Bệnh tiểu đường

Insulin dạng hít – phương pháp chữa trị tiểu đường mới
Photo by Magalie De Preux on Unsplash

Insulin dạng hít – phương pháp chữa trị tiểu đường mới

 

Insulin rất quen thuộc với những bệnh nhân tiểu đường. Hiện nay trên thị trường đã có mặt một loại insulin mới, được xem như là bước đột phá trong việc điều trị và kiểm soát bệnh tiểu đường. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến quý độc giả loại insulin mới này: insulin dạng hít.

Tầm quan trọng của insulin

Phần lớn chúng ta không đánh giá đúng vai trò của insulin. Sau khi dùng bữa, tuyến tụy sẽ tự tiết ra insulin, giúp tách đường ra khỏi máu. Sau khi được tách ra, đường sẽ di chuyển đến các tế bào để có thể được chuyển hóa tức thời thành năng lượng hoặc dự trữ để sử dụng sau này.

Tuy nhiên, ở những người bị tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy sẽ không sản sinh ra insulin. Đối với những người bị tiểu đường tuýp 2, cơ thể hoặc không sản xuất đủ lượng insulin hoặc không sử dụng hiệu quả lượng insulin đó hoặc cả hai. Những người bị tiểu đường tuýp 1 cần bổ sung insulin để bù đắp cho lượng hormone thiếu hụt. Những người bị tiểu đường tuýp 2 có thể cần bổ sung insulin để giúp duy trì lượng đường trong máu ở một mức độ cho phép. Insulin không thể được hấp thụ dưới dạng thuốc viên vì chúng sẽ bị vô hiệu hóa bởi dạ dày trước khi có tác dụng. Do đó, đến thời điểm này, bệnh nhân bị tiểu đường phải bổ sung insulin dưới dạng tiêm một hoặc vài lần mỗi ngày.

Đã có những bước đột phá trong cách thức đưa insulin vào cơ thể người trong những năm gần đây. Một dạng insulin mới cho phép những người bị tiểu đường có thể hấp thụ bằng đường hít. Dù insulin dạng hít vẫn không thay thế được việc tiêm insulin trong thời gian gần nhưng nó có thể làm giảm số lượng mũi tiêm mà người bệnh phải nhận.

Insulin dạng hít là gì?

Insulin dạng hít được tẩm vào một loại bột khô đựng trong hộp thuốc nhỏ theo đơn. Người bệnh hít chất bột này qua một ống nhỏ tương tự như ống hít dùng cho những bệnh nhân bị suyễn. Lượng insulin sẽ được hấp thụ vào phổi và chuyển đến máu.

Một vài dạng khác của insulin hít đã được nghiên cứu trong những năm qua. Vào năm 2006, Exubera là insulin dạng hít đầu tiên được FDA cấp phép tiêu thụ ở Mỹ. Chưa đầy một năm sau, Pfizer, công ty sản xuất Exubera buộc phải rút loại thuốc này khỏi thị trường bởi doanh số bán thấp. Những công ty khác còn thậm chí chấm dứt sản xuất trước khi những loại thuốc này có mặt trên thị trường. Vào năm 2014, một insulin dạng hít khác được FDA cấp phép tiêu thụ là Afrezza đã được tung ra thị trường vào năm 2015.

Ích lợi và nguy cơ của insulin dạng hít

Insulin dạng hít đem lại những lợi ích nhất định song cũng ẩn chứa một vài bất lợi.

Ích lợi

Tác dụng nhanh chóng

Insulin dạng hít có tác dụng nhanh chóng. Nó có tác dụng khoảng 15 phút sau khi được dùng trước bữa ăn, tương tự như insulin tác dụng nhanh.Trong khi đó, insulin tác dụng ngắn thường mất khoảng 30 đến 60 phút mới có hiệu quả. Insulin dạng hít và insulin tác dụng nhanh đem lại hiệu quả nhanh chóng nhưng insulin tác dụng nhanh có tác dụng từ 3 đến 5 giờ trong khi insulin dạng hít bị loại bỏ khỏi cơ thể sau 2 đến 3 giờ. Việc thải loại nhanh chóng có thể giúp làm giảm nguy cơ hạ đường huyết và tăng cân.

