Thiếu máu cơ tim hay còn gọi bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch. Nắm được nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim và biểu hiện thiếu máu cơ tim sẽ giúp phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, giảm tối đa nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.
1. Sơ lược về bệnh thiếu máu cơ tim
Mạch vành là mạng lưới mạch máu bao quanh tim, cung cấp máu giàu oxy nuôi dưỡng tim. Thiếu máu cơ tim (còn được gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ, bệnh mạch vành tim) là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Khi không được tái tạo máu kịp thời, một vùng tim có thể bị hoại tử - còn gọi là nhồi máu cơ tim. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thiếu máu cơ tim là tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim hoặc do rung thất.
Bệnh thiếu máu cơ tim được chia thành 2 thể:
- Thể không có đau ngực:
Còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim yên lặng, hay gặp ở người bệnh đái tháo đường hoặc người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Khi mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, bệnh nhân không cảm thấy đau ngực và chỉ phát hiện bệnh khi chẩn đoán bằng điện tâm đồ. Người bệnh có nguy cơ cao biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột do không phát hiện, điều trị bệnh sớm.
- Thể có đau ngực:
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng đau ngực chỉ xuất hiện khi lao động gắng sức, xúc động mạnh hoặc dưới thời tiết quá lạnh. Về sau, bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi. Người bệnh thường bị đau ngực trái vùng trước tim, có cảm giác khó chịu, nặng ngực, bị đè ép ở vùng sau xương ức lan tới hàm, cổ, vai trái và cánh tay trái; đi kèm cảm giác lo âu, hồi hộp, khó thở, buồn nôn và nôn ói, choáng váng, vã mồ hôi,...
Tần suất các cơn đau thay đổi: vài tuần, vài tháng một lần hoặc vài lần trong ngày, thời gian đau thường kéo dài vài giây tới vài phút, không quá 5 phút. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tích cực để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bệnh thiếu máu cơ tim được chẩn đoán bằng các phương pháp như: đo điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp động mạch vành tim có bơm thuốc cản quang ,... Việc điều trị bệnh cần kết hợp giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
2. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim
Để phòng ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim hữu hiệu, cần xác định rõ nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim. Trong đó, những nguyên nhân gây bệnh thường gặp gồm:
- Xơ vữa động mạch vành:
Đây là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim phổ biến nhất chiếm hơn 90% là do sự tích tụ cholesterol và canxi trong lòng mạch vành. Theo thời gian, các mảng bám dày lên khiến lòng mạch bị hẹp, xơ cứng, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng tim. Hậu quả là cơ tim không nhận được đủ oxy và dưỡng chất cần thiết, gây ra triệu chứng là các cơn đau thắt ngực , nặng ngực hoặc khó chịu ở lồng ngực.
- Huyết khối trong lòng mạch vành:
Hầu hết các huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch vành là do mảng xơ vữa bị nứt vỡ, tạo thành các cục máu đông gây cản trở dòng máu đi qua động mạch vành tới nuôi dưỡng tim. Huyết khối chính là thủ phạm gây ra các cơn đau thắt ngực không ổn định và cơn nhồi máu cơ tim.
- Co thắt vành (bệnh vi mạch vành):
Bệnh vi mạch vành là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ và đau thắt ngực kể cả khi động mạch vành không bị tắc hẹp.
Theo nguyên nhân này, tình trạng rối loạn chức năng của nội mô (lớp lót trong của mạch máu) ở hệ vi mạch vành (gồm các mạch máu nhỏ và mao mạch) khiến các mạch máu nhỏ trong tim co thắt đột ngột thay vì phải giãn ra đúng lúc, ngăn chặn dòng chảy của máu đến cung cấp oxy cho tim, gây thiếu máu cơ tim.
3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim
Một số yếu tố nguy cơ có khả năng gây đau thắt ngực, dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim gồm:
- Thói quen hút thuốc lá: Là nguyên nhân gây xơ cứng thành động mạch , tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn tới thiếu máu cơ tim;
- Bệnh cao huyết áp: Nếu huyết áp tăng quá cao trong một thời gian dài có thể dẫn đến xơ vữa động mạch , làm tổn thương các động mạch vành, giảm lượng máu nuôi tim gây thiếu máu cơ tim;
- Bệnh tiểu đường: Có khả năng gây ra nhiều vấn đề về tim như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,...;
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể quá nặng có thể gây bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim;
- Lười vận động: Thiếu hoạt động thể chất, lười luyện tập thể thao cũng làm tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim;
- Nguyên nhân khác: Vận động gắng sức, nhiệt độ quá lạnh, tâm lý căng thẳng kéo dài, sử dụng cocain,...
4. Giải pháp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim
- Sử dụng thuốc điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật;
- Bỏ hút thuốc lá vì chất nicotin trong khói thuốc gây co thắt vành, xơ vữa mạch vành;
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì vì nếu bị thừa cân tim sẽ phải làm việc nhiều hơn, dễ dẫn đến suy tim và các bệnh lý tiềm ẩn khác;
- Có chế độ ăn uống khoa học, giảm muối và giảm cholesterol vì chúng làm tăng nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Đồng thời nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại quả hạch vì chúng chứa nhiều chất xơ hòa tan, chống oxy hóa, làm giảm tình trạng viêm;
- Giảm căng thẳng thần kinh để giảm nhu cầu oxy của cơ tim, ức chế quá trình kích hoạt các yếu tố gây viêm trong lòng mạch. Đồng thời, tâm trạng thoải mái cũng giúp mạch máu được thư giãn, giảm tình trạng co thắt vành, cải thiện tuần hoàn mạch vành;
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe để cải thiện lưu thông máu, giảm hình thành cục máu đông, giúp tăng cường chức năng tim;
- Kiểm tra các chỉ số huyết áp , cholesterol máu và đường huyết thường xuyên để kịp thời can thiệp điều trị nếu có dấu hiệu bất thường.