Bình thường khoang màng ngoài tim chỉ có một lớp dịch rất mỏng, giúp giảm tính ma sát, tim dễ co bóp. Nếu vì một lý do nào đó khiến dịch tích tụ quá nhiều gọi là tràn dịch màng ngoài tim. Tình trạng này rất dễ dẫn đến chèn ép tim cấp, hệ quả là gây rối loạn huyết động, từ trụy mạch, hạ huyết áp nhẹ đến choáng tim trầm trọng, tử vong nếu không xử lý kịp thời.
Biết được các biến chứng nguy hiểm của tràn dịch màng ngoài tim để có thái độ xử trí tích cực, tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cho người bệnh. Tràn dịch màng tim có thể gây ra các biến chứng như sau:
1. Khó thở
Màng ngoài tim có vai trò bảo vệ tim, giữ hình dạng cho tim và giảm ma sát khi tim co bóp. Bình thường luôn có một lớp dịch rất mỏng trong khoang này. Nếu có nhiều dịch trong khoang màng ngoài tim sẽ làm cản trở hoạt động của tim.
Một trong những biểu hiện đầu tiên khi bị tràn dịch màng ngoài tim là khó thở. Và khó thở cũng là hậu quả khi sức co bóp cơ tim suy giảm. Khó thở sẽ biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân gắng sức, làm việc nặng nhọc như mang vác vật dụng, đi lại, leo cầu thang... Nếu dịch thành lập nhanh và lượng nhiều, bệnh nhân cũng sẽ khó thở ngay cả khi nằm nghỉ.
2. Tim đập nhanh
Bình thường, mạch đập của mỗi người trung bình là 70 lần trong một phút, dao động trong khoảng 60 đến 90 lần. Đây cũng là số lần tim phải co bóp mang lượng máu cần cung cấp đến các cơ quan.
Khi màng ngoài tim chứa dịch, làm cản trở thể tích buồng tim, lượng máu mà tim tống ra trong mỗi nhát bóp sẽ giảm hơn. Để bù trừ lại, tim phải tăng số lần co bóp, tần số tim có thể lên đến 120 đến 150 lần trong một phút. Tim đập nhanh sẽ khiến cho người bệnh cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực liên tục trong lồng ngực khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, vô cùng khó chịu.
3. Tụt huyết áp
Khi buồng tim bị dịch trong khoang màng tim đè vào, lượng máu tống ra giảm sẽ làm huyết áp thấp, nặng hơn là tụt huyết áp.
Lúc này, người bệnh sẽ chịu các biến chứng của tụt huyết áp là thiếu máu tưới đến các cơ quan. Nặng nề nhất là thiếu máu lên não làm người bệnh hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, choáng váng. Thiếu máu đến thận gây suy thận, tiểu ít. Tình trạng nhẹ hơn cũng khiến bệnh nhân nhợt nhạt, tay chân lạnh, thở nhanh, mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức và phải đến bệnh viện ngay.
4. Chèn ép tim và trụy mạch
Chèn ép tim là biến chứng đáng sợ nhất của tràn dịch màng ngoài tim . Tình trạng này xảy ra khi lượng dịch thành lập với tốc độ nhanh và lượng nhiều. Lượng dịch quá lớn làm thành tim bị đè sụp, thể tích trong buồng tim giảm nặng. Máu không được bơm ra ngoài sẽ nhanh chóng dẫn đến trụy mạch và tim ngừng đập, bệnh nhân nhanh chóng tử vong.
Biện pháp cấp cứu trong các hoàn cảnh này là chọc dịch màng ngoài tim để giải áp. Tuy nhiên, nếu nguồn dịch chảy vào khoang màng ngoài tim không thể ngăn chặn được, như tràn máu màng tim do chấn thương, vỡ tim, cần phải phẫu thuật mở lồng ngực kịp thời để xử lý.
Bệnh lý tim mạch nhìn chung là một chuyên khoa phức tạp, trong đó, các can thiệp xâm lấn trên tim luôn là các kỹ thuật cao cấp, tinh vi. Thậm chí, đối với các cuộc phẫu thuật hở, quyết định cần thận trọng, kỹ lưỡng trong từng thao tác do nguy cơ cao, thời gian hậu phẫu khó khăn. Vì vậy, việc sàng lọc tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh, từ đó có chương trình điều trị phù hợp là vô cùng cần thiết
Những ưu điểm khi khám sàng lọc tim mạch tại bao gồm:
- Đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia đầu ngành, trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân, mang đến hiệu quả cao trong điều trị khám chữa bệnh;
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp;
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả;
- Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.