Hội chứng mạch vành cấp có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Song song với chẩn đoán hình ảnh, các xét nghiệm hoá sinh đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi điều trị.
1. Tổng quan về hội chứng mạch vành cấp
Hội chứng mạch vành cấp là tập hợp các triệu chứng lâm sàng gây ra bởi tình trạng thiếu máu cơ tim cấp. Hội chứng mạch vành cấp bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên trên điện tâm đồ (ECG).
- Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên trên điện tâm đồ.
- Đau thắt ngực không ổn định .
Những nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến hội chứng mạch vành cấp gồm:
- Vỡ mảng xơ vữa động mạch với thuyên tắc cấp tính.
- Tắc nghẽn cơ học.
- Viêm nhiễm.
- Co thắt mạch vành.
2. Các xét nghiệm sinh hóa trong hội chứng mạch vành cấp
Các xét nghiệm hoá sinh dựa trên cơ sở xác định hàm lượng các chất có trong tế bào cơ tim được phóng thích ra khi bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Các xét nghiệm sinh hoá phải được làm càng sớm càng tốt và phải nhắc lại định kỳ để theo dõi tiến triển cũng như mức độ lan rộng của ổ hoại tử.
Trong hội chứng mạch vành cấp , biến đổi trên ECG xuất hiện sớm hơn các enzym nhưng có những vị trí mà ECG không phát hiện được. Vì vậy vai trò của các xét nghiệm sinh hoá là không thể thay thế. Các xét nghiệm sinh hóa bao gồm:
2.1. Các xét nghiệm enzym
AST:
- Xét nghiệm hoá sinh AST có giá trị bình thường: 10-30 U/L.
- Trong nhồi máu cơ tim có thể tăng đến 300-500 U/L.
- AST tăng bắt đầu từ 10h sau nhồi máu cơ tim, đạt đỉnh sau 36h và trở về bình thường sau 72h. Vì vậy, AST có giá trị trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim muộn và nhồi máu cơ tim tái phát.
- AST còn có ở gan, cơ xương nên độ nhạy và độ đặc hiệu không cao.
LDH:
- LDH có 5 dạng isozym được đánh số từ 1 đến 5, trong đó LDH1 là dạng isozym tim.
- Giá trị bình thường: 230-460 U/L.
- LDH bắt đầu tăng từ 20h sau nhồi máu, đạt đỉnh sau 72h và trở về bình thường sau hơn 1 tuần.
- LDH thường dùng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim muộn, hoặc chẩn đoán hồi cứu và theo dõi hồi phục.
CK-MB:
- CK-MB là 1 trong 3 dạng isozym của CK (creatine kinase), có nhiều ở tế bào cơ tim .
- Giá trị bình thường: <25 U/L.
- CK-MB tăng sớm sau 3h khởi phát nhồi máu và trở về bình thường sau 2-3 ngày.
- CK-MB là xét nghiệm sinh hoá hữu ích trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim tái phát và sự lan rộng của nhồi máu cơ tim.
HBDH:
- HBDH là enzym có nhiều nhất ở cơ tim.
- Giá trị bình thường: 80-220 U/L.
- HBDH giữ mức tăng cao trong 3 tuần sau cơn đau thắt ngực, nên có tác dụng truy đoán.
- Tỉ số HBDH/LDH > 0.8 khi có tổn thương cơ tim.
2.2. Các xét nghiệm protein, peptid
Myoglobin:
- Myoglobin là protein có trong tế bào cơ vân, được phóng thích vào máu rất sớm ngay sau khi cơ tim bị tổn thương.
- Xét nghiệm Myoglobin có giá trị bình thường: < 70-110 μg/L.
- Myoglobin bắt đầu tăng từ 2h-4h sau nhồi máu. Vì vậy, đây là dấu chỉ sớm và nhạy nhất trong những giờ đầu của hội chứng mạch vành cấp .
Troponin I:
- Chỉ có trong cơ tim người, rất nhạy với các tổn thương cơ tim dù là nhỏ nhất.
- Giá trị bình thường: <0.01 ng/mL.
- Troponin I bắt đầu tăng từ 3h-6h sau nhồi máu, đạt đỉnh từ 14h-20h và trở về bình thường sau 5-10 ngày.
- Nồng độ troponin I tăng cao đồng nghĩa với tăng nguy cơ tử vong của người mắc hội chứng mạch vành cấp tính .
Troponin T:
- Troponin T ở cơ tim có chuỗi axit amin bậc nhất mang tính đặc hiệu của tim.
- Giá trị bình thường: <0.1 ng/mL
- Troponin T bắt đầu tăng từ 3h-4h sau nhồi máu, đạt đỉnh từ 10h-24h và trở về bình thường sau 10-14 ngày.
- Troponin T cũng tăng trong bệnh thiếu máu cơ tim cấp và có thể dương tính giả trên những bệnh nhân có bệnh thận mạn.
Tóm lại, hội chứng mạch vành cấp có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh như: Đau ngực , đầy bụng, khó thở , đột ngột vã mồ hôi... người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và theo dõi điều trị.