1. Nguyên nhân gây đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng chết đột ngột của các tế bào não do thiếu oxy, gây ra bởi sự tắc nghẽn lưu lượng máu hoặc vỡ động mạch máu não.
Những đặc điểm hay những bệnh lý đi kèm của người bệnh có thể coi là yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể được liệt kê ra sau đây:
- Tăng huyết áp : Là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Tăng huyết áp làm tăng áp lực của máu lên thành động mạch đặc biệt là động mạch máu não, tăng nguy cơ vỡ mạch. Những người có huyết áp ở mức 140/90 hoặc cao hơn cần được điều trị.
- Hút thuốc lá : Hút thuốc lá chủ động hay bị động đều làm tăng tỷ lệ đột quỵ. Nicotine trong thuốc lá làm tăng huyết áp. Ngoài ra khói thuốc cũng khiến thành mạch máu dày lên do tích tụ cholesterol dẫn đến xơ vữa động mạch – một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
- Bệnh tim : Bao gồm sự khiếm khuyết của van tim hoặc nhịp tim không đều. 1/4 trong số các ca đột quỵ ở người cao tuổi xuất phát từ các bệnh liên quan đến tim.
- Đái tháo đường : Những người mắc đái tháo đường thường đi kèm với tăng huyết áp và béo phì , đây là hai trong số những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Tổn thương não bộ trong những trường hợp tai biến ở người mắc đái tháo đường thường rất nặng.
- Cân nặng và chế độ luyện tập thể dục: Thừa cân, béo phì là một trong số các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể loại bỏ nguy cơ này bằng cách áp dụng các chế độ luyện tập thể dục hợp lý như đi bộ, chạy bộ, đạp xe,... hàng ngày.
- Thuốc: Các loại thuốc chống đông máu giúp giảm sự hình thành các cục máu đông được chỉ định trong điều trị cho những bệnh nhân bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ . Tuy nhiên chúng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết. Ngoài ra việc sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) hoặc lạm dụng thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ tai biến.
- Tuổi: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn các nhóm tuổi khác.
- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc đột quỵ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên nữ giới thường mắc đột quỵ khi đã cao tuổi, điều này làm giảm khả năng phục hồi và tăng nguy cơ tử vong.
- Yếu tố gia đình: Xu hướng sinh hoạt của gia đình có thể dẫn đến một số tình trạng bệnh giống nhau ở các thành viên như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh hồng cầu hình liềm : Gây hẹp và tắc động mạch dẫn đến giảm lượng máu cung cấp cho não gây ra đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Gặp khó khăn trong việc nói, nhai nuốt thức ăn.
- Rối loạn nhận thức.
- Hạn chế vận động thậm chí liệt một bộ phận hoặc một bên cơ thể.
- Đau đầu dữ dội, suy giảm thị lực
2. Cách phòng ngừa đột quỵ
Đột quỵ có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc lựa chọn một lối sống lành mạnh:
- Chế độ ăn: Sử dụng ít các thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể giúp giảm lượng cholesterol trong máu qua đó hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch. Ngoài ra cũng cần cân bằng lượng muối (Natri) đưa vào cơ thể hàng ngày. Hàm lượng natri cao là một trong số nguyên nhân gây tăng huyết áp. Áp dụng chế độ ăn nhiều rau, củ và trái cây là cách phòng ngừa hiệu quả các bệnh tật nói chung và đột quỵ nói riêng.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý: Tình trạng thừa cân béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ. Thường xuyên theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) để biết cân nặng của mình có ở mức bình thường hay không. Chỉ số BMI được tính theo công thức:
BMI = Cân nặng/[(Chiều cao)2]
Trong đó chiều cao tính bằng m, cân nặng tính bằng kg và chỉ số BMI không áp dụng cho phụ nữ có thai, vận động viên và người tập thể hình.
Sau đó so sánh chỉ số BMI với bảng phân loại mức độ gầy-béo dựa vào chỉ số BMI sau đây để đánh giá tình trạng cân nặng của bản thân để có phương pháp cải thiện phù hợp:
- Luyện tập thể dục , thể thao đều đặn: Điều này có thể giúp duy trì cân nặng ở mức hợp lý và giảm lượng cholesterol trong máu cũng như hỗ trợ giảm huyết áp. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trung bình mỗi người trưởng thành cần dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động như đi bộ , đạp xe, bơi lội... để duy trình sức khỏe trong khi thời gian này đối với trẻ em và thanh thiếu niên là 1 giờ/ngày.
- Không hút thuốc: Thuốc lá làm gia tăng đáng kể khả năng đột quỵ do khói thuốc có thể làm tăng huyết áp và hẹp động mạch. Nếu đang hút thuốc hãy cố gắng giảm rồi dần dần từ bỏ thói quen này trước khi chúng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đối với cơ thể.
- Hạn chế uống rượu và các chất kích thích vì chúng có thể làm tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ. Không uống quá 2 ly mỗi ngày đối với nam và 1 ly mỗi ngày đối với nữ.
Ngoài ra, một số việc khác bạn cũng nên làm để phòng ngừa đột quỵ như: Thường xuyên kiểm tra lượng tầm soát bệnh đái tháo đường và điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch...
Đột quỵ là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Dù được điều trị kịp thời đột quỵ vẫn có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe của người bệnh do đó cách hiệu quả nhất vẫn phòng ngừa, tránh để bệnh xảy ra. Một chế độ ăn lành mạnh kết hợp luyện tập thể dục hợp lý cũng như hạn chế các thói quen sinh hoạt xấu là những cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Kiểm tra, thăm khám sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Theo đó, những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não . MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống . Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu ) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\
Nguồn tham khảo: webmd.com, medicinenet.com, cdc.gov