1. Nhiễm trùng tim đặc trưng cho tình trạng bệnh lý nào?
Nhiễm trùng tim mạch có thể xảy ra ở bất kỳ lớp nào của tim, gây nên các tình trạng nhiễm trùng tim mạch đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Các bệnh lý này gồm:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn : Là loại nhiễm trùng tim thường gặp nhất, viêm ở lớp nội mạc lót bên trong các buồng tim và van tim, thường xảy ra ở những đối tượng đã mắc các vấn đề về van tim hay bệnh lý tim mạch .
- Viêm cơ tim: Đây là tình trạng nhiễm trùng ở lớp cơ tim hiếm gặp với tác nhân phổ biến do nhiễm virus.
- Viêm ngoại tâm mạc: Là tình trạng nhiễm trùng ở lớp màng ngoài cùng bao bọc trái tim, thường do virus gây nên. Đối tượng thường gặp nhất là nam giới từ 20-50 tuổi, có thể phục hồi sau khi điều trị các triệu chứng và nghỉ ngơi hợp lý.
2. Nhiễm trùng tim có những biểu hiện như thế nào?
Tình trạng nhiễm trùng tim , đặc biệt là viêm nội tâm mạc có thể biểu hiện rõ ràng và phát triển nhanh chóng, đe dọa tới tính mạng người bệnh (trừ các trường hợp viêm nội tâm mạc bán cấp hay mạn tính). Các triệu chứng chính của nhiễm trùng tim gồm:
- Đau ngực .
- Sốt.
- Khó thở hay thở nông.
- Tim đập nhanh , đánh trống ngực .
- Xuất hiện các đốm đỏ dưới móng tay, tím nhỏ trên da, niêm mạc mắt hay trong miệng.
3. Những đối tượng có nguy cơ mắc nhiễm trùng tim
Nguy cơ nhiễm trùng tim mạch sẽ cao hơn ở những đối tượng sau:
- Đặt van tim nhân tạo hoặc thiết bị khác trong tim (máy tạo nhịp).
- Nhiễm trùng tim ở trẻ em chủ yếu do dị tật bẩm sinh ở tim.
- Bệnh nhân lọc máu.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch , ví dụ như HIV .
- Sử dụng ma túy, chất kích thích.
- Tiền sử viêm nội tâm mạc hay nhiễm trùng tim trước đây.
4. Điều trị nhiễm trùng tim như thế nào?
Điều trị nhiễm trùng tim sẽ tùy thuộc vào tác nhân gây ra nhiễm trùng. Cụ thể:
- Kháng sinh : Được chỉ định cho các trường hợp viêm do vi khuẩn gây ra.
- Thuốc chống nấm : Dùng điều trị tình trạng viêm nhiễm do nấm.
- Thuốc chống đông máu : Dùng để điều trị các trường hợp viêm nội tâm mạc.
- Thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDs) : Có tác dụng giảm bớt phản ứng viêm.
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân cần được điều trị ngoại khoa nhằm:
- Sửa chữa các tổn thương ở van tim hay mô tim bị ảnh hưởng do viêm nội tâm mạc.
- Loại bỏ các mô nhiễm trùng, tái tạo hay thay thế van tim.
- Chọc dò màng ngoài tim để dẫn lưu nhằm điều trị tràn dịch.
Tóm lại, nhiễm trùng tim dẫn đến viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thường rất khó phòng tránh. Do đó, bạn nên cố gắng kiểm soát những yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch.