1. Tăng áp động mạch phổi có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị hoặc loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh thì tăng áp động mạch phổi thường có diễn biến trở nặng và có nguy cơ cao gây các biến chứng nguy hiểm. Bệnh này thường tiến triển thầm lặng bởi ở giai đoạn đầu bệnh thường không có biểu hiện gì và cứ thế chuyển nặng hơn trong cơ thể. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh như:
- Tâm thất phải phì đại : Khi động mạch bị tắc nghẽn, tâm thất phải phải hoạt động nhiều hơn, để bơm máu đến phổi, nó phải phì rộng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến phì đại tâm thất phải khiến cho tâm thất phải không chịu nổi áp lực, gây nên hiện tượng suy tim , có thể gây tử vong;
- Cục máu đông gây nghẽn mạch máu: Khi bị thương, hiện tượng máu đông giúp chúng ta cầm máu. Tuy nhiên, khi áp lực động mạch phổi tăng khiến cho các cục máu đông xuất hiện trong động mạch phổi. Cục máu đông này sẽ khiến cho động mạch bị thu hẹp và tắc nghẽn, tình trạng này kéo dài càng làm cho bệnh thêm trầm trọng, có thể khiến cho người bệnh bị sốc, thậm chí là tử vong;
- Rối loạn nhịp tim: Đây là biến chứng thường gặp đối với bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi do những tổn thương trong tâm thất. Tình trạng này nếu không được điều chỉnh, nhịp tim rối loạn khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lo âu, chóng mặt và ngất xỉu, thậm chí tử vong;
- Ho ra máu : Đây là biến chứng nặng của tăng động mạch phổi. Người bệnh ho ra máu do áp lực quá lớn khiến động mạch bị vỡ, khiến máu chảy trong phổi. Biến chứng này có khả năng gây tử vong cho người bệnh.
Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh tăng áp động mạch phổi, chính vì vậy, người bệnh cần chú ý tới các dấu hiệu của bệnh để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
2. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh tăng áp động mạch phổi
Bệnh tăng áp động mạch phổi có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Trong đó:
- Tăng huyết áp thứ phát thường xảy ra với những người lớn tuổi;
- Những người trẻ tuổi thường mắc bệnh tăng áp động mạch phổi nguyên phát;
- Những người thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh tăng áp động mạch phổi do dễ mắc bệnh ngưng thở khi ngủ;
- Bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tăng áp động mạch phổi nếu gia đình có thành viên bị bệnh;
- Theo thống kê, so với nam giới thì phụ nữ trong độ tuổi mang thai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 2,5 lần;
- Những người bị HIV , dùng chất gây nghiện hoặc dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc cũng có nguy cơ cao bị tăng áp động mạch phổi;
- Do vị trí địa lý, những người sống ở vùng cao thường dễ mắc bệnh tăng áp động mạch phổi;
- Bệnh tăng áp động mạch phổi có thể xảy ra ở cả nam và nữ.
3. Điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi
Hiện bệnh tăng áp động mạch phổi chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, cần phải chẩn đoán và điều trị kịp thời để kiểm soát triệu chứng của bệnh, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và gây những biến chứng nguy hiểm.
Một số phương pháp điều trị bệnh đang được áp dụng gồm:
- Chế độ sinh hoạt phù hợp, lành mạnh: Đây là một trong những phương pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất, đồng thời nó góp phần điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi nói riêng và tăng huyết áp nói chung. Bạn nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, tránh mệt mỏi, lo lắng để hạn chế gây áp lực động mạch phổi . Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tránh sử dụng các chất kích thích; hạn chế đi du lịch vùng núi, cao nguyên;
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, giữ cho thân hình cân đối. Để giảm phù mạch máu, bạn nên hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày;
- Thuốc: bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn để điều trị tăng áp động mạch phổi như thuốc chẹn beta. Ngoài ra, còn có một số loại thuốc khác như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng đông, thuốc giãn mạch máu... Người bệnh cần thực hiện nghiêm túc theo đơn của bác sĩ đã kê, nếu xảy ra bất cứ tác dụng phụ nào cần phải báo ngay cho bác sĩ điều trị;
- Phẫu thuật: Nếu điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Hiện có 2 dạng phẫu thuật chính dành cho bệnh nhân bị tăng áp động mạch đó là thông vách liên nhĩ và cấy ghép tim- phổi:
-Thông vách liên nhĩ: Tạo khoảng mở giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái để giảm áp lực lên tâm thất;
-Cấy ghép tim- phổi: Áp dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tăng áp động mạch phổi nguyên phát. Đây là phương pháp tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ, người bệnh phải dùng thuốc bổ trợ suốt đời
Bệnh tăng áp động mạch phổi vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, để giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe đồng thời cần thực hiện các phương pháp điều trị nhằm hạn chế sự tác động của triệu chứng bệnh.