Muối là một gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình người Việt. Nó không chỉ mang lại vị đậm đà cho các món ăn mà các thành phần có trong muối đều đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể. Tuy nhiên, ăn quá nhiều muối có thể liên quan đến các vấn đề như tăng huyết áp hoặc nguy cơ ung thư dạ dày.
1. Tầm quan trọng của muối đối với cơ thể
Muối hay còn được gọi là natri clorua , là một hợp chất được cấu tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua (hai loại khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe).
Natri là loại khoáng chất có tác dụng điều chỉnh sự co cơ, chức năng thần kinh, huyết áp và lượng máu trong cơ thể. Mặt khác, clorua là chất điện giải có nhiều thứ hai trong máu, chỉ sau natri. Chất điện giải là các nguyên tử được tìm thấy trong chất lỏng của cơ thể, nó mang theo điện tích và rất cần thiết cho mọi cơ quan, từ xung thần kinh đến cân bằng chất lỏng. Tuy nhiên, nồng độ clorua thấp có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm, gọi là nhiễm toan hô hấp , trong đó, carbon dioxide tích tụ trong máu và khiến máu mang tính axit hơn.
Mặc dù hai loại khoáng chất có trong muối này đều rất quan trọng, tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mỗi cá nhân có thể có các phản ứng khác nhau đối với muối. Một số người có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn nhiều muối, trong khi những người khác có thể bị cao huyết áp hoặc đầy hơi khi tăng lượng natri. Những trường hợp gặp phải tình trạng này được coi là nhạy cảm với muối và cần phải theo dõi lượng natri tiêu thụ của họ cẩn thận hơn so với những người khác.
2. Ăn mặn liên quan thế nào tới tăng huyết áp?
Thông thường, các chất lỏng dư thừa sẽ được lọc qua thận và đưa vào bàng quang, sau đó đi ra ngoài theo đường nước tiểu. Để làm được điều này, thận phải hoạt động thẩm thấu để lọc nước ra khỏi máu. Khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy đi sự cân bằng của natri và kali, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Điều này dẫn tới nguy cơ cao bị tăng huyết áp do có nhiều chất lỏng không được lọc và gây thêm nhiều áp lực căng thẳng đến các mạch máu dẫn đến thận. Theo thời gian, sự căng thẳng này có thể dẫn tới bệnh thận và làm suy giảm chức năng thận .
Huyết áp tăng do ăn quá nhiều muối có thể gây căng thẳng cho động mạch. Để đối phó, các cơ nhỏ trong thành động mạch phải hoạt động mạnh mẽ và dày hơn trước. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến cho không gian bên trong các động mạch trở nên hẹp hơn và khiến huyết áp ngày một tăng cao. Khi huyết áp tăng cao có thể làm vỡ hoặc tắc nghẽn các động mạch, từ đó khiến cho các cơ quan của cơ thể bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến bị tổn thương nghiêm trọng.
Đối với những người đang có các vấn đề về tim mạch, khi ăn quá nhiều muối có thể gây tăng huyết áp và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Huyết áp tăng cao sẽ làm hỏng các động mạch dẫn đến tim.
Ban đầu, nó có thể làm giảm lượng máu đến tim, gây ra các triệu chứng như đau thắt ở ngực, nhất là khi bạn hoạt động mạnh. Khi đó, các tế bào trong tim cũng hoạt động kém hiệu quả hơn trước vì chúng không được nhận đủ lượng oxy và các chất dinh dưỡng. Nếu cơ thể tiếp tục được nạp quá nhiều muối, theo thời gian, những hệ lụy do tăng huyết áp có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đến mức các động mạch bị vỡ hoặc bị tắc hoàn toàn.
Ngoài ra, huyết áp cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cơn đau tim tiềm ẩn. Cách tốt nhất để ngăn chặn các cơn đau tim và giảm huyết áp hiệu quả là thực hiện chế độ ăn ít muối.
3. Một số dấu hiệu cho biết bạn đã ăn nhiều muối
Trong chế độ ăn hằng ngày, chúng ta khó có thể xác định chính xác hàm lượng muối có trong mỗi loại thực phẩm. Vì vậy, để biết được liệu cơ thể có đang dư thừa muối hay không, bạn có thể dựa trên một số dấu hiệu sau:
- Thường xuyên khát nước
- Huyết áp tăng
- Cảm giác sưng phù ở chân hoặc tay
- Bị sỏi thận do thận phải hoạt động quá sức
- Luôn cảm thấy thức ăn nhạt nhẽo, không vừa miệng
Nếu bạn đang mắc phải các tình trạng trên, tức là cơ thể đang “biểu tình” vì lượng muối vượt quá mức cần thiết. Để hạn chế được những nguy cơ về sức khỏe do dư thừa muối gây ra, bạn cần phải điều chỉnh thói quen ăn mặn của mình càng sớm càng tốt.
4. Làm thế nào để hạn chế ăn nhiều muối?
Như đã đề cập ở trên, ăn quá nhiều muối có thể gây ra các hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể. Cách tốt nhất để giảm các nguy cơ mắc bệnh tim, cao huyết áp hoặc bệnh sỏi thận là hạn chế lượng tiêu thụ muối vào cơ thể. Một ngày, chúng ta chỉ nên ăn khoảng 6g muối và không quá 5g mì chính, riêng những người có bệnh tim mạch hoặc có yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu thì lượng muối cần hạn chế hơn, không quá 5g muối trong 1 ngày , đặc biệt những người trên 45 tuổi cần hết sức lưu ý vấn đề này.
Bên cạnh đó, người lớn cũng nên tập cho trẻ thói quen ăn ít muối ngay từ đầu vì chức năng thận của chúng còn yếu, do đó khả năng thải muối của thận cũng kém hơn so với người trưởng thành. Nếu ăn quá nhiều muối sẽ khiến natri bị tích tụ dần trong cơ thể, kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ. Khi quấy bột cho trẻ, không nhất thiết phải cho thêm muối vì trong thức ăn đã có sẵn một hàm lượng muối nhất định và đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé.
Trong các bữa ăn hàng ngày, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa hàm lượng muối cao, ví dụ như mắm tôm, dưa cà muối, thịt hun khói, thịt đóng hộp, thịt sấy, cá mắm, rau quả đóng hộp hoặc các loại thức ăn đã được chế biến sẵn.
Đối với những đối tượng có tiền sử hoặc đang bị cao huyết áp thì chỉ nên nạp khoảng 3g muối mỗi ngày. Bạn cũng nên từ bỏ thói quen chấm nước mắm với các loại thực phẩm khác trong bữa ăn, nhất là những người bị suy thận hoặc suy tim ở giai đoạn nặng thì buộc phải ăn nhạt tuyệt đối.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi thực hiện chế độ ăn ít muối, bạn có thể bắt đầu với việc giảm dần lượng muối và nêm nếm thêm các gia vị khác khi nấu ăn, chẳng hạn như cho thêm các loại rau thơm hoặc gia vị chua cay để làm tăng thêm vị ngon và giảm độ mặn cho món ăn.
Bài viết tham khảo nguồn: bloodpressureuk.org, healthline.com