Xơ cứng động mạch và xơ vữa động mạch đôi khi thường được dùng cho cùng một nghĩa, nhưng thực tế có sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này. Để hiểu rõ hơn, độc giả có thể tham khảo qua bài viết sau đây.
1. Định nghĩa về xơ cứng động mạch và xơ vữa động mạch là gì?
Động mạch là các mạch máu cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng từ tim đến phần các cơ quan còn lại của cơ thể. Xơ cứng động mạch là tình trạng mạch máu trở nên dày và cứng – đôi khi hạn chế lưu lượng máu đến các cơ quan và mô của cơ thể. Hệ thống động mạch về cơ bản sẽ có độ đàn hồi và căng dãn tốt, nhưng theo thời gian các cấu trúc trong động mạch trở nên cứng hơn, tình trạng này thường được gọi chung là xơ cứng động mạch.
Xơ vữa động mạch là một dạng đặc biệt của xơ cứng động mạch. Xơ vữa động mạch là sự tích tụ của chất béo, cholesterol và các chất khác lên thành động mạch. Quá trình tích tụ sẽ tạo nên mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa bám trên thành động mạch có thể làm hẹp thành động mạch, cản trở lưu lượng máu. Mảng xơ vữa cũng có thể bị bong ra, tạo thành cục máu đông
Mặc dù, xơ vữa động mạch thường được coi là một vấn đề về tim, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể bạn. Xơ vữa động mạch có thể điều trị được. Thói quen sống lành mạnh và tích cực có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
2. Triệu chứng
Xơ vữa động mạch mức độ nhẹ thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Xơ vữa động mạch thường sẽ không gây triệu chứng cho đến khi động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn đến mức nó không thể cung cấp đủ máu cho các cơ quan và mô. Đôi khi cục máu đông làm tắc hoàn toàn dòng chảy của máu, hoặc thậm chí vỡ ra và có thể gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
Các triệu chứng của xơ vữa động mạch trung bình đến nặng phụ thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng. Ví dụ:
- Trong trường hợp mảng xơ vữa xuất hiện tại động mạch vành (động mạch tim), bạn có thể có các triệu chứng đau ngực hoặc tức ngực (đau thắt ngực)
- Trong trường hợp mảng xơ vữa xuất hiện tại động mạch cung cấp máu nuôi lên não (động mạch cảnh hoặc động mạch đốt sống thân nền), bạn có thể có dấu hiệu và triệu chứng như đột ngột xuất hiện tê hoặc yếu tay hoặc chân, nói khó, nói lắp, mất thị giác tạm thời một bên mắt hoặc mất cử động các cơ trên mặt (mặt chảy xệ). Những dấu hiệu này báo hiệu một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) . Nếu không được điều trị, có thể tiến triển thành đột quỵ.
- Trong trường hợp xơ vữa động mạch tại động mạch ở tay và chân, bạn có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi, chẳng hạn như đau chân khi đi bộ (đau cách hồi) hoặc giảm huyết áp ở chi bị ảnh hưởng.
- Trong trường hợp mảng xơ vữa tại động mạch thận có thể dẫn đến cao huyết áp hoặc suy thận
Nếu trong trường hợp bạn nghĩ mình có các bệnh liên quan đến mảng xơ vữa thì nên được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa. Bạn cũng nên để ý đến các triệu chứng do hậu quả thiếu cung cấp máu nuôi mới xuất hiện như: đau ngực, đau chân hoặc tê.
Một chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm ngừng các tiến triển xấu hơn của mảng xơ vữa và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc những tình trạng cấp cứu khác.
3. Các nguyên nhân
Xơ vữa động mạch là một quá trình bệnh tiến triển chậm, có thể bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ. Mặc dù, nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ, nhưng mảng xơ vữa động mạch có thể xuất hiện do sự phá hủy hoặc do tổn thương lớp tế bào bên trong của động mạch. Sự phá hủy có thể gây ra bởi:
- Cao huyết áp
- Nồng độ cholesterol cao
- Nồng độ triglyceride cao, một dạng của chất béo (lipid) trong máu
- Hút thuốc và các nguồn khác từ thuốc lá
- Đề kháng insulin, béo phì hoặc đái tháo đường
- Nhiễm trùng không rõ nguyên nhân hoặc từ bệnh viêm khớp , lupus, bệnh vảy nến hoặc bệnh lý nhiễm trùng đường ruột.
Một khi lớp áo trong của thành động mạch bị tổn thương, các tế bào máu và các chất khác thường tụ lại tại vị trí tổn thương và tích tụ trong lớp áo trong của động mạch. Theo thời gian, chất béo tích tụ (mảng xơ vữa) được tạo thành từ cholesterol và các sản phẩm tế bào khác cũng tích tụ tại vị trí chấn thương trở nên cứng chắc, làm cho lòng mạch bị thu hẹp lại. Khi đó, các cơ quan và mô được nuôi bởi động mạch bị tắc nghẽn không nhận đủ máu để hoạt động bình thường. Cuối cùng, các mảng chất béo tích tụ có thể vỡ ra và đi vào máu.
