Tăng cholesterol máu ở người cao tuổi là tình trạng rối loạn chuyển hoá lipid. Chất mỡ trong cơ thể chủ yếu là cholesterol và triglycerid, khi có nồng độ cao trong máu sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi. Do đó việc phòng ngừa và điều trị tăng cholesterol máu là rất quan trọng.
1. Bạn biết gì về Cholesterol trong cơ thể?
Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa, một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như: trứng, sữa, não, thịt đỏ, mỡ, lòng động vật, tôm...
Khi chất acid béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng acid béo bị dư thừa thì sẽ trở thành triglycerid .
2. Tình trạng tăng cholesterol máu ở người cao tuổi
Tăng cholesterol máu ở người cao tuổi đặc trưng bởi hiện tượng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể. Khi có một trong các chất sau đây không nằm trong giới hạn bình thường thì được gọi là rối loạn tăng cholesterol máu (bình thường cholesterol máu nhỏ hơn 5,2mmol/l).
Cholesterol gồm các chất HDL-C (cholesterol có tỷ trọng cao) và LDL-C cholesterol có tỷ trọng thấp. HDL-C là loại cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ thành mạch máu. Còn chất LDL-C (cholesterol có tỷ trọng thấp) trong máu người bình thường nhỏ hơn 3,4 mmol/l là loại cholesterol xấu .
LDL-C là một trong những yếu tố làm xơ vữa thành động mạch mà hậu quả sẽ là làm hẹp lòng động mạch gây tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, thiểu năng mạch vành... Người bệnh sẽ được chẩn đoán mỡ máu cao khi các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn như sau:
- Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L
- LDL-cholesterol > 4,1 mmol/L
- Triglyceride > 2,3 mmol/L
- HDL-cholesterol <1 mmol/L
Khi triglycerid máu trên 2,3 mmol/l được gọi là triglycerid cao. Còn khi tăng cả cholesterol và triglycerid thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.
3. Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu ở người cao tuổi
Nguyên nhân phổ biến nhất trong tăng cholesterol máu ở người cao tuổi là do chế độ ăn không hợp lý như: ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng (nhất là lòng đỏ trứng), sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ, lòng động vật... trong các bữa ăn hằng ngày.
Người béo phì là đối tượng chủ yếu mắc bệnh, ngoài ra một số trường hợp do di truyền, mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường . Còn tăng triglyceride hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa...
Những người ít vận động cũng có nguy cơ tăng mỡ máu. Thông thường, hoạt động thể lực: đều đặn 30 phút/ngày giúp làm giảm cholesterol “xấu” và tăng cholesterol “tốt”.
4. Nhiều biến chứng nguy hiểm do tăng cholesterol ở người cao tuổi
Cholesterol cao là một loại bệnh không gây tử vong ngay trong thời gian ngắn, tuy nhiên, những biến chứng của nó rất nguy hiểm. Khi lượng Cholesterol trong máu quá cao rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến hẹp động mạch, máu đi qua khó khăn hơn và làm giảm lượng máu tới mô cơ thể bao gồm cả tim.
Nếu không điều trị, về lâu dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: bị mỡ đóng vào trong mạch máu tạo thành một mảng xơ vữa... dễ dẫn đến tình trạng tắc mạch máu gây đột quỵ . Đặc biệt, người có Cholesterol máu cao, tình trạng mạch máu bị bít, hẹp mạch máu nhiều hơn.
Nếu biến chứng ở não thì gây nên tai biến mạch máu não ; nếu ở ruột gây tắc mạch máu nuôi ruột dẫn đến hoại tử ruột; ở tim sẽ tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ; ở tứ chi gây tắc mạch máu chi...
Ngoài ra, tăng cholesterol máu ở người cao tuổi có thể dẫn đến các biến chứng sau: viêm tụy, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ, đau và tê chân, bệnh gan.
5. Điều trị tăng cholesterol máu ở người cao tuổi
Cách điều trị tăng cholesterol máu ở người cao tuổi hiệu quả nhất là người bệnh tự cải thiện mỡ máu cao bằng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Bệnh nhân nên kiểm tra mỡ trong máu định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Duy trì cân nặng ổn định, nếu bị thừa cân, phải tích cực giảm cân bằng chế độ ăn tiết chế và vận động. Tăng cường tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, cầu lông... Nếu đã tích cực tiết chế và vận động mà mỡ trong máu vẫn còn cao thì bệnh nhân cần phải dùng thêm thuốc hạ mỡ máu.
Thời gian dùng thuốc hạ mỡ máu có thể kéo dài vài tháng đến vài năm hoặc suốt đời, tùy thuộc vào tình trạng bệnh theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh phải uống thuốc đều đặn, không được bỏ thuốc giữa chừng.
Đối với bệnh nhân tim mạch, bệnh thận mạn tính hoặc đái tháo đường, cần phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để duy trì mỡ trong máu ở mức độ tối ưu nhằm phòng tránh đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân nên chọn một môn thể thao ưa thích phù hợp với sức khỏe để luyện tập như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, bơi, đạp xe, thể dục dưỡng sinh, yoga.
6. Dinh dưỡng có ảnh hưởng đến tăng cholesterol ở người cao tuổi không?
Chế độ ăn đóng vai trò trung tâm trong điều trị tăng cholesterol máu ở người cao tuổi nhằm ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
6.1 Nguyên tắc chung
- Giảm năng lượng dưới 1800Kcal
- Hạn chế ăn ngũ cốc
- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa đường, bánh kẹo ngọt < 20g/ngày
- Hạn chế trái cây quả ngọt
- Tăng các loại thức ăn có nhiều chất chống oxy hoá (ăn nhiều rau xanh 400 – 500 g/ngày)
- Sử dụng dầu thực vật: dầu mè, dầu đậu nành... (20g/ngày)
- Dùng nước tương, nước mắm như bình thường nếu không mắc cao huyết áp
6.2 Những thực phẩm nên ăn để phòng tránh mỡ máu cao
- Ăn nhiều rau củ quả tươi và trái cây chín loại ít ngọt (khoảng 500g mỗi ngày), với cách ăn bình thường tốt hơn là chỉ ép lấy nước uống.
- Ăn nhiều tỏi nếu có thể ăn được.
- Nên ăn cá và đậu các loại thay thế ăn thịt: mỗi tuần nên có 3 ngày ăn cá và 1 ngày ăn đậu (đậu phụ, đậu cô ve, đậu xanh, đậu đen... thay vì ăn thịt).
- Ăn thịt thì chỉ nên chọn các loại thịt nạc không lẫn mỡ, không ăn da và gân.
- Mỗi tuần chỉ nên ăn từ 1-2 quả trứng gà hoặc vịt.
- Nên dùng các loại dầu như dầu vừng, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ôliu... thay cho mỡ động vật trong các món ăn chế biến bằng cách chiên xào.
- Nên uống nhiều nước hằng ngày (từ 1,5- 2 lít).
6.3 Những thực phẩm không nên sử dụng
- Thức ăn nội tạng động vật (óc, tim, gan, thận, dạ dày của heo, bò, dồi lợn...)
- Thịt mỡ
- Sò, cua, ốc bể
- Thực phẩm chứa nguồn mỡ động vật: mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà ...
- Bơ, phômai, sô-cô-la
- Dầu dừa
- Sữa bột toàn phần (full cream milk powder).
- Gói khám sức khỏe Toàn diện
- Gói khám sức khỏe Đặc biệt
- Gói khám sức khỏe VIP
- Gói khám sức khỏe Kim cương