1. Vì sao cao huyết áp có thể gây suy tim?
1.1. Cao huyết áp
Theo Hiệp hội Tăng huyết áp Hoa Kỳ, tăng huyết áp là tình trạng máu chảy qua các động mạch với áp lực lớn hơn so với bình thường. Tình trạng này thường diễn ra trong một thời gian dài, có thể là thường xuyên liên tục hoặc cơn tăng huyết áp kịch phát...
Bệnh cao huyết áp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả trẻ em hay người trẻ tuổi.
Nghiên cứu lâm sàng ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ người bị cao huyết áp đang dần tăng lên một cách nhanh chóng. Thống kê của Viện Tim mạch năm 1960, tỷ lệ tăng huyết áp là 1% ở người trưởng thành thì sau 30 năm tức năm 1992, con số này đã tăng lên 11%. Hiện tại theo kết quả điều tra năm 2015, tỷ lệ người bị cao huyết áp ở độ tuổi 18-69 tuổi là 18,9% , trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới. Việt Nam đang có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp thì cứ 4 người lại có 1 người bị cao huyết áp .
Cao huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát đúng cách sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não , nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch vành, suy tim ...
1.2. Suy tim, mối quan hệ giữa 2 bệnh lý huyết áp cao với suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tim bị yếu đi và không đảm bảo được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể một cách bình thường được.
Suy tim là hậu quả sau cùng của các bệnh lý tim mạch như bệnh van suy, bệnh mạch vành, bệnh về cơ tim, tim bẩm sinh và bệnh tăng huyết áp. Từ các hồ sơ bệnh án cho thấy có tới 90% nguyên nhân gây bệnh suy tim là do cao huyết áp.
Theo một nghiên cứu khác của Framingham, bệnh cao huyết áp làm tăng 50-60% nguy cơ bị suy tim sau nhiều năm mắc bệnh và nguy cơ này tăng gấp 2 lần ở nam giới, gấp 3 lần ở nữ giới.
Suy tim do tăng huyết áp là một quá trình bệnh lý diễn ra một cách thầm lặng trong một khoảng thời gian dài.
Mối quan hệ giữa bệnh tăng huyết áp với suy tim
Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Khi bị huyết áp cao đồng nghĩa với tăng áp lực của mạch máu lên thành động mạch, điều này khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để có thể thắng được sức cản trong lòng mạch. Để đáp ứng được điều này, cơ tim phải phát triển dày lên, cấu trúc tim bị thay đổi.
Những thay đổi này thường xuất hiện trong buồng bơm chính của tim trái gây nên dày thất trái, hở van 2 lá . Lúc này bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau tức khó chịu bên ngực trái, nặng vùng ngực hoặc mệt mỏi khi hoạt động gắng sức.
Khi cấu trúc của tim bị thay đổi, thành mạch dày lên kéo theo sự giảm tính đàn hồi của thành mạch máu, đồng thời tăng khả năng tích tụ các cholesterol tại động mạch vành.
Tất cả các yếu tố này gây nên sự rối loạn trong chức năng tim và rối loạn hệ thống dẫn truyền tim dẫn đến sự xuất hiện thường xuyên của các cơn đau tim, nguy cơ loạn nhịp tim , nhồi máu cơ tim và suy tim .
Tất cả những quá trình trên là lý do giải thích vì sao cao huyết áp có thể gây suy tim.
Ở những bệnh nhân bị suy tim, khả năng co bóp bơm máu đi nuôi cơ thể của tim bị giảm sút, tất cả các hoạt động sống của cơ thể gây các biểu hiện lâm sàng như: khó thở, mệt mỏi khi gắng sức, đau tức ngực, mệt mỏi chán ăn, giảm cảm giác ngon miệng, có thể phù bàn chân hoặc mắt cá chân...
2. Một số dấu hiệu cảnh báo sớm suy tim do cao huyết áp
Giai đoạn đầu của những bệnh nhân suy tim do tăng huyết áp thường không rõ ràng. Để giúp cho việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra 5 dấu hiệu sớm hỗ trợ chẩn đoán suy tim do tăng huyết áp viết tắt là FACES.
FACES là cụm từ viết tắt của những chữ tiếng anh bao gồm:
- F : Fatigue nghĩa là mệt mỏi.
- A : Activity limitation nghĩa là hạn chế vận động.
- C : Congestion ứ trệ sung huyết.
- E : Edema or ankle swelling phù hoặc sưng ở mắt cá chân.
- S : Shortness of breath khó thở.
5 Dấu hiệu FACES không dùng để chẩn đoán xác định suy tim nhưng là những dấu hiệu báo trước quan trọng của những bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ bị suy tim .