Ngoài ra, lớp lót ngoài cùng của mảng xơ vữa có thể bị vỡ, làm phóng thích cholesterol và các chất khác đi vào máu. Điều này có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, có khả năng ngăn cản máu nuôi đến một bộ phận của cơ thể, chẳng hạn như xảy ra khi dòng máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn gây ra nhồi máu cơ tim. Cục máu đông cũng có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể bạn, chặn dòng máu nuôi đến một cơ quan khác.
4. Yếu tố nguy cơ
Quá trình xơ cứng động mạch xảy ra theo thời gian. Bên cạnh quá trình lão hóa, các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gồm:
- Cao huyết áp
- Nồng độ cholesterol cao
- Nồng độ CRP tăng cao, một marker viêm nhiễm
- Đái tháo đường
- Béo phì
- Ngưng thở khi ngủ
- Hút thuốc và sử dụng các dạng thuốc lá khác
- Gia đình có tiền sử bệnh lý tim mạch sớm
- Không tập thể dục
- Chế độ ăn không lành mạnh
5. Biến chứng
Các biến chứng của xơ vữa động mạch phụ thuộc vào động mạch nào bị tắc nghẽn. Ví dụ:
- Động mạch vành: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim cấp hoặc suy tim
- Động mạch cảnh: TIA (cơn thoáng thiếu máu não) hoặc đột quỵ
- Bệnh lý mạch máu ngoại biên: kém nhạy cảm với nhiệt và lạnh, làm tăng nguy cơ bị bỏng hoặc tê cóng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tuần hoàn kém ở tay hoặc chân của bạn có thể gây chết mô (hoại thư)
- Phình mạch: một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bạn. Phình mạch là một chỗ phình ra trong thành động mạch của bạn. Triệu chứng nguy hiểm nếu bệnh nhân có đau và đau nhói theo nhịp đập tại các vị trí phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ, bệnh nhân có thể phải đối mặt với tình trạng xuất huyết nội, đe dọa tính mạng. Mặc dù đây thường là một biến chứng đột ngột, thảm khốc, nhưng vẫn có thể xuất hiện mất máu rỉ rả. Nếu cục máu đông trong túi phình vỡ ra, nó có thể làm tắc đầu xa động mạch.
- Bệnh lý thận mạn tính: ngăn cản máu nuôi đến thận. Theo thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, khiến chất thải không thể thải ra khỏi cơ thể.
6. Cách ngăn ngừa
Một số cách phòng ngừa xơ vữa động mạch như sau:
- Bỏ thuốc lá
- Ăn những thực phẩm tốt, an toàn
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Kiểm tra và duy trì huyết áp ổn định
- Kiểm tra và duy trì nồng độ cholesterol, đường huyết ổn định
Chỉ cần nhớ thực hiện thay đổi từng bước một và ghi nhớ những thay đổi lối sống nào có thể đi cùng với bạn dài lâu.
- Đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm : y bác sĩ có trình độ từ Thạc sĩ đến Giáo sư, Tiến sĩ, có uy tín trong điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp, được đào tạo chuyên sâu trong nước & nước ngoài. Đặc biệt, được công nhận là chuyên gia đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được trao chứng chỉ “Proctor” về TAVI.
- Trang thiết bị tối tân, sánh ngang với các bệnh viện lớn trên thế giới : Phòng mổ hiện đại nhất trên thế giới ; Máy chụp cộng hưởng từ không tiếng ồn hiện đại nhất Đông Nam Á; Máy CT có tốc độ chụp siêu nhanh chỉ 0,275s/vòng mà không cần sử dụng thuốc hạ nhịp tim; hệ thống PET/CT và SPECT/CT 16 dãy giúp phát hiện sớm những tổn thương của cơ quan tim mạch ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.
- Ứng dụng các kỹ thuật tim mạch chuyên sâu tiên tiến nhất trên thế giới trong điều trị: Mổ tim hở không đau ; Can thiệp động mạch chủ qua da không gây mê toàn thân; Điều trị hở van 2 lá qua đường ống thông có tỉ lệ thành công 95%; Cấy ghép tim nhân tạo hỗ trợ tâm thất cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối kéo dài cuộc sống chất lượng trên 7 năm.
- Hợp tác với các Trung tâm tim mạch hàng đầu Việt Nam và thế giới như : Viện Tim mạch quốc gia, Bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Đại học Paris Descartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ)... với mục đích cập nhật các phương pháp điều trị tim mạch hiện đại nhất trên thế giới.