Thiếu máu cơ tim yên lặng là căn bệnh nguy hiểm vì bệnh tiến triển âm thầm, làm tăng nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim. Do vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim thiếu máu sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường của bệnh.
1. Thiếu máu cơ tim yên lặng là gì?
Thiếu máu cơ tim yên lặng (thiếu máu cơ tim thầm lặng) là tình trạng cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy để nuôi dưỡng nhưng không có triệu chứng điển hình là đau thắt ngực hay các triệu chứng tương đương như khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn,... Cơn đau tim do thiếu máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị co thắt, tắc hẹp hoặc nứt vỡ mảng xơ vữa làm xuất hiện cục máu đông gây gián đoạn dòng máu lưu thông qua động mạch vành.
Những người bị thiếu máu cơ tim yên lặng thường có khả năng chịu đau cao hơn và dung nạp với kích thích đau tốt hơn so với người bình thường. Cũng có thể do bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền kèm theo (như đái tháo đường có biến chứng thần kinh) nên làm biến thể cơn đau, làm bệnh nhân khó nhận biết và đến khám. Vì vậy, người bệnh thường khó phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để điều trị kịp thời, hiệu quả.
Thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim , nhồi máu cơ tim và suy tim , dễ gây tử vong. Thiếu máu cơ tim thầm lặng nguy hiểm hơn thiếu máu cơ tim có triệu chứng vì bệnh khó phát hiện. Đây cũng là lý do giải thích vì sao nguy cơ tử vong ở người bị thiếu máu cơ tim yên lặng cao gấp 3 lần so với người bị thiếu máu cơ tim thông thường. Trong trường hợp bệnh nhân may mắn sống sót cũng có thể để lại nhiều di chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng sống sau này.
2. Đối tượng dễ mắc thiếu máu cơ tim yên lặng
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc thiếu máu cơ tim yên lặng gồm:
- Bệnh nhân đau thắt ngực ổn định mạn tính và người có tiền sử bệnh không ổn định;
- Mắc bệnh động mạch vành nặng: Xơ vữa, vôi hóa, nứt vỡ hoặc co thắt đột ngột;
- Bị bệnh đái tháo đường: Khi lượng đường trong máu tăng cao, các dây thần kinh bị tổn thương làm cho các dấu hiệu cảnh báo thiếu máu cơ tim trở nên mờ nhạt hơn, khiến bệnh nhân khó phát hiện sớm;
- Người lớn tuổi;
- Người có ngưỡng chịu đau cao;
- Thường xuyên hút thuốc lá, ít tập thể dục, thừa cân;
- Phụ nữ tiền mãn kinh;
- Bị tăng huyết áp lâu năm;
- Có tiền sử nhồi máu cơ tim;
- Người đã từng phẫu thuật mạch vành.
3. Dấu hiệu nhận biết thiếu máu cơ tim yên lặng
Bệnh thiếu máu cơ tim yên lặng dễ dàng nhận thấy trên điện tâm đồ hoặc siêu âm tim. Tuy nhiên, rất khó để người bệnh nhận ra mình đang mắc bệnh vì bệnh không có triệu chứng điển hình là các cơn đau thắt ngực. Dù vậy, bệnh vẫn có một số dấu hiệu cảnh báo mờ nhạt mà người bệnh cần đặc biệt chú ý như:
- Cơ thể đột nhiên yếu đi, mệt mỏi, uể oải, kiệt sức;
- Có cảm giác khó chịu ở ngực, ngực cảm thấy như có vật nặng đè ép trong vài phút, có thể biến mất hoàn toàn hoặc tái diễn nhiều lần;
- Có cảm giác khó chịu ở các vùng trên của cơ thể: Đau một hoặc cả 2 cánh tay, đau lưng, hàm hoặc cổ;
- Khó thở;
- Ợ nóng, khó tiêu, buồn đi cầu nhưng không đi được;
- Buồn nôn, chóng mặt, choáng váng, đổ mồ hôi lạnh vùng đầu - cổ.
Khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh nên đi bệnh viện kiểm tra sớm để có thể phát hiện kịp thời nếu không may mắc bệnh và có biện pháp can thiệp điều trị sớm.
4. Chẩn đoán thiếu máu cơ tim yên lặng
Thực hiện chẩn đoán thiếu máu cơ tim thầm lặng bằng một trong các phương pháp sau theo chỉ định của bác sĩ:
- Điện tâm đồ di động;
- Chụp cắt lớp vi tính hệ động mạch vành;
- Điện tâm đồ gắng sức;
- Xạ hình tưới máu tim;
- Siêu âm tim gắng sức ;
- Theo dõi ECG lưu động.
5. Điều trị thiếu máu cơ tim yên lặng
- Tất cả bệnh nhân thiếu máu cơ tim yên lặng có tiền sử bệnh tim mạch cần được dự phòng thứ phát thích hợp: Kháng tiểu cầu bằng Aspirin, kiểm soát cao huyết áp và đái tháo đường nếu có,...;
- Thay đổi lối sống: Ngừng hút thuốc lá, áp dụng một chế độ ăn uống đặc biệt, tăng cường tập luyện thể dục thể thao và giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì;
- Sử dụng thuốc Chẹn beta, chẹn kênh calci, nitrates,... hay kết hợp các loại thuốc này theo chỉ định của bác sĩ;
- Tái tưới máu mạch vành trong một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ.
6. Biện pháp phòng ngừa biến chứng thiếu máu cơ tim yên lặng
Để giảm nguy cơ biến chứng do thiếu máu cơ tim, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, kết hợp điều chỉnh lối sống theo hướng khoa học, lành mạnh. Một số lưu ý quan trọng gồm:
- Tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ: Bệnh nhân phải uống đúng, đủ các loại thuốc theo đơn của bác sĩ và định kỳ kiểm tra sức khỏe nhằm theo dõi tiến triển của bệnh;
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Tránh ăn mỡ, da, nội tạng động vật, thịt đỏ (lợn, bò, dê), lòng đỏ trứng, đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng gói, đồ ngọt,... Thay vào đó, nên tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, quả tươi, cá, thịt gia cầm, đạm thực vật,... Bên cạnh đó, bệnh nhân thiếu máu cơ tim nên ăn nhạt, hạn chế thực phẩm nhiều muối như dưa cà muối, cá hộp, thịt hộp,... và tránh khói thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, cà phê,...;
- Tăng cường rèn luyện sức khỏe : Tập luyện thể dục đều đặn giúp tăng lưu thông máu, phát triển các mạch máu mới đi tới nuôi dưỡng tế bào cơ tim. Bệnh nhân thiếu máu cơ tim nên đi bộ 30 - 60 phút/ngày, ban đầu tập nhẹ nhàng, sau tăng dần tốc độ và quãng đường di chuyển. Nếu bị thiếu máu cơ tim nhẹ, người bệnh có thể chọn các môn thể thao cần nhiều sức hơn như bơi lội, đạp xe, cầu lông, bóng bàn,...
Bệnh thiếu máu cơ tim yên lặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gây di chứng suốt đời hoặc dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và can thiệp điều trị kịp thời. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả trị bệnh, giảm nguy cơ biến chứng.
hiện có Gói Sàng lọc tim mạch - Khám cơ bản tim mạch , giúp khách hàng phát hiện sớm những bệnh lý tim mạch cơ bản, từ đó có phương án điều trị kịp thời. Đối tượng sử dụng gói khám không phân biệt độ tuổi, giới tính.
- Thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
- Được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình, quy trình khám hợp lý, thuận tiện.
- Cơ sở vật chất toàn diện, bao gồm hệ thống các phòng khám và tư vấn, phòng lấy máu xét nghiệm, phòng ăn, khu chờ dành cho khách hàng...
- Đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo.