Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp do xơ vữa động mạch gây ra. Đau ngực trái, mệt mỏi, khó thở là những triệu chứng thường gặp của bệnh. Chữa bệnh mạch vành gồm một số phương pháp như dùng thuốc, tái thông lòng mạch, nong mạch.
1. Tổng quan về bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh động mạch vành , suy mạch vành, thiếu máu cơ tim là tình trạng tim không được cung cấp đủ máu do lòng động mạch vành dẫn máu nuôi tim bị hẹp.
Nguyên nhân gây bệnh mạch vành chủ yếu là do chứng xơ vữa động mạch làm hẹp lòng mạch, thường gặp ở người trung niên, lớn tuổi, bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, thường xuyên hút thuốc lá.
Triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành là các cơn đau thắt ngực trái, người bệnh thường mệt mỏi, khó thở, thở hụt hơi, đặc biệt là khi gắng sức. Bệnh mạch vành nếu không điều trị có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim , thậm chí có thể gây tử vong nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.
2. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành có thể được chẩn đoán bằng những phương pháp sau:
- Điện tâm đồ lúc nghỉ và lúc gắng sức
- Siêu âm tim lúc nghỉ và lúc gắng sức hoặc dobutamine
- Chụp X quang tim phổi
- Men tim
- Chụp nhấp nháy đồng vị phóng xạ có gắng sức
- Chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt (MSCT)
- Chụp động mạch vành cản quang (hay còn gọi là chụp DSA động mạch vành)
Sau khi được chẩn đoán xác định bệnh, tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng, mức độ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành bao gồm:
- Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
- Nong và đặt stent lòng mạch
- Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ và động mạch vành
- Tái thông bằng laser
2.1 Điều trị nội khoa
Mục đích của điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nội khoa là nhằm hạn chế và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, đồng thời cải thiện lượng máu đến nuôi tim. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị nội khoa là:
- Thuốc giãn mạch vành (Nitroglycerin, Nitromint, Risordan, ...): Thuốc có tác dụng làm giảm các cơn đau ngực, tăng cường máu đến tim. Thuốc được dùng khi có cơn đau hoặc trước khi gắng sức, vận động.
- Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (Aspirin, Plavix, Ticlid, ...): Thuốc có tác dụng ngăn ngừa hình thành huyết khối trong lòng động mạch vành, giảm xơ vữa mạch máu. Thuốc được dùng thường xuyên khi bệnh nhân bệnh mạch vành không bị xuất huyết tiêu hóa hoặc loét dạ dày tá tràng .
- Thuốc chẹn beta giao cảm (Atenolol, Bisoprolol, Metoprolol, ...): Thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm nhu cầu oxy của cơ tim, hạ huyết áp. Thuốc được dùng trong những trường hợp để làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, tuy nhiên cần lưu ý đối với bệnh nhân bị hen phế quản hoặc có nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút ...
2.2 Nong và đặt stent động mạch vành
Mục đích của nong và đặt stent lòng mạch là nhằm tái thông lòng mạch vành bị hẹp bằng bóng và ống kim loại (stent). Thủ thuật nong và đặt stent lòng mạch để điều trị bệnh mạch vành được thực hiện như sau:
- Chụp động mạch vành với thuốc cản quang
- Một ống thông chuyên dụng (catheter) có chứa dây cực nhỏ bên trong, đầu dây có gắn bóng, được luồn từ động mạch quay (nếu không thực hiện được từ động mạch quay có thể thay thế đường vào từ động mạch đùi) đến tim và đi vào những nhánh động mạch vành bị hẹp.
- Bóng ở đầu dây được bơm và có tác dụng nong lòng mạch để đặt stent (giá đỡ bằng kim loại) vào. Stent này sẽ giúp lòng mạch không bị hẹp.
Điều trị bệnh mạch vành bằng thủ thuật nong và đặt stent lòng mạch có những ưu điểm như:
- Không cần gây mê toàn thân , chỉ cần gây tê tại chỗ, ít xâm lấn, ít gây đau, do chỉ can thiệp qua da.
- Thời gian thực hiện thủ thuật ngắn (45 - 120 phút, tùy từng trường hợp).
- Thời gian nằm viện sau khi thực hiện thủ thuật và hồi phục nhanh.
Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp người bệnh có nhiều bệnh lý phức tạp kết hợp, không thể thực hiện phẫu thuật được. Sau khi được đặt stent bệnh nhân vẫn cần phải uống thuốc điều trị bệnh mạch vành suốt đời.
2.3 Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ và động mạch vành
Mục đích của phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - vành cũng nhằm tái thông lòng mạch vành bị hẹp, từ đó giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim.
Phẫu thuật bắc cầu nối động mạch chủ - vành để điều trị bệnh mạch vành là thực hiện nối động mạch chủ và các nhánh động mạch vành bị hẹp bằng một đoạn mạch lành khác của người bệnh. Tùy vào mức độ nặng của bệnh, bác sĩ có thể thực hiện nhiều cầu nối khác nhau để giúp lưu lượng máu đến tim được cải thiện.
Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp hẹp nhiều nhánh động mạch vành và không thể thực hiện được thủ thuật nong và đặt stent vào lòng mạch.
2.4 Tái thông lòng mạch bằng laser
Mục đích của tái thông lòng mạch với tia laser nhằm hỗ trợ làm giảm các cơn đau thắt ngực.
Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng những tia laser để tạo các kênh nhỏ xuyên qua cơ tim, làm giảm tình trạng thiếu máu cơ tim.
Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp bệnh nhân bệnh mạch vành không thể thực hiện hai phẫu thuật trên.
3. Phòng ngừa bệnh mạch vành
Bệnh nhân bệnh mạch vành cần xây dựng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển, đặc biệt là sau khi điều trị. Cụ thể:
- Dinh dưỡng: Hạn chế ăn mặn, giảm các loại thực phẩm có chứa nhiều cholesterol, chất béo. Nếu bị đái tháo đường cần giảm đồ ngọt và bột.
- Luyện tập: Vận động, tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Nếu bị thừa cân, béo phì cần phải giảm cân bằng cách tăng cường tập luyện.
- Sinh hoạt: Bỏ hút thuốc lá (nếu có) hoặc tránh hít khói thuốc lá từ người khác.
Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành gồm có dùng thuốc, nong đặt giá đỡ stent lòng mạch, phẫu thuật nối động mạch vành - chủ và tái thông bằng laser. Ngoài ra, người bệnh còn cần tuân thủ chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tiến triển hoặc tái phát.
XEM THÊM
- Bệnh mạch vành thường có mấy loại?
- Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành?
- Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành