Bệnh tiểu đường

Vì sao bị ngất xỉu sau khi ăn cơm?

Một số người có thể gặp phải tình trạng ngất xỉu sau khi ăn cơm. Hiện tượng này trong y học gọi là tụt huyết áp sau ăn. Mặc dù tình trạng này có thể hồi phục sau đó nhưng nếu người bệnh ngất xỉu đột ngột thì cần thăm khám toàn diện để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm.

1. Tụt huyết áp sau ăn là gì?

Hệ tiêu hóa đòi hỏi phải tăng cường lưu lượng máu sau bữa ăn để tiêu hóa thức ăn. Điều này được đảm bảo bằng cách làm giãn hoặc mở rộng các mạch máu ở vùng bụng, cùng với sự gia tăng nhẹ huyết áp tại chỗ. Tăng huyết áp vùng bụng có thể gây tụt huyết áp sau ăn ở các phần còn lại của cơ thể. Điều này có thể phá vỡ hoạt động bình thường của cơ thể và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, biểu hiện là bệnh nhân bị ngất xỉu đột ngột .

Để ngăn chặn điều này, các mạch máu ở các bộ phận khác của cơ thể co lại hoặc thu hẹp lại sau bữa ăn, để tăng huyết áp trong đó và đảm bảo lưu lượng máu đầy đủ. Đó là lý do nhịp tim và huyết áp tăng nhẹ sau bữa ăn. Sự thay đổi kịp thời này của huyết áp cũng như sự giãn nở và co lại của các mạch máu liên quan được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh tự chủ.

Tuy nhiên, ở một số người, sự co thắt của các mạch máu trong phần còn lại của cơ thể sau bữa ăn không diễn ra hiệu quả, gây tụt huyết áp sau ăn với bệnh cảnh ngất xỉu sau khi ăn cơm . Tụt huyết áp hay huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu và tâm trương giảm xuống dưới 90-60 mm Hg.

Các dấu hiệu, triệu chứng tụt huyết áp sau ăn đó là:

  • Chóng mặt và choáng váng: Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong 30-60 phút sau bữa ăn;
  • Ngất xỉu sau khi ăn cơm ;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa, thường bị quy nhầm điều này là ngộ độc thực phẩm;
  • Đau thắt ngực hoặc đau ngực;
  • Nhìn mờ;
  • Cảm thấy lú lẫn hoặc mất phương hướng;
  • Đột quỵ nhẹ được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua .

2. Cơ chế sinh lý bệnh của tụt huyết áp sau ăn

Tụt huyết áp sau ăn có thể vì không đủ đáp ứng giao cảm với giãn mạch do giãn mạch. Giả thuyết này đã được chứng minh với tình trạng tăng nhịp tim không đủ hoặc phản ứng chậm, không đủ mức norepinephrine trong huyết tương và hoạt động thần kinh giao cảm sau bữa ăn ở những bệnh nhân có hạ huyết áp sau ăn.

Sau khi ăn một bữa ăn, nhất là nếu ăn quá nhiều, các động mạch nội tạng sẽ giãn nở lớn để cung cấp một lượng máu cần thiết cho hệ tiêu hóa. Điều này dẫn đến giảm thể tích máu tĩnh mạch hồi lưu trở lại, gây ra tăng phản xạ qua trung gian ở tim nhằm duy trì huyết áp. Theo đó, ở một bệnh nhân bị rối loạn chức năng thần kinh thực vật hoặc ở người già, sự gia tăng nhịp tim qua phản xạ và tổng sức cản hệ thống mạch máu không xảy ra. Hệ quả là làm giảm huyết áp sau ăn, nặng nề có thể gây ngất xỉu đột ngột .

Ngất xỉu đột ngột có thể xảy ra ở bệnh nhân có hạ huyết áp sau ăn

3. Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro của tụt huyết áp sau ăn

Một số nguyên nhân có thể gây tụt huyết áp sau ăn ở người bệnh là:

  • Di truyền: Trong gia đình có người bị tụt huyết áp sau ăn .
  • Lượng đường trong máu : Nếu một người đã tiêu thụ một bữa ăn nhiều carbohydrate, lượng đường trong máu đột ngột tăng đột biến và do đó insulin được biết là có thể cản trở hoạt động của hệ thống thần kinh tự chủ. Cũng vì lý do tương tự, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tụt huyết áp sau ăn cao hơn bệnh nhân không tiểu đường.
  • Huyết áp cao: Những người có huyết áp cao liên tục có nguy cơ cao mắc tụt huyết áp sau ăn . Điều này là do huyết áp cao liên tục làm cho các động mạch cứng hơn và kết quả là sự giãn nở và co thắt của các mạch máu ở các bộ phận khác nhau của cơ thể không diễn ra hiệu quả. Các cảm biến huyết áp trong hệ thống thần kinh thực vật mất đi độ nhạy của chúng, cuối cùng sẽ kích hoạt hạ áp.

