1. Bệnh van tim hậu thấp tim là gì?
Bệnh van tim hậu thấp tim là bệnh tự miễn gây ra bởi liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Bệnh khởi phát với tình trạng viêm họng, thường kéo dài khoảng 2 tuần. Khoảng thời gian này đủ để cơ thể sản sinh kháng thể chống lại tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, vì cơ tim và van tim có cấu tạo gần giống với tế bào vi khuẩn làm cho hệ thống miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm. Hậu quả là gây tổn thương van tim khiến cho các lá van tim dày lên, dích lại với nhau. Cùng với hiện tượng lắng đọng canxi, lá van trở nên cứng hơn, gây ra tình trạng hẹp, hở van tim . Do đó, có thể nói bệnh van tim là một trong những biến chứng của bệnh thấp tim.
Tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp (khoảng 3%) chứng tỏ chỉ một số người có kháng nguyên tương tự với liên cầu khuẩn. Các kháng nguyên khiến hệ miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm có cấu trúc:
- Thành phần hyaluronat trong glycoprotein của van tim giống với hyaluoronat của màng liên cầu khuẩn.
- Màng sợi cơ tim giống với kháng nguyên của màng liên cầu khuẩn.
- Myosin của cơ tim giống với protein M (độc tố chính của liên cầu tan huyết nhóm A) của liên cầu khuẩn.
Ngoài ra, thấp tim còn có đáp ứng miễn dịch trung gian tế bào liên quan đến tế bào lympho T và đại thực bào nên các tổn thương tim, trong đó có van tim, có thể do cả hai cơ chế cùng xảy ra.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh van tim hậu thấp tim
Dấu hiệu ban đầu của bệnh van tim hậu thấp tim thường là khó thở , xảy ra chủ yếu khi làm việc nặng và vận động gắng sức. Mức độ khó thở sẽ tăng dần theo thời gian, những người phát hiện bệnh muộn có thể có biểu hiện khó thở khi hoạt động nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn là ngay cả khi nghỉ ngơi.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể ho lẫn một chút máu. Dấu hiệu này dễ khiến bệnh nhân cũng như bác sĩ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp. Do đó, bệnh ít khi được phát hiện sớm.
3. Biến chứng của bệnh van tim hậu thấp tim
Biến chứng thường gặp của bệnh van tim hậu thấp tim là suy tim Van tim hoạt động không đúng cách khiến giảm hiệu quả bơm máu. Điều này khiến tim phải co bóp nhiều hơn bình thường để đảm bảo lượng máu nuôi dưỡng cơ thể. Theo thời gian, việc hoạt động gắng sức kéo dài sẽ làm trái tim mệt mỏi, yếu dần dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, bệnh van tim hậu thấp tim còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như rung nhĩ, huyết khối, tăng áp lực động mạch phổi, viêm nội tâm mạc , đột quỵ , suy thận , v.v.
4. Bệnh van tim hậu thấp tim có chữa được không?
Rất khó để có thể chữa khỏi bệnh van tim hậu thấp, dù người bệnh đã phải phẫu thuật thay van tim thì sau khi điều trị vẫn cần dùng thuốc dự phòng, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
4.1 Điều trị nội khoa
Những nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh van tim hậu thấp tim bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu có tác dụng loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, làm giảm các triệu chứng ho, phù, khó thở.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Thuốc chống loạn nhịp tim giúp kiểm soát nhịp tim , giảm hồi hộp, đánh trống ngực.
- Thuốc ức chế men chuyển ACE: Thuốc ức chế men chuyển ACE có tác dụng thư giãn mạch máu, hạ huyết áp , giảm áp lực của máu lên van tim.
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giúp điều trị huyết áp cao , giảm nhịp tim.
- Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông trên van tim gây rách van, di chuyển vào mạch máu gây tắc mạch.
4.2 Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa bệnh van tim hậu thấp tim có 2 phương pháp chính là tạo hình van và thay van tim. Ngoài ra, đối với trường hợp van tim chỉ bị hẹp đơn thuần, người bệnh có thể được nong van tim bằng can thiệp mạch qua da.
- Nong van tim
Nong van tim là thủ thuật có chi phí thấp và độ an toàn cao hơn phương pháp mổ hở truyền thống. Thủ thuật được tiến hành như sau: Đầu tiên, ống thông được luồn trong lòng mạch máu từ tĩnh mạch đùi ở bẹn tới van tim. Đầu ống thông có quả bóng, khi bơm căng bóng lỗ van sẽ được nới rộng ra. Với phương pháp này, bệnh nhân không cần phải phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn.
- Tạo hình van
Tạo hình van được áp dụng đối với những van tim chưa bị tổn thương nặng. Đối với hẹp van tim, phẫu thuật viên sẽ tiến hành cắt, sửa các mép van bị dính. Còn đối với hở van tim, phẫu thuật viên sẽ tiến hành cắt, khâu dây chằng, đặt vòng van, thu hẹp đường kính vòng van. Ưu điểm của tạo hình van là giảm nguy cơ nhiễm trùng van và giảm thời gian sử dụng thuốc kháng đông (trung bình 6 tháng, nếu không có các chỉ định khác).
- Thay van tim
Thay van tim được áp dụng với van tim đã bị tổn thương nặng, không thể tạo hình van được nữa. Van tim có 2 loại là van tim cơ học và van tim sinh học:
Van cơ học : Van cơ học được làm từ vật liệu nhân tạo (titan, carbon...). Ưu điểm là độ bền cao, có thể sử dụng suốt đời. Nhược điểm là người bệnh cần được theo dõi và điều trị thuốc kháng đông suốt đời. Van cơ học sẽ phù hợp với nam giới, nữ giới sau độ tuổi sinh sản.
Van sinh học : Van sinh học được làm từ vật liệu tự nhiên (màng tim heo, bò...) đã qua xử lý để loại bỏ các thành phần gây thải ghép hoặc van lấy từ người hiến tạng. Ưu điểm là thời gian uống kháng đông ngắn hơn (thường 6 tháng sau mổ). Nhược điểm là van sẽ bị thoái hóa theo thời gian, trung bình được sử dụng 10-15 năm tùy cơ địa từng người; chi phí phẫu thuật cao hơn so với van cơ học. Van sinh học phù hợp với nữ giới đang trong độ tuổi sinh sản.
5. Xây dựng lối sống lành mạnh cho người bệnh van tim hậu thấp tim
Duy trì lối sống khoa học có thể giúp bệnh nhân giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khiến bệnh van tim tiến triển nặng:
- Tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại thịt trắng như cá tươi, thịt gà, v.v
- Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo (thịt mỡ, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào...)
- Ăn giảm mặn
- Luyện tập thể dục mỗi ngày với các hoạt động vừa sức, phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, v.v
Bệnh van tim hậu thấp là một bệnh tự miễn có các triệu chứng như ho, khó thở khi gắng sức. Bệnh có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy vào tình trạng của bệnh. Theo đó, nếu không được điều trị có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, khi thấy có biểu hiện và những triệu chứng của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và được can thiệp kịp thời.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.