường xuyên phải làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao như lái xe, vận hành máy móc, những người mới bỏ rượu, đang uống thuốc hoặc đang bị bệnh.
- Giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể bị lạnh sau khi uống rượu.
- Chọn loại rượu, bia, thực phẩm có nguồn gốc và thành phần an toàn.
Nhìn chung, lạm dụng rượu gây ngộ độc trực tiếp lên tim và gây tổn thương nặng nề đến các cơ quan khác. Do đó, bạn nên cân nhắc và hạn chế uống rượu. Nếu có thể, nên thực hiện các biện pháp cai rượu dưới sự hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.