1. Vì sao cần theo dõi sau can thiệp mạch vành?
Phương pháp can thiệp mạch vành qua da là kỹ thuật đặt ống thông (sheath) vào động mạch quay cánh tay hoặc động mạch đùi (tạo đường dẫn để đưa các dụng cụ vào động mạch vành . Sau đó, bác sĩ sử dụng bóng nong và một stent (giá đỡ) bằng kim loại (có phủ thuốc hoặc không), đặt vào chỗ hẹp mạch vành. Sau khi đặt stent, bệnh nhân sẽ cảm thấy giảm đau ngực, dễ chịu hơn và tăng khả năng gắng sức hơn so với trước. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ giảm nguy cơ gặp các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và tử vong.
Tuy nhiên, tái thông lòng mạch không phải là giải pháp có thể giải quyết được toàn bộ vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân đang gặp phải. Sau một năm tái thông mạch, vẫn có trường hợp bệnh nhân bị đau ngực hoặc cần can thiệp lại. Do đó, việc theo dõi bệnh nhân sau can thiệp mạch vành là không thể thiếu.
XEM THÊM: Tái hẹp sau nong mạch và đặt stent
Ngoài ra, vì có nhiều tiến bộ mới trong các kỹ thuật điều trị, cùng với nhiều biến chứng sau can thiệp mạch vành có thể xuất hiện. Vì vậy, cần theo dõi và chăm sóc các bệnh nhân sau khi thực hiện can thiệp mạch vành.
2. Theo dõi bệnh nhân sau can thiệp mạch vành như thế nào?
Sau khi thực hiện can thiệp mạch vành , cần thực hiện theo dõi bệnh nhân để nhận biết được các biến chứng hoặc nguy hiểm xảy ra.
2.1 Rút sheath (ống thông)
- Đường vào động mạch quay cánh tay: Sheath được rút ngay sau khi kết thúc thủ thuật và bác sĩ thực hiện băng ép bằng băng cố định. Tiếp theo, nới băng ép sau 2 giờ, tháo băng ép sau 4 - 6 giờ nếu không có tình trạng chảy máu;
- Đường vào động mạch đùi: Nếu sử dụng dụng cụ đóng mạch chuyên dụng thì có thể rút sheath ngay sau khi kết thúc thủ thuật. Trường hợp cầm máu bằng cách ép thủ công thì khâu cố định sheath động mạch đùi, lưu giữ trong vòng 3 giờ sau thủ thuật. Lý tưởng nhất chính là thử ACT trước khi rút sheath. Nếu ACT < 160 giây thì rút sheath. Sau khi rút sheath, thực hiện ép cầm máu bằng tay.
2.2 Chăm sóc bệnh nhân sau rút sheath
- Trong thời gian bệnh nhân nằm tại giường, nhân viên y tế cần theo dõi bệnh nhân sau can thiệp mạch vành mỗi 30 phút/lần. Cần kiểm tra các thông số sau:
- Kiểm tra mạch, huyết áp , các biểu hiện của tình trạng sốc giảm thể tích ;
- Kiểm tra vùng đùi bên chọc để phát hiện nếu có chảy máu hoặc hình thành khối máu tụ;
- Kiểm tra mạch máu chân, màu sắc, nhiệt độ da của chân bên chọc mạch, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu máu chi;
- Nhân viên y tế cần hướng dẫn cho bệnh nhân những việc sau:
- Nằm tại giường trong vòng 6 giờ đầu sau can thiệp, giữ thẳng chân được can thiệp trong vòng 2 giờ đầu;
- Ấn giữ vùng vết chọc mạch khi ho, hắt hơi;
- Gọi cho nhân viên y tế nếu phát hiện chảy máu tái phát;
- Báo cho nhân viên y tế nếu cảm thấy đau nhiều ở vùng được can thiệp;
- Uống thêm nước để phòng ngừa nguy cơ tụt huyết áp và bệnh thận do dùng thuốc cản quang .
3. Trường hợp nào cần tái khám/ dấu hiệu nào là nguy hiểm?
Sau khi xuất viện, người bệnh được kê thuốc để tiếp tục điều trị. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt được lợi ích điều trị. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hoặc đổi thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ;
Sau mỗi 3 - 6 tháng nên tái khám tim mạch hoặc khi có những biểu hiện bất thường như khó thở, đau ngực tăng lên, choáng váng, buồn nôn, đại tiện phân đen, xuất huyết dưới da,... Khi đó, người bệnh cần được xét nghiệm kiểm tra chức năng tim mạch, chức năng đông máu, lượng tiểu cầu,...;
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, có chế độ tập luyện theo tư vấn của bác sĩ; không hút thuốc , không uống rượu bia, ăn uống khoa học và lành mạnh. Ngoài ra, người bệnh cần phối hợp điều trị giữa các chuyên khoa, chú trọng tới các rối loạn đường máu, rối loạn lipid máu để giảm nguy cơ tái hẹp mạch vành.
XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật bệnh mạch vành để tránh tái hẹp mạch vành
Theo dõi bệnh nhân sau can thiệp mạch vành đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các biến chứng, giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Tình trạng tái hẹp mạch vành có thể xảy ra sau khi thực hiện can thiệp mạch vành. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, sau khi thực hiện can thiệp mạch vành người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ định, đồng thời chú ý chăm sóc sức khỏe, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, tái khám đúng hẹn để phòng ngừa các biến chứng sau can thiệp mạch vành có thể xảy ra.
Trung tâm Tim mạch - đang áp dụng hiệu quả và an toàn kỹ thuật chụp mạch vành, bóng nong mạch vành , can thiệp nong và đặt stent động mạch vành. Theo đó, sau quá trình can thiệp mạch vành, người bệnh còn được theo dõi, quản lý và được tư vấn chuyên sâu về cách chăm sóc, quản lý, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp để phục hồi sức khỏe nhanh chóng.