Có hiệu quả

Ở những người bị tiểu đường tuýp 1, Afrezza giúp kiểm soát lượng đường hiệu quả tương tự như insulin dạng tiêm tác dụng nhanh. Ở những người bị tiểu đường tuýp 2, insulin dạng hít giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn nếu sử dụng cùng với những loại thuốc chữa tiểu đường.

Hạn chế một vài tác dụng phụ của insulin dạng tiêm

Insulin đôi khi có thể làm giảm lượng đường huyết tới mức gây ra chứng hạ đường huyết. Trong khi insulin dạng hít cũng có thể gây ra tác dụng phụ này nhưng do có thời gian tồn tại ngắn hơn nên sẽ ít có nguy cơ hơn. Việc sử dụng insulin dạng hít cũng giúp giảm thiểu nguy cơ tăng cân, vốn là một tác dụng phụ thường gặp khác của insulin dạng tiêm.

Nguy cơ

Tăng khẳnng bị nhiễm xeton-axit đái tháo đường

Theo thông tin về những loại thuốc được kê toa công bố bởi FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) thì Afrezza làm tăng nguy cơ bị nhiễm xeton-axit đái tháo đường (DKA). DKA xảy ra khi xeton-axit  hình thành trong máu. DKA là một biến chứng nguy hiểm. Nếu không được chữa trị, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

So với những loại insulin khác, những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1 thường dễ mắc DKA hơn khi sử dụng thuốc dạng hít. Nếu bạn có nguy cơ bị DKA, hãy thảo luận với các bác sĩ về những biến chứng có thể xảy ra trước khi sử dụng insulin dạng hít.

Tác dụng phụ

Một vài tác dụng phụ chủ yếu của inslin dạng hít liên quan đến phổi. Thực tế, trên vỏ hộp Afrezza có lưu ý về nguy cơ bị co thắt phế quản (co thắt cơ đột ngột ở phế quản gây khó thở). Vì lý do này, insulin dạng hít không được khuyến nghị sử dụng cho những người bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hay những người hút thuốc.

Một vài người sử dụng insulin dạng hít bị suy giảm chức năng phổi nhẹ. Năm 2007, một nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí y tế về tiểu đường “Diabetes Technology and Therapeutics” về tác động của insulin dạng hít lên chức năng phổi. Các nhà khoa học nghiên cứu trên những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 không bị bệnh về phổi. Họ nhận thấy rằng, so với insulin dạng tiêm và những loại thuốc uống, insulin dạng hít khiến phổi suy yếu nhẹ. Tuy nhiên, chức năng phổi không suy giảm theo thời gian.

Theo những thông tin về việc kê đơn Afrezza, điều tương tự cũng xảy ra với loại thuốc mới này. Phổi của những người sử dụng Afrezza cũng bị suy yếu nhẹ. Nhà sản xuất cho biết hiện tại chưa có đủ bằng chứng để kết luận việc ngưng sử dụng loại thuốc trên sẽ cải thiện chức năng phổi. Họ cũng khuyến nghị các bác sĩ đánh giá chức năng phổi của người bệnh liên tục.

Những tác dụng phụ khác của việc sử dụng insulin dạng hít bao gồm ho và viêm họng. Cần có những nghiên cứu dài hạn để có thể xác định được những tác dụng lâu dài của insulin dạng hít lên phổi.

Làm thế nào để quyết định có nên sử dụng insulin dạng hít hay không?

Insulin dạng hít có thể đem lại hiệu quả trong việc chữa trị tiểu đường nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn insulin dạng tiêm. Nếu sử dụng insulin dài hạn để giúp kiểm soát lượng đường huyết, bạn sẽ vẫn phải tiêm insulin vào cơ thể.

Hãy cân nhắc những ích lợi và nguy cơ của insulin dạng hít cùng với bác sĩ. Trao đổi với nhau để bạn có thể xác định xem đây có phải là phương án chữa trị phù hợp hay không.

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper