1. Viêm cơ tim là gì?
Viêm cơ tim là thuật ngữ ám chỉ tình trạng viêm của mô cơ tim diễn tiến cấp tính hoặc kéo dài trở thành mạn tính, có hoặc không liên quan đến van tim hoặc màng ngoài tim. Quá trình tổn thương cơ tim do viêm ảnh hưởng đến chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể, tác động lên hoạt động điện của cơ tim dẫn đến rối loạn nhịp tim . Biểu hiện của viêm cơ tim thay đổi khác nhau từ nhẹ đến nặng tùy theo từng bệnh nhân trên lâm sàng. Trong những trường hợp nặng nề, biến chứng suy tim có thể xuất hiện, có hoặc không kèm theo sự hình thành của các cục máu đông gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Viêm cơ tim là bệnh lý có lịch sử từ lâu với trường hợp bệnh lần đầu tiên được mô tả vào khoảng năm 1600 sau công nguyên. Số lượng người tử vong vì bệnh viêm cơ tim tăng dần qua từng năm, khoảng hơn 300000 người vào năm 2015. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người trẻ trong nhóm tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
2. Nguyên nhân gây viêm cơ tim
Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim khá đa dạng và phong phú, bao gồm virus, vi khuẩn, nấm, tia xạ và hóa chất, thuốc. Một số trường hợp bệnh viêm cơ tim xuất hiện sau sinh hoặc ở những người nghiện rượu nhiều mà không có bằng chứng rõ ràng của các tác nhân gây bệnh đã kể trên. Theo nhiều thống kê, vi rút là nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp nhất, chiếm hơn 50% các trường hợp bệnh. Các loại virus gây bệnh viêm cơ tim thường thấy trên lâm sàng được ghi nhận là vi rút Coxsackie A4, A16, thuộc nhóm Enterovirus. Vi rút có thể được phân lập từ dịch mũi, chất tiết họng, mô cơ tim hoặc từ phân của bệnh nhân ở giai đoạn bệnh cấp tính. Mức độ nặng nhẹ của bệnh viêm cơ tim cũng như diễn tiến bệnh trên lâm sàng rất thay đổi, phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh. Viêm cơ tim do virus bạch hầu xảy ra ở trẻ em thường là những trường hợp nặng nề, tỷ lệ tử vong cao hơn 80%.
3. Sự nguy hiểm của viêm cơ tim
Chẩn đoán bệnh viêm cơ tim là giai đoạn sớm là một thách thức vì lúc này triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, thậm chí bệnh nhân không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên lâm sàng. Bệnh nhân bị bệnh nhẹ thường chỉ có biểu hiện đau ngực trái thoáng qua, khó thở khi lao động nặng hoặc di chuyển nhiều xuất hiện đồng thời với các triệu chứng của một đợt nhiễm virus cấp như sốt cao, đau đầu nhiều, nhức mỏi toàn thân,... Những triệu chứng này thường được lý giải bởi tình trạng mệt mỏi do làm việc quá sức hoặc do cảm cúm thông thường nên người bệnh chủ quan và dễ bỏ sót.
Khi vào giai đoạn muộn, bệnh nhân viêm cơ tim phải đối diện với nhiều triệu chứng nặng hơn như đau ngực kéo dài, loạn nhịp tim như nhịp nhanh, khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, phù hai chi dưới, ... Tùy thuộc vào từng tác nhân gây bệnh viêm cơ tim, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng viêm cơ tim khác gợi ý nguyên nhân như nổi ban đỏ ở da, triệu chứng thần kinh, khớp, biểu hiện đau rát họng,... Bệnh nhân viêm cơ tim thường tử vong vào giai đoạn này do các biến chứng của bệnh, bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim: Viêm cơ tim ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim gây nhịp tim bất thường, hay gặp nhịp tim nhanh.
- Đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim: Hoạt động co bóp tống máu đi ở những bệnh nhân viêm cơ tim diễn ra không hiệu quả, khiến máu ứ đọng lại và tăng khả năng hình thành cục máu đông. Khi những cục máu đông này di chuyển khắp cơ thể và gây tắc tại mạch máu não hoặc mạch vành sẽ gây nên bệnh đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim tương ứng.
