1. Nong động mạch qua da và đặt stent
Can thiệp động mạch thận bằng cách nong mạch với đặt stent thường là thủ thuật đầu tiên được sử dụng cho những người bị hẹp động mạch thận vì có mức độ xâm lấn tối thiểu và ít tốn thời gian hồi phục hơn so với phẫu thuật thông thường.
Đặt stent và nong mạch bằng bóng qua da có thể làm tăng lưu lượng máu đến thận, giảm huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương thận vĩnh viễn.
Trong quá trình nong mạch bằng bóng qua da, bác sĩ chuyên khoa can thiệp nội mạch rạch một đường nhỏ ở đùi, dẫn một ống mềm gọi là ống thông qua động mạch đùi và vào động mạch thận bị hẹp. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm phồng một quả bóng phẫu thuật nằm ở đầu ống thông, đẩy mảng bám áp vào thành trong của động mạch để máu lưu thông tốt hơn. Thủ thuật này thường được thực hiện ngay sau khi chụp động mạch thận, được sử dụng để chẩn đoán hẹp động mạch thận .
Tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt một stent — một ống lưới kim loại — trong mạch máu để hoạt động như một “giàn giáo”. Stent giữ cho động mạch luôn giữ độ mở, tăng lưu lượng máu đến thận. Stent can thiệp nội mạch trên động mạch thận sẽ vẫn ở vị trí vĩnh viễn như đặt stent trong động mạch vành .
Trong quá trình phẫu thuật, một loạt tia X, được gọi là soi dưới màn huỳnh quang, được sử dụng để giúp bác sĩ nhìn thấy ống thông và stent bên trong động mạch. Thủ thuật thường kéo dài từ 30 đến 90 phút, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp động mạch thận .
Vì can thiệp mạch thận bằng cách nong mạch và đặt stent được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ và thuốc an thần, người bệnh có khả năng hồi phục rất nhanh. Bác sĩ sẽ xác định thời gian ở lại bệnh viện dựa trên tiền sử bệnh và sức khỏe tổng thể trong khi một số người có thể về nhà trong ngày làm thủ thuật.
Sau khi trở về nhà, người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày của mình sau hai ngày. Hầu hết các bệnh nhân sẽ được chỉ định một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như aspirin hoặc clopidogrel , để ngăn các tiểu cầu trong máu dính vào stent, gây ra cục máu đông, gây tái hẹp trong stent.
2. Phẫu thuật bắc cầu động mạch thận
Trong phẫu thuật bắc cầu động mạch thận, dòng máu sẽ được chuyển hướng, từ xung quanh chỗ tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch thận sang đoạn “mạch máu” mới. Đoạn mảnh ghép được làm từ ống tổng hợp hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể.
Tương tự các cuộc mổ lớn trong ổ bụng khác, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn và cả nếu bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào. Người bệnh sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống sau nửa đêm trước khi buổi sáng làm phẫu thuật.
Bắc cầu động mạch thận là một phẫu thuật lớn được thực hiện thông qua một vết rạch ở bụng dưới gây mê toàn thân . Trong quá trình bắc cầu động mạch thận, một đoạn mạch được tạo ra từ tĩnh mạch khỏe mạnh được lấy từ bẹn hoặc cánh tay, chân để gắn vào đoạn động mạch thận bị tắc. Một số trường hợp không tìm được đoạn mạch tự thân đúng như yêu cầu, bác sĩ sẽ chọn mảnh ghép tạo ra từ các vật liệu tổng hợp.
Tiếp theo, bác sĩ dùng chỉ khâu để đính một đầu của mảnh ghép vào động mạch thận, giữa chỗ tắc và thận. Đầu còn lại được gắn vào động mạch chủ, động mạch lớn nhất trong cơ thể, động mạch thân tạng hoặc động mạch khỏe mạnh ở bụng. Việc bắc cầu các động mạch thận bị tắc nghẽn này cho phép máu lưu thông tự do đến thận. Nói một cách khác, đoạn mạch mới sẽ được ghép ở trên và dưới khu vực tắc nghẽn trong động mạch thận, tạo ra một tuyến đường mới thay thế cho máu chảy đến thận.
Kết thúc cuộc mổ, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời gian hồi sức. Bệnh nhân có thể nằm viện từ 3 đến 5 ngày sau phẫu thuật, trở lại hoạt động bình thường sau khoảng một tháng và tái khám một hoặc hai tuần sau đó để loại bỏ các vết khâu trên da. Quá trình hồi phục có thể mất từ hai đến bốn tuần.
Sau khi trở về nhà, người bệnh nên tiếp tục dùng thuốc theo bác sĩ hướng dẫn và theo dõi sự hoạt động của mảnh ghép trong các lần tái khám định kỳ.
3. Cắt bỏ lớp nội mạc thận
So với hai hình thức can thiệp động mạch thận nêu trên, phẫu thuật cắt bỏ nội mạc thận không còn được thực hiện phổ biến. Nguyên lý của can thiệp mạch thận này là bác sĩ sẽ loại bỏ các mảng bám làm tắc nghẽn động mạch thận và hạn chế lưu lượng máu đến thận và quá trình này được thực hiện bằng cách gây mê toàn thân.
Để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ nội mạc thận, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng hoặc ở bên cạnh mạn sườn, mở động mạch thận và động mạch chủ, đồng thời loại bỏ các mảng bám. Tiếp theo, bác sĩ khâu lại động mạch và đóng vết mổ trên da.
Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc thận thường yêu cầu người bệnh ở lại bệnh viện từ 5 đến 7 ngày, sau đó có thể mất ba đến bốn tuần để phục hồi tại nhà.
Tuy nhiên, can thiệp động mạch thận bằng hình thức nêu trên chỉ áp dụng cho các trường hợp hẹp động mạch thận do xơ vữa động mạch mà không áp dụng cho các nguyên nhân khác. Đồng thời, các biện pháp hạn chế thành lập xơ vữa động mạch như kiểm soát nồng độ lipid máu , đường huyết, bỏ thuốc lá, cũng cần tuân thủ, phòng tránh hẹp động mạch thận tái phát.
Tóm lại, bên cạnh điều trị bảo tồn, các biện pháp can thiệp động mạch thận , gồm nong bóng và đặt stent, phẫu thuật bắc cầu và cắt bỏ nội mạc, sẽ giúp tái thông mạch, cải thiện chức năng thận và phòng ngừa biến chứng. Tuy nhiên, để hiệu quả của các can thiệp mạch thận được ổn định lâu dài, người bệnh vẫn cần theo dõi động mạch thận định kỳ cũng như điều trị nội khoa tối ưu, hạn chế khả năng tái hẹp trong tương lai.
Trên đây là một số phương pháp can thiệp động mạch thận . Hãy theo dõi trang web: thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.
Bài viết tham khảo: vnha.org.vn, nyulangone.org, osu.edu