Các yếu tố rủi ro khác bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất, vì tụt huyết áp sau ăn ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi so với những người trẻ hơn.
  • Bệnh tiểu đường : Như đã giải thích ở trên, bệnh tiểu đường và các tình trạng dao động lượng đường trong máu có thể kích hoạt tụt huyết áp sau ăn .
  • Bệnh Parkinson : Parkinson ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thần kinh thực vật, một trong những hậu quả có thể là tụt huyết áp sau ăn .
  • Dùng thuốc điều trị huyết áp cao: Bệnh nhân bị cao huyết áp được dùng thuốc để giảm hoặc giữ huyết áp trong tầm kiểm soát. Đôi khi, những cách này có thể rất hiệu quả và gây tụt huyết áp.
  • Chấn thương: Đột quỵ , tai nạn hoặc chấn thương khác có thể làm hỏng các dây thần kinh điều chỉnh huyết áp.
  • Các yếu tố kích thích từ chế độ ăn uống: Một số loại thực phẩm gây đau nửa đầu cũng có thể gây chóng mặt hay ngất xỉu sau khi ăn cơm , bao gồm rượu, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa, sô cô la, thực phẩm có chứa bột ngọt và thực phẩm ngâm chua.
  • Một số loại thuốc: Các thuốc có nguy cơ cao gây tụt huyết áp là thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta , thuốc được sử dụng để điều trị bệnh Parkinson, một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương.

4. Làm sao để chẩn đoán và điều trị tụt huyết áp sau ăn?

Người bệnh cần được thăm khám và thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng nhằm xác định tình trạng tụt huyết áp sau ăn cũng như loại trừ các bệnh lý khác gây ngất xỉu sau khi ăn cơm :

  • Theo dõi huyết áp cả trước và sau bữa ăn trong một khoảng thời gian để ghi lại mức độ tụt huyết áp sau ăn;
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu hoặc lượng đường trong máu thấp;
  • Điện tâm đồ để tìm các vấn đề về nhịp tim hoặc rối loạn nhịp tim;
  • Siêu âm tim để đánh giá cấu trúc và chức năng của tim.

Điện tâm đồ có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng tụt huyết áp sau ăn

Cho đến nay, không có phương pháp điều trị vĩnh viễn hoặc 100% cho tình trạng tụt huyết áp sau ăn . Ngay cả những loại thuốc được kê đơn cũng chỉ nhằm giảm thiểu tình trạng bệnh. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau giúp giảm thiểu tình trạng bệnh:

  • Tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn hằng ngày: Ngũ cốc nguyên hạt và trái cây, rau quả rất giàu chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, do đó ngăn ngừa sự tăng vọt của lượng đường trong máu sau bữa ăn, hạn chế nguy cơ tụt huyết áp hay ngất xỉu sau khi ăn cơm .
  • Chia nhỏ các bữa ăn: Sẽ tốt hơn nếu người bệnh chia các bữa ăn nhỏ hơn và thường xuyên hơn, tránh ăn quá nhiều cùng một lúc.
  • Uống nước trước bữa ăn: Uống một ly nước trong 15 phút trước một bữa ăn có thể ngăn ngừa tụt huyết áp sau đó.
  • Hoạt động nhẹ nhàng sau bữa ăn: Trong giờ sau bữa ăn, tốt nhất là nên ngồi hoặc nằm xuống để ngăn ngừa cơn chóng mặt. Nếu phải đứng lên khỏi vị trí ngồi, hãy thực hiện từ từ và không đột ngột.
  • Tránh uống rượu và thức ăn có nhiều muối, cả trước hoặc trong bữa ăn.

Tóm lại, tụt huyết áp sau ăn có nhiều biểu hiện khác nhau, từ lành tính đến rất nghiêm trọng. Các trường hợp này không thể chẩn đoán nguyên nhân chỉ dựa trên các triệu chứng. Vì vậy, điều quan trọng đối với một người thường xuyên bị ngất xỉu sau khi ăn cơm là phải thăm khám và thực hiện xét nghiệm để lựa chọn điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo: kauveryhospital.com, fyzical.com, verywellhealth.com, kauveryhospital.com

Bài viết gợi ý

Thông tin liên hệ

Hotline - 0938 237 460
336A Phan Văn Trị, Phường 11
Bình Thạnh, TPHCM

Giờ làm việc

Thứ 2 - 7:
Chiều: 16:30 - 19:30
Chủ nhật, Ngày lễ nghỉ

Phụ trách phòng khám: BSCK2 Phạm Xuân Hậu. GPHĐ: 06075/HCM-GPHĐ ngày 07/9/2018 do Sở y tế TP HCM cấp

© 2024 Phòng khám Tim mạch OCA. Designed By Medcomis & JoomShaper