Chế độ ăn cho người hở van tim: Nên tránh gì để bảo vệ tim mạch?
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hở van tim, giúp giảm gánh nặng cho tim, phòng ngừa các nguy cơ và biến cố tim mạch, kéo dài thời gian tiến triển bệnh và giúp bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh lâu dài. Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, tốt cho sức khỏe, bệnh nhân hở van tim cần đặc biệt lưu ý những thực phẩm không tốt cho hệ tim mạch.
1. Hở van tim là gì?
Hở van tim là tình trạng van tim đóng không kín trong quá trình bơm máu của tim, khiến máu bị phụt ngược trở lại các buồng tim. Điều này khiến tim phải tăng cường co bóp để đáp ứng nhu cầu bơm máu đi nuôi toàn cơ thể, lâu ngày dẫn đến suy tim. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), hở van tim bao gồm các bệnh lý như hở van hai lá, hở van ba lá, hở van động mạch chủ và hở van động mạch phổi.
Dù chế độ ăn không trực tiếp điều trị bệnh van tim, nhưng một số thực phẩm có thể thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch máu, vôi hóa van tim, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống đông và gây suy tim. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia tim mạch, người bệnh hở van tim cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng, tăng cường các thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch, thường xuyên tập thể dục.
2. Bệnh hở van tim không nên ăn gì?
Hạn chế muối: Ăn mặn làm tăng huyết áp, tăng áp lực lên mạch máu, từ đó làm tăng gánh nặng cho tim và dẫn đến suy tim. Bệnh nhân hở van tim cần được giảm gánh nặng cho tim, duy trì huyết áp ổn định. Lượng muối khuyến cáo ở bệnh nhân hở van tim là từ 2-4g mỗi ngày. Do đó, các món ăn cần được chế biến nhạt hơn và nên tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như cá mắm, hải sản, dưa muối, cà muối, và các loại đồ hộp.
Tránh chất kích thích:
- Thuốc lá: Thuốc lá làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, dẫn đến các bệnh lý mạch vành, đột quỵ não, tăng huyết áp. Người mắc bệnh hở van tim cần bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ xơ vữa và giảm gánh nặng cho tim.
- Trà, cà phê: Trà và cà phê có chứa caffeine, theobromine, theophylline, L-theanine kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm mất ổn định các hoạt động sinh lý như hồi hộp, trống ngực, tim đập nhanh. Người bệnh hở van tim thường xuyên sử dụng cà phê, trà lâu ngày có thể dẫn đến suy tim, rối loạn lo âu. Ngoài ra, trà và cà phê có thể dẫn đến tăng huyết áp, làm chậm quá trình vận chuyển máu, khiến bệnh van tim trở nên nặng hơn.
- Rượu bia: Rượu bia gây ra nhiều tác động có hại đến các cơ quan như gan, tuyến tụy, thận và cả não, tim. Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch trên trang ACC.org, những người bị hở van tim nên tránh tiêu thụ các thức uống có cồn vì chúng có thể gây ra chứng loạn nhịp tim và làm các triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn.
Hạn chế chất béo hòa tan: Mỡ động vật, sữa phô mai, dầu dừa, dầu cọ, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chiên rán, thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói làm tăng cholesterol máu, tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu, gây gánh nặng cho các mạch máu và tim, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Khi mạch máu bị xơ vữa, tim phải vận hành nhiều hơn để đáp ứng nguồn cung máu cho toàn cơ thể. Do đó, tình trạng bệnh ở người hở van tim sẽ trở nên nghiêm trọng.
Không carbohydrate tinh chế: Carbohydrate tinh chế bao gồm bánh mì trắng, đường và các chất tạo ngọt. Người bị hở van tim không nên sử dụng các thực phẩm này do quá trình chế biến đã loại bỏ đi những thành phần có lợi cho sức khỏe như chất xơ, khoáng chất, axit béo và các thành phần tự nhiên khác. Ngoài ra, trong quá trình chế biến, các thực phẩm này có thể bị thêm vào các thành phần không tốt như chất béo chuyển hóa và đường, gây tác động xấu đến hệ tim mạch.
Không nước ngọt, nước có gas: Nước ngọt và các nước uống có gas có chứa hàm lượng đường rất cao, khiến cân nặng dễ tăng lên nhanh chóng, làm tăng gánh nặng cho tim. Do đó, người bệnh tim mạch, bao gồm hở van tim, nên tránh tiêu thụ những thức uống không tốt cho sức khỏe này.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.