1. Các kỹ thuật cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán suy tim
Có rất nhiều các nguyên nhân dẫn đến suy khác nhau như: bệnh tim thiếu máu cục bộ , bệnh tăng huyết áp, các bệnh lý ở van tim, bệnh lý cơ tim tiên phát, viêm cơ tim , bệnh cơ tim do thâm nhiễm, bệnh ở màng ngoài tim... Việc xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bác sĩ định hướng điều trị đúng đắn, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe hiệu quả, tránh tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn.
Các kỹ thuật cận lâm sàng không xâm nhập đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi suy tim. Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin về:
- Phân suất tống máu của thất trái còn được bảo tồn hay đã suy giảm;
- Cấu trúc của thất trái trên hình ảnh vẫn bình thường hay có điểm bất thường;
- Có hay không có các bất thường ở van tim, ở màng ngoài tim, thất phải... ứng với bệnh cảnh lâm sàng của người bệnh nhân hay không.
Siêu âm tim là phương tiện được sử dụng phổ biến nhất, có thể cơ bản giải đáp được các câu hỏi nêu trên. Tuy nhiên siêu âm tim có một số hạn chế nhất định trong việc chẩn đoán suy tim như: siêu âm tim phụ thuộc rất nhiều vào cửa sổ siêu âm, sử dụng giả định về hình thái của thất trái để định lượng chức năng của toàn bộ thất trái, thông tin trên siêu âm tim cung cấp về đặc tính của các mô cơ tim còn rất hạn chế.
Chụp cộng hưởng từ tim mạch (CMR - Cardiovascular Magnetic Resonance) hay có thể gọi “nôm na” là MRI tim , đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đang ngày càng được sử dụng phổ biến cho các bệnh nhân suy tim. Chụp cộng hưởng từ tim có thể cung cấp được đầy đủ các yêu cầu nêu trên trong kết quả hình ảnh của một lần khảo sát. Vì vậy phương pháp này đang là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đầy tiềm năng trong việc chẩn đoán suy tim .
2. Tính ứng dụng của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ tim trong chẩn đoán suy tim
Chụp cộng hưởng từ tim có tính chính xác và tính lặp lại cao. Các thông số đo lường trên kết quả MRI tim rất lý tưởng trong việc theo dõi diễn tiến suy tim, phân tầng nguy cơ, định hướng và đánh giá hiệu quả điều trị, góp phần giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng cho bệnh nhân.
Chụp cộng hưởng từ tim có thể cung cấp các thông tin quan trọng về bệnh lý suy tim thông qua hình ảnh như:
- Mức độ rối loạn chức năng ở một vùng cụ thể hoặc toàn bộ, tình trạng giãn và phì đại thất trái và thất phải;
- Bệnh lý căn nguyên gây ra suy tim và các thành phần có thể thay đổi được trong quá trình diễn tiến của bệnh suy tim.
Khác với siêu âm, chụp cộng hưởng từ tim có thể khảo sát được bất cứ mặt cắt nào của tim với hình ảnh gần như không bị hạn chế. Từ đó cho phép đánh giá một cách linh hoạt nhất các cấu trúc bất thường của tim và ngoài tim.
Chụp cộng hưởng từ tim có thể đánh giá được thể tích, khối cơ, chức năng của vùng và toàn bộ 2 thất với hình dạng thực mà không cần phải giả định như với kỹ thuật siêu âm tim. Phương pháp này có thể áp dụng cho mọi dạng hình thái và kích thước của tâm thất, kể cả trong tái cấu trúc thất lan rộng.
Các thông số về thể tích, khối cơ, chức năng thất trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ tim có tính chính xác và lặp lại rất cao. Với bản chất 3D, chụp MRI tim rất thích hợp trong việc khảo sát thất phải với đặc điểm hình thái phức tạp và biến thiên, khó đánh giá được trên kết quả siêu âm tim. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ có khả năng phân biệt rất tốt ranh giới giữa máu trong buồng thất và thành thất, giúp phát hiện các bất thường vận động vùng dù nhỏ và khó thấy. Đồng thời MRI tim còn có thể đánh giá được cấu trúc van, tuy nhiên về hình thái của van thì siêu âm tim lại có thể đánh giá tốt hơn.
