1. Nhận biết các triệu chứng
Triệu chứng của cơn đau tim khác nhau ở mỗi người. Không phải tất cả các cơn đau tim đều bắt đầu bằng những cơn đau tức ngực đột ngột, dữ dội mà hầu hết chúng ta đã từng nghe. Trên thực tế, một số trường hợp không gây ra triệu chứng gì, đặc biệt là những trường hợp xảy ra với những người mắc bệnh tiểu đường .
Các triệu chứng có thể bắt đầu từ từ, với cảm giác đau nhẹ và khó chịu. Chúng có thể xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc đang hoạt động. Mức độ nghiêm trọng của chúng có thể phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh của bạn.
2. Dấu hiệu cảnh báo
Những dấu hiệu cảnh báo phổ biến có thể bao gồm:
- Cảm giác khó chịu ở ngực như có áp lực, căng tức hoặc đau như ép kéo dài hơn vài phút rồi biến mất và quay trở lại.
- Đau và khó chịu từ ngực đến các bộ phận khác của cơ thể như một hoặc cả hai cánh tay, lưng, cổ, bụng, răng và hàm
- Khó thở không rõ nguyên nhân, có hoặc không kèm theo khó chịu ở ngực.
Các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Đổ mồ hôi lạnh
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Lâng lâng
- Lo lắng, khó tiêu
- Mệt mỏi không giải thích được
Phụ nữ có nhiều khả năng bị các vấn đề khác như cổ, vai, lưng trên hoặc đau bụng hơn nam giới.
3. Phải làm gì khi chúng xảy ra?
Nếu bạn hoặc ai đó bị khó chịu ở ngực hoặc có các triệu chứng đau tim khác, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Mặc dù bạn có thể là tự lái xe đưa bệnh nhân đau tim đến bệnh viện, nhưng tốt hơn hết bạn nên đi xe cấp cứu. Vì nhân viên cấp cứu có thể bắt đầu điều trị trên đường đến bệnh viện. Họ là những người được đào tạo để hồi sinh tim phổi nếu trái tim của người bệnh ngừng đập.
Nếu bạn không thể tiếp cận với đội cấp cứu thì hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nếu bạn là người có các triệu chứng đau tim thì đừng tự lái xe đến bệnh viện trừ khi bạn không còn lựa chọn nào khác.
Nhiều người trì hoãn việc điều trị vì họ chỉ đang nghi ngờ mình đang bị đau tim và do họ không muốn làm phiền hoặc làm cho bạn bè và gia đình của họ lo lắng. Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn không nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu nào dù bạn chỉ đang nghi ngờ bị đau tim.
4. Phản ứng nhanh
Hành động nhanh chóng có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu được sử dụng nhanh chóng sau khi có triệu chứng, thuốc làm tan cục máu đông và mở động mạch có thể ngăn cơn đau tim. Đặt stent mạch vành có thể làm thông mạch máu bị tắc. Càng chờ đợi điều trị lâu thì cơ hội sống sót càng giảm và tổn thương tim tăng lên.
Khoảng một nửa số người chết vì đau tim có thể được cứu sống trong vòng một giờ đầu tiên sau khi các triệu chứng bắt đầu.
5. Việc cần làm trước khi nhân viên y tế đến
- Cố gắng giữ cho bệnh nhân bình tĩnh và cho họ ngồi hoặc nằm xuống.
- Nếu bệnh nhân ngừng thở, bạn hoặc người khác đủ điều kiện phải thực hiện hô hấp nhân tạo ngay lập tức. Nếu bạn không biết hô hấp nhân tạo, tổng đài cấp cứu có thể giúp bạn cho đến khi nhân viên cấp cứu đến.
Khi nhân viên cấp cứu đến nhà:
- Có thể cho dùng aspirin liều từ 150 - 300 mg dạng hấp thu nhanh nếu không có chống chỉ định.
- Có thể cho dùng nitroglycerin ngậm dưới lưỡi nếu bệnh nhân có đau ngực,
- Để bệnh nhân nằm nghỉ, tránh vận động nhiều, và
- Cần chuyển ngay đến bệnh viện nếu bệnh nhân có cơn đau ngực kéo dài trên 20 phút, huyết động không ổn định, có cơn ngất...
6. Luôn có sự chuẩn bị
Không ai biết trước cơn đau tim sẽ xảy đến lúc nào, do đó, tốt nhất là bạn nên chuẩn bị. Các bước bạn có thể thực hiện trước khi các triệu chứng bắt đầu bao gồm:
- Ghi nhớ danh sách các triệu chứng đau tim và dấu hiệu cảnh báo.
- Hãy nhớ rằng bạn cần gọi cấp cứu trong vòng 5 phút kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bắt đầu.
- Nói chuyện với gia đình và bạn bè về các dấu hiệu cảnh báo và tầm quan trọng của việc gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Biết các yếu tố nguy cơ của bạn và làm những gì bạn có thể để giảm chúng.
- Thiết lập bảng các thông tin gồm thông tin về các loại thuốc bạn đang dùng, bệnh dị ứng của bạn, số điện thoại của bác sĩ và những người cần liên hệ trong trường hợp bạn đến bệnh viện và hãy luôn giữ thông tin này trong ví của bạn.
- Sắp xếp để có người chăm sóc nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra.
Nguồn tham khảo: webmd.com