1. Tổng quan về ngoại thu tâm thất
Ngoại tâm thu thất có thể gặp nhiều hơn ở bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân mắc nhiều bệnh kèm theo.
Ở bệnh nhân không có bệnh tim mạch, tỷ lệ phát hiện ngoại tâm thu thất khoảng 1% nếu ghi điện tim (ĐTĐ) 12 chuyển đạo trong 30-60 giây và tăng lên 6% nếu ghi ĐTĐ trong 2 phút.
Ở người trưởng thành ngoại tâm thu thất có thể coi là bình thường nếu thấp hơn 500 nhịp trong vòng 24h.
Ngoại tâm thu thất có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau:
- Bệnh nhân có hay không có bệnh tim cấu trúc
- Biểu hiện lâm sàng: có hay không có triệu chứng
- Hình thái trên điện tâm đồ: dạng block nhánh phải hay block nhánh trái, đơn ổ hay đa ổ...
- Có liên quan đến gắng sức hay không
- Tần suất xuất hiện
- Tiên lượng: có khả năng “ác tính” ví dụ: ngoại tâm thu thất ở bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc, ngoại tâm thu thất vô căn đến sớm dạng R/T.
Ngoại tâm thu thất vô căn phổ biến nhất bắt nguồn từ đường ra thất trái, đường ra thất phải hoặc vòng van động mạch chủ
2. Biểu hiện lâm sàng
Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng.
Triệu chứng thường gặp nhất là đánh trống ngực hay cảm giác tim bỏ nhịp
Bệnh nhân có thể có cảm giác chóng mặt, cảm giác đập mạch ở cổ hoặc thỉu mệt.
Ngoại tâm thu thất rất ít gây ra rối loạn huyết động trừ trường hợp xảy ra ở bệnh nhân có giảm nặng chức năng thất trái hoặc ngoại tâm thu thất xảy ra trên bệnh nhân có nhịp chậm.
3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ và tình trạng bệnh lý liên quan
Bệnh lý tim mạch:
- Tăng huyết áp kèm theo phì đại thất trái
- Nhồi máu cơ tim cấp
- Suy tim
- Viêm cơ tim
- Bệnh cơ tim loạn nhịp thất phải (Arrhythmogenic right ventricular cardiomyopathy)
- Bệnh cơ tim phì đại
- Bệnh tim bẩm sinh
- Nhịp nhanh thất vô căn (Idiopathic ventricular tachycardia)
Một số bệnh lý khác không liên quan đến bệnh tim mạch:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ
- Tăng áp động mạch phổi
- Bệnh nội tiết (tuyến giáp, tuyến thượng thận hoặc bất thường tuyến sinh dục) có thể liên quan đến ngoại tâm thu thất
- Sử dụng các chất kích thích và thuốc: nicotine, alcohol, caffeine, các thuốc cường giao cảm (thuốc đồng vận beta giao cảm, thuốc co mạch điều trị ngạt mũi, thuốc kháng histamine) hoặc 1 số loại thuốc phiện: cocaine, amphetamine
4. Biến chứng
Đa số các trường hợp ngoại tâm thu thất không có triệu chứng và không có biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên một số trường hợp ngoại tâm thu thất có thể là yếu tố khởi phát gây ra các rối loạn nhịp phức tạp và nguy hiểm khác.
Hiếm hơn nếu ngoại tâm thu thất xảy ra ở bệnh nhân có bệnh tim tiềm ẩn có thể dẫn đến rối loạn nhịp nguy hiểm thậm chí có thể gây ra
5. Các xét nghiệm và chẩn đoán
Điện tâm đồ ECG :
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có ngoại tâm thu thất, bạn sẽ được chỉ định làm điện tim (ECG).
ECG có thể phát hiện ngoại tâm thu thất, hình thái ngoại tâm thu, nguồn gốc hoặc phát hiện các bệnh tim tiềm ẩn (bệnh động mạch vành...)
Nếu ECG không phát hiện được ngoại tâm thu thất, bác sĩ có thể cho bạn đeo máy theo dõi ECG 24h (Holter ECG).
Nghiệm pháp gắng sức :
Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện nghiệm pháp gắng sức. Bạn sẽ được theo dõi điện tâm đồ liên tục trong suốt quá trình gắng sức (trên máy đi bộ hoặc xe đạp).
Nghiệm pháp gắng sức có thể xác định mức độ nghiêm trọng của ngoại tâm thu thất: Nếu ngoại tâm thu thất giảm hoặc mất khi gắng sức thì thường là ngoại tâm thu thất cơ năng và an toàn. Ngược lại nếu tần suất ngoại tâm thu thất nhiều hơn có thể dự báo rối loạn nhịp nguy hiểm trong tương lai. Ngoài ra nghiệm pháp gắng sức có thể còn giúp phát hiện bệnh lý động mạch vành tiềm ẩn.
Chẩn đoán hình ảnh tim mạch:
Tất cả các bệnh nhân đều được chỉ định làm siêu âm tim để đánh giá cấu trúc và chức năng tim
Một số trường hợp nếu nghi ngờ bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu hơn như chụp cắt lớp động mạch vành hay cộng hưởng từ tim
Xét nghiệm máu:
Không có xét nghiệm nào đặc hiệu trong trường hợp ngoại tâm thu. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định cho bạn các xét nghiệm sau đây tùy thuộc vào tiền sử và khám lâm sàng:
- Điện giải đồ đặc biệt là kali và magie
- Công thức máu
- Hormon tuyến giáp
- BNP hoặc Pro BNP
- Khí máu động mạch (COPD hoặc bệnh phổi mạn tính khác)
- Nồng độ Digoxin (nếu bệnh nhân đang dùng Digoxin)
6. Phương pháp điều trị và thuốc
Việc quyết định điều trị ngoại tâm thu thất phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân (có triệu chứng hay không có triệu chứng), có bệnh tim cấu trúc kèm theo hay không.
Trong trường hợp yếu tố khởi phát liên quan đến sử dụng chất kích thích thì việc thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng (Ví dụ: giảm hoặc bỏ uống rượu, cà phê, trà, dừng sử dụng các chất ma túy...)
Bệnh nhân không có triệu chứng, không có bệnh tim cấu trúc thường không cần điều trị.
Bệnh nhân không có triệu chứng nhưng có giảm chức năng thất trái thường được chỉ định uống chẹn beta giao cảm với liều thấp.
Hầu hết các bệnh nhân ngoại tâm thu thất có triệu chứng thường được chỉ định điều trị để xóa hoặc giảm các triệu chứng. Trước khi bắt đầu điều trị cần xác định và điều chỉnh các yếu tố khởi phát (sử dụng các chất kích thích, thuốc, bệnh lý tuyến giáp hay rối loạn điện giải).
Đối với hầu hết bệnh nhân có triệu chứng, khuyến cáo hàng đầu là thuốc chẹn beta giao cảm (hay ít hơn là thuốc chẹn kênh canxi không phải nhóm dihydropyridine) hoặc là dùng các thuốc chống rối loạn nhịp khác hay điều trị cắt đốt bằng sóng radio (RF).
Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân có thể được tư vấn thực hiện thăm dò điện sinh lý và điều trị RF.