Teo Đường Mật Bẩm Sinh: Thời Điểm Vàng Để Điều Trị
Teo đường mật bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp ở gan và đường mật, đặc trưng bởi sự gián đoạn hoặc thiếu hụt của hệ thống đường mật ngoài gan, gây ra tắc nghẽn dòng chảy của mật. Việc chẩn đoán nhầm hoặc phát hiện muộn có thể khiến trẻ sơ sinh bỏ lỡ cơ hội phẫu thuật điều trị. Vậy thời điểm nào là tốt nhất để điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh?
1. Điều trị teo đường mật bẩm sinh
Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho bệnh teo đường mật bẩm sinh. Khi phát hiện bệnh, trẻ sơ sinh thường được điều trị bằng phẫu thuật Kasai.
Phẫu thuật Kasai: Đây là phẫu thuật tạo đường lưu thông mật từ gan bằng một phần của ruột non [theo acc.org]. Phẫu thuật này giúp thay thế các ống dẫn mật bị chặn bên ngoài gan bằng một đoạn ruột non, đóng vai trò như một ống dẫn mật mới. Thành công của phẫu thuật phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhi (tối ưu nhất là 2-3 tháng tuổi), mức độ tổn thương gan và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. Theo các tài liệu y khoa, phương pháp này có thể làm giảm triệu chứng của bệnh, đặc biệt là vàng da, cho khoảng hơn 60% bệnh nhi.
Tuy nhiên, một số trẻ sơ sinh sau phẫu thuật có thể bị tái phát các triệu chứng và gặp phải các biến chứng nặng nề do tắc nghẽn đường mật như gan to, lách to, giãn tĩnh mạch ở các cơ quan nội tạng, xơ gan, suy gan, nhiễm trùng nặng như viêm phổi, viêm tụy…
Mục đích của thủ thuật Kasai là cho phép hệ thống thoát nước của mật từ gan vào ruột được dẫn qua ống mới. Nếu phẫu thuật được thực hiện sớm (trước 3 tháng tuổi), tỷ lệ thành công có thể lên đến 80%. Ở trẻ sơ sinh có đáp ứng tốt, vàng da và các triệu chứng bất thường có thể biến mất sau vài tuần. Do đó, chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng để cứu sống trẻ.
Ghép gan: Nếu thủ thuật Kasai không thành công, ghép gan là phương pháp điều trị tiếp theo. Ghép gan cho trẻ sơ sinh bị teo đường mật bẩm sinh có tỷ lệ sống sau 10 năm lên đến hơn 90% [theo PubMed]. Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay là thiếu mảnh ghép, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh còn quá nhỏ. Ghép gan từ người thân trong gia đình (bố hoặc mẹ) là một giải pháp phù hợp trong điều kiện nguồn mảnh ghép hạn chế. Bác sĩ và gia đình cần nhanh chóng tìm được một cơ quan hiến tặng phù hợp trước khi tổn thương gan gây tử vong.
2. Thời điểm tốt nhất để điều trị teo đường mật
Về mặt lý thuyết, bác sĩ có thể điều trị bằng phẫu thuật càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện teo đường mật bẩm sinh. Tuy nhiên, phẫu thuật quá sớm có thể làm tăng nguy cơ bục miệng nối, gây chảy máu và các biến chứng khác. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên phẫu thuật cho trẻ từ 1 đến 2 tháng tuổi. Trong vòng 100 ngày tuổi, em bé vẫn có cơ hội phẫu thuật tốt. Sau 100 ngày tuổi, tình trạng ứ mật càng làm gan xơ hóa nhanh hơn, gây bất lợi cho trẻ.
Thời điểm tốt nhất để điều trị teo đường mật ở trẻ là trong vòng 100 ngày đầu đời. Muộn một ngày, trẻ mất đi 1% cơ hội thành công. Sau 100 ngày, trẻ có thể không còn cơ hội phẫu thuật mà phải chờ ghép gan. Phẫu thuật sớm và đúng thời điểm sẽ tăng hiệu quả điều trị cho trẻ sơ sinh bị teo đường mật bẩm sinh.
3. Lưu ý khi điều trị teo đường mật bẩm sinh
- Nhịn ăn và nuôi dưỡng tĩnh mạch đến khi trẻ có phân vàng hoặc xanh sau mổ. Điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày tùy thuộc vào tính chất và màu sắc của phân.
- Sử dụng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng đường mật sớm sau mổ, trong 6 tháng đầu sau mổ có thể dùng Cotrimoxazol liều dự phòng.
- Sử dụng Ursodeoxycholic (UDCA) kéo dài trong 18-24 tháng hoặc đến khi trẻ hết ứ mật với liều 15-30 mg/kg/24h.
- Bổ sung các vitamin tan trong dầu A, D, E, K hàng ngày.
- Sử dụng sữa có đạm thủy phân, chứa các acid béo chuỗi ngắn và trung bình.
Teo đường mật bẩm sinh là bệnh lý cần phẫu thuật sớm để cứu sống trẻ sơ sinh. Cha mẹ hãy lưu ý nếu trẻ bị vàng da, có phân bạc màu (như xi măng) từ tuần thứ 2-4 sau sinh, hoặc thậm chí có phân bạc màu ngay sau khi hết phân su, hãy đưa trẻ đi khám sớm.
XEM THÊM:
- Vàng da tắc mật: Nguyên nhân, triệu chứng
- Chẩn đoán và điều trị vàng da tắc mật
- Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và vàng da bệnh lý