Để phát hiện xơ hóa cũng như sẹo cơ tim trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ, chất tương phản từ (gadolinium - chelate) có thể được chỉ định sử dụng theo đường tĩnh mạch. Khi đó gadolinium sẽ tăng ở những vùng xơ hóa hoặc sẹo của cơ tim, việc thải trừ chất tương phản từ gadolinium ở những vùng này có xu hướng kéo dài bất thường so với ở vùng cơ tim bình thường do mật độ mao mạch có chức năng bình thường đã giảm.
Kỹ thuật này giúp mở rộng khả năng của chụp cộng hưởng từ tim trong chẩn đoán suy tim , giúp phân biệt suy tim do nhồi máu cơ tim hay do những nguyên nhân không liên quan đến thiếu máu cục bộ, giúp đánh giá tính sống còn của cơ tim sau nhồi máu cơ tim.
Thêm vào đó, kỹ thuật gắng sức với thuốc giãn mạch adenosine giúp bác sĩ phát hiện vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ cũng được thực hiện với chất tương phản từ gadolinium. Adenosine trong khảo sát stress tưới máu sẽ gây giãn mạch vành, tăng lưu lượng mạch vành 3 - 5 lần, từ đó giúp bác sĩ nhận biết được vùng cơ tim phân phối bởi mạch vành hẹp sẽ có tưới máu giảm, tương ứng với vùng giảm chất tương phản (hình ảnh tối màu hơn) khi so với các vùng bình thường lân cận.
Huyết khối trong tim hoàn toàn có thể xác định trên hình ảnh Early gadolinium imaging sau khi tiêm chất tương phản từ gadolinium khoảng 1 - 3 phút, huyết khối sẽ có hình ảnh tối so với hình ảnh của cơ tim và máu do bản chất không có mạch máu.
Trên thực tế lâm sàng có gần 50% suy tim có phân suất tống máu của thất trái vẫn còn bảo tồn, chụp cộng hưởng từ tim có thể đánh giá chức năng tâm trương thất trái, cho phép khảo sát định lượng chức năng tâm trương theo vùng, khảo sát được biến dạng và strain của cơ tim. Tuy nhiên kỹ thuật đánh giá chức năng tâm trương trong chụp cộng hưởng từ tim rất phức tạp và tốn thời gian, chưa được sử dụng phổ biến trong lâm sàng. Do đó siêu âm tim vẫn là phương pháp khá chuẩn trong việc khảo sát chức năng của tâm trương.
3. Tính an toàn của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ tim
Những bệnh nhân đang sử dụng các dụng cụ cấy ghép có từ tính như: máy tạo nhịp tim , máy đánh sốc ICD... không được phép chụp MRI tim trừ các loại máy có tính tương hợp MRI. Các dụng cụ sử dụng trong phẫu thuật thần kinh như clips ở các vị trí nguy cơ (như trong mắt...) vẫn là vấn đề khi muốn tiến hành chụp cộng hưởng từ tim.
Phần lớn các dụng cụ cấy ghép bằng kim loại khá an toàn trong từ trường khi chụp cộng hưởng từ tim , bao gồm phần lớn các van tim nhân tạo, stent mạch máu, stent mạch vành , dụng cụ chỉnh hình... Tuy nhiên để chắc chắn hơn về tính an toàn của dụng cụ cấy ghép bằng kim loại trong từ trường, trước khi chỉ định chụp MRI tim bác sĩ cần kiểm tra lại thông tin của nhà sản xuất các dụng cụ kim loại này.
Đối với phương pháp MRI tim có sử dụng thuốc tương phản từ cần lưu ý thuốc có thể gây xơ hóa hệ thống đối với các bệnh nhân có suy giảm chức năng thận nặng (GFR <30 ml/min/1.73 m2). Nhóm nguy cơ cao nhất đối với MRI tim có sử dụng thuốc tương phản từ là những bệnh nhân lọc thận chu kỳ. Tóm lại cần tránh chụp chụp cộng hưởng từ tim có gadolinium với các bệnh nhân có GFR <30 ml/min/1.73 m2 hoặc nếu chụp thì bệnh nhân phải được lọc thận ngay sau đó.
Như vậy bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu hơn về tính ứng dụng của cộng hưởng từ tim mạch trong chẩn đoán suy tim. Hiện nay, không nhiều đơn vị y tế đáp ứng đủ các điều kiện về bác sĩ, cơ sở vật chất để thực hiện kỹ thuật này.