- Suy tim cấp : Nếu không được xử trí kịp thời, tổn thương cơ tim xuất hiện gây suy tim. Các tổn thương trên mô cơ tim có thể kéo dài và không hồi phục.
Viêm cơ tim được chẩn đoán thường dựa vào sự kết hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng. Các phương tiện thường được sử dụng là siêu âm tim , điện tâm đồ, định lượng kháng thể kháng virus hoặc vi khuẩn nghi ngờ gây bệnh, sinh thiết mô tim,... Điều quan trọng giúp tăng khả năng nhận biết sớm bệnh viêm cơ tim là phải luôn nghĩ đến viêm cơ tim khi nghi ngờ, và tìm cách loại trừ các bệnh lý tim mạch có biểu hiện tương tự khác.
Người bệnh, nhất là nhóm người trẻ tuổi, cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng bất thường. Hoàn cảnh bệnh có triệu chứng đau ngực, khó thở trong khi đang có biểu hiện của một đợt cảm cúm là một gợi ý không được bỏ qua. Khi bệnh tiến triển vào giai đoạn muộn với các triệu chứng nặng nề, người bệnh cần được đưa đến phòng cấp cứu hoặc hồi sức với các phương pháp điều trị tích cực.
4. Biện pháp điều trị viêm cơ tim
Việc điều trị bệnh viêm cơ tim thường không dễ dàng vì người bệnh thường được chẩn đoán chậm trễ khi bệnh đã bước vào giai đoạn muộn với nhiều biến chứng nặng nề. Việc lựa chọn các phương pháp điều trị phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh viêm cơ tim là gì. Nguyên tắc điều trị bệnh cần đảm bảo điều chỉnh các rối loạn nhịp tim và dự phòng, giải quyết biến chứng suy tim mới có thể làm tăng tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân viêm cơ tim.
Điều trị viêm cơ tim hiện nay chủ yếu là điều trị hỗ trợ và giải quyết triệu chứng cho bệnh nhân. Nếu may mắn biết được nguyên nhân do nhiễm trùng hoặc nấm, có thể sử dụng kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm đặc hiệu. Các trường hợp nguy kịch phải được nhập hồi sức để điều trị tích cực hơn.
5. Phòng ngừa viêm cơ tim
Viêm cơ tim là bệnh lý chủ yếu do virus gây ra, hiện chưa có bất kỳ phương pháp dự phòng bệnh đặc hiệu nào. Tuy nhiên, để giảm thiểu khả năng mắc bệnh, một số biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe và có khả năng dự phòng bệnh viêm cơ tim đã được đưa ra như:
- Đảm bảo vệ sinh, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch vệ sinh tay hoặc xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn nhằm phòng tránh bệnh lan truyền rộng rãi.
- Không sử dụng các chất kích thích
- Hạn chế khả năng lây nhiễm HIV
- Bảo vệ cơ thể không bị côn trùng cắn, mặc áo quần dài, hoặc dùng thuốc, hóa chất xua đuổi côn trùng.
- Hạn chế tiếp xúc gần gũi, nói chuyện hay ở gần những bệnh nhân đang nhiễm virus hoặc cảm cúm, đặc biệt với những đối tượng suy giảm miễn dịch , người già và trẻ em. Tuy nhiên nếu bắt buộc phải đến gần người bệnh, nên sử dụng khẩu trang để phòng lây bệnh.
Viêm cơ tim thực sự là một bệnh lý nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong của bệnh vẫn còn rất cao, nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ em tỷ lệ tử vong có thể lên đến trên 75%. Người lớn mắc bệnh viêm cơ tim cũng không có nhiều kết quả khả quan hơn, chỉ một số ít trường hợp bệnh có thể tự thoái lui. Những bệnh nhân viêm cơ tim do vi rút có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như giãn lớn các buồng tim, xơ hóa, suy tim và giảm chức năng tống máu đi nuôi cơ thể. Nếu không được ghép tim, tỷ lệ tử vong trong 2 năm đầu là 50%, tăng lên khoảng 80% đến năm thứ 5.