1. Các loại van tim
Có nhiều loại van tim dùng cho phẫu thuật thay van, bao gồm:
- Van tim nhân tạo cơ học: Van tim nhân tạo cơ học được làm từ kim loại, bên ngoài phủ lớp carbon hoặc titanium phủ pyrolytic carbon để hạn chế hình thành cục máu đông .
- Van tim sinh học: Van tim sinh học được sản xuất từ vật liệu tự nhiên, đó là màng ngoài tim hoặc van tim của bò và lợn đã qua xử lý.
- Van tim tự thân: Thay van tim tự thân là phương pháp sử dụng màng tim hoặc van tim của chính người bệnh để tái tạo van cần sửa chữa. Van tim tự thân có thời gian tồn tại gần như suốt đời.
- Van tim đồng loài: Van tim đồng loài là van tim của người hiến tạng, được xử lý và bảo quản đúng quy trình. Đây là loại van tim sinh học đặc biệt vì không có vật liệu nhân tạo. Ưu điểm của van tim đồng loài là có độ kháng khuẩn cao, nhìn chung tuổi thọ tốt hơn van tim sinh học nhưng kém van tim cơ học và không cần dùng thuốc chống đông. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là kích thước van không đa dạng, phụ thuộc người hiến, số lượng ít và kỹ thuật cấy ghép phức tạp hơn so với thay van tim tự thân và van tim nhân tạo .
2. Đặc điểm của van tim nhân tạo cơ học
2.1. Ưu điểm của van tim nhân tạo cơ học
- Nhờ được làm từ vật liệu nhân tạo carbon hoặc titanium chịu nhiệt nên ưu điểm lớn nhất của van tim nhân tạo cơ học là độ bền. Về lý thuyết, van tim cơ học có thể tồn tại đến suốt đời mà không ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng. Trên thực tế, so với các loại van tim còn lại thì van tim nhân tạo cơ học khoảng từ 20 đến 30 năm hoặc hơn.
- Do làm bằng các vật liệu bền nên van cơ học không bị thoái hóa theo thời gian, giá thành rẻ hơn, chỉ bằng một nửa so với giá của van tim sinh học.
2.2. Nhược điểm của van tim nhân tạo cơ học
- Ưu điểm lớn nhất của van tim nhân tạo cơ học là độ bền cao nhưng nhược điểm lớn nhất là đòi hỏi bệnh nhân phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời để phòng ngừa nguy cơ hình thành huyết khối trên van, tránh xảy ra hiện tượng kẹt van hoặc nhồi máu cơ tim .
- Sử dụng thuốc kháng đông thường đi kèm với tăng nguy cơ xuất huyết, như xuất huyết dưới da (các vết bầm tím), xuất huyết đường tiêu hóa ( xuất huyết dạ dày ), xuất huyết đường tiết niệu (tiểu ra máu) và nặng nề nhất là xuất huyết não có thể dẫn đến di chứng tàn phế hoặc tử vong cho người bệnh. Ngoài ra, thuốc kháng đông còn có nguy cơ gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Ngược lại, dùng thuốc kháng đông không đủ liều dẫn đến tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trên van cơ học, kẹt van và có thể gây tử vong nếu không được can thiệp xử lý kịp thời. Cục máu đông cũng có thể tróc ra và làm tắc nghẽn động mạch gây nhồi máu các cơ quan, nguy hiểm nhất là nhồi máu não và nhồi máu cơ tim.
- Ở bệnh nhân đã được thay van cơ học, thuốc kháng đông cũng làm phức tạp các trường hợp cần phẫu thuật ngoài tim hoặc khi khởi phát bệnh có chống chỉ định dùng kháng đông. Ví dụ như xuất huyết tiêu hóa , xuất huyết não,...
2.3. Chỉ định
Van tim nhân tạo cơ học được xem xét sử dụng cho các trường hợp:
- Bệnh nhân <60 tuổi và không có chống chỉ định với thuốc kháng đông.
- Có nguy cơ hình thành huyết khối từ trước như: Rung nhĩ, nhĩ trái giãn lớn (trên 55mm), có cục máu đông trong nhĩ, tiền sử huyết khối,... và có chỉ định dùng thuốc kháng đông suốt đời. Lúc này, việc có thêm van tim nhân tạo cơ học chỉ là một yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
- Những phụ nữ trẻ, muốn có thai cần được cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn loại van phù hợp. Thay van tim cơ học sẽ tránh được tình trạng thoái hóa van nhưng trong 3 tháng đầu và sau 36 tuần cần ngừng uống thuốc kháng đông, thay bằng thuốc kháng đông loại khác, đồng thời phải được theo dõi sát. Vì vậy, van cơ học không phù hợp với những người không có điều kiện chăm sóc y tế tốt, không thể theo dõi thường xuyên.
3. Đặc điểm của van tim sinh học
3.1. Ưu điểm của van tim sinh học
Van tim sinh học làm từ vật liệu tự nhiên đã được xử lý. Chính vì vậy, ưu điểm lớn nhất của van sinh học là không cần phải sử dụng thuốc kháng đông suốt đời. Bệnh nhân thường chỉ cần sử dụng thuốc kháng đông trong vòng khoảng 3 tháng sau phẫu thuật. Đây là thời gian cần thiết cho nội mạc hóa các vật liệu nhân tạo và không còn nguy cơ tạo huyết khối.
3.2. Nhược điểm của van tim sinh học
Do bản chất là mô van tự nhiên dị loài nên nhược điểm lớn nhất của van tim sinh học là sẽ thoái hóa dần theo thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động của van và gây tình trạng tái hẹp hoặc hở van nhân tạo. Vì vậy, tuổi thọ của van tim sinh học chỉ kéo dài từ 8 đến 15 năm, sau đó bệnh nhân thường cần phải phẫu thuật lại để thay van tim mới.
Mức độ thoái hóa van tim sinh học tùy thuộc vào tuổi của người bệnh và áp lực tác động lên van. Tuổi càng trẻ van thoái hóa càng nhanh. Ở trẻ em, 50% van sinh học sẽ bị hư sau 4 năm và sau 6 năm là 80%. Đối với người trên 60 tuổi, 5% van sinh học sẽ thoái hóa sau 5 năm, 20% sau 8 năm và sau 10 năm là 30%.
3.3. Chỉ định
Van tim sinh học được chỉ định cho các nhóm bệnh nhân sau:
- Người trên 60 tuổi thường ưu tiên chỉ định thay van tim sinh học hơn van tim nhân tạo cơ học vì ở độ tuổi này tốc độ thoái hóa của van chậm hơn so với người trẻ tuổi.
- Phụ nữ dự định sinh con trong thời gian gần, nhưng cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ rằng sự thoái hóa van tim sinh học diễn ra nhanh hơn ở người trẻ và trong lúc mang thai.
- Bệnh nhân không có khả năng theo dõi và chăm sóc ý tế tốt, nhất là trong việc dùng thuốc kháng đông máu, ví dụ như người dân tộc; người ở vùng sâu vùng xa, hải đảo; người thiểu năng trí tuệ,...
- Bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc kháng đông hoặc có các bệnh lý dễ gây chảy máu như xuất huyết não , xuất huyết dạ dày,...
- Bệnh nhân viêm nội tâm mạc nhiễm trùng được khuyến cáo sử dụng van tim đồng loài vì giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
Tóm lại, van tim sinh học và van tim cơ học thường được chỉ định để điều trị bệnh lý van tim, không đáp ứng với phương pháp nội khoa. Mỗi loại van tim đều có những ưu nhược điểm và chỉ định khác nhau. Do đó, tùy vào mục đích, hoàn cảnh và tình trạng mà mỗi người sẽ được chỉ định thay van tim phù hợp.