1. Đại cương
Nhồi máu cơ tim là hiện tượng hoại tử một phần cơ tim do thiếu máu cục bộ, gây ra bởi tắc một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành .
Phục hồi chức năng đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim là can thiệp đa phương diện nhằm tối ưu hóa các chức năng về thể chất, tâm lý và xã hội của bệnh nhân, thêm vào đó làm ổn định hoặc thậm chí đảo ngược quá trình xơ vữa động mạch giúp giảm tình trạng bệnh và giảm tỷ lệ tử vong.
Phục hồi chức năng (PHCN) thực hiện với phương thức: toàn diện - bắt đầu sớm nhất có thể - liên tục - chia thành các giai đoạn - cá thể hóa phụ thuộc tình trạng lâm sàng - chấp nhận tình trạng bệnh nhân – không nên giới hạn thời gian phục hồi.
2. Phục hồi chức năng và điều trị
2.1 Nguyên tắc điều trị phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng thể chất - vận động trị liệu tích cực phụ thuộc vào mức độ nặng của nhồi máu và chống chỉ định nếu có. Bệnh nhân được luyện tập khi:
- Không có dấu hiệu tím tái, vã mồ hôi, tụt huyết áp ;
- Không có dấu hiệu suy tim ;
- Không có rối loạn nhịp tim trầm trọng không điều chỉnh được;
- Không có dấu hiệu đau ngực nhiều và kéo dài.
2.2 Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
Việc lựa chọn phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng được chia theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn 1: tại phòng chăm sóc bệnh nhân động mạch vành và phục hồi chức năng..
- Giai đoạn 2: tại trung tâm phục hồi chức năng tim mạch, tập theo nhóm.
- Giai đoạn 3: chăm sóc lâu dài, tự tập hoặc phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Giai đoạn 1
- Tiêu chuẩn tập luyện an toàn: những ngày đầu sau nhồi máu phục hồi chức năng theo dõi bằng điện tâm đồ .
- Huyết áp lúc gắng sức không cao hơn 20mmHg so với lúc nghỉ;
- Tần số tim lúc gắng sức không cao hơn 20 nhịp so với lúc nghỉ;
- Lúc xuất viện BN cần hoạt động thường ngày được khoảng 3-4 METs.
Phục hồi chức năng giai đoạn 1 được chia thành các pha nhỏ, tăng dần cường độ với sự theo dõi của kỹ thuật viên.
- Khởi đầu : từ lúc bị nhồi máu cơ tim đến 12-48 tiếng nghỉ ngơi trên giường tuyệt đối;
- Pha khởi đầu: sau ngày thứ 2-3 sau nhồi máu, tình trạng ổn định, không biến chứng: bài tập thở, bài tập thư giãn, tập các nhóm cơ nhỏ;
- Giai đoạn liên tục: sau 4-6 ngày sau nhồi máu, bài tập vận động theo nhóm cơ lớn, ngồi và đứng dậy, đi lại đến sau 02 tuần bài tập leo cầu thang với sự trợ giúp của kỹ thuật viên.
Mức độ bài tập thiết kế dựa theo tiêu chuẩn MET (Metabolic Equivalent of Task). Là đơn vị được sử dụng để đánh giá lượng Oxy cơ thể tiêu thụ trong hoạt động thể lực.
- 1 MET là chi phí năng lượng (Oxy) cho cơ thể ở trạng thái nghỉ như trạng thái ngồi yên lặng hoặc ngồi đọc sách;
- Hoạt động cần 3-6 METs được coi là hoạt động thể lực mức độ vừa;
- Hoạt động cần > 6 METs được coi là hoạt động thể lực nặng (mạnh).
Các bài tập vận động:
- Xoay tròn khớp cổ chân;
- Gấp duỗi ngón chân;
- Gấp duỗi cổ chân;
- Tập vận động cổ;
- Gồng cơ tứ đầu;
- Tập vận động khớp vai;
- Trượt gót;
- Tập duỗi gối;
- Gấp hông.
Thực hiện tính theo METs:
- Hoạt động <2METs: nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh cá nhân, tập bài 1-4 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), tự ăn nếu ngồi dậy được;
- Hoạt động 2METs: tập bài từ 1-6 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), ngồi ghế;
- Hoạt động 3 METs:tập bài 1-7 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), ngồi ghế tùy thích, đi bộ trong phòng, tắm ở ghế;
- Hoạt động 4 METs: tập bài 1-8 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), ngồi trong phòng, đi bộ ra ngoài phòng > 100 mét, tắm ở ghế;
- Hoạt động 5 METs: tập bài 1-9 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), đi bộ ra ngoài phòng từ 250-300 mét, tắm ở phòng tắm;
- Hoạt động > 5 METs: tập bài 1-9 (mỗi động tác 5 lần, 2 lần/ngày), đi bộ lên một tầng lầu với người cùng nhóm, tắm ở phòng tắm;
- Ra khỏi giường bệnh: ngày thứ 4 -10 với các bài tập trong tư thế đứng và ngồi; đi bộ trong khoa; leo cầu thang trước khi xuất viện, thường giữa tuần thứ 2;
- Trắc nghiệm gắng sức trước ra viện:
- Đạp xe đạp lực kế trong 6 phút, <5 METs với tần số tim thấp hơn mức an toàn.
- Lợi ích của trắc nghiệm là xem xét sự đáp ứng với gắng sức, có chỉ định bài tập phù hợp, phát hiện nhu cầu về thuốc hay can thiệp ngoại khoa.
Bài tập nên chấm dứt ngay lập tức khi bệnh nhân:
- Đau thắt ngực mạch vành;
- Khó thở;
- Nhịp tim tăng > 20 nhịp/phút hoặc giảm < 10 nhịp/phút so với nhịp tim lúc nghỉ;
- Bài tập gây rối loạn nhịp đáng kể;
- Bài tập gây giảm HA>10–15 mHg, hay tăng HA (HA tâm thu >200 mmHg, tâm trương >110 mmHg).
Giai đoạn 2
Bắt đầu từ tuần 2-3 sau nhồi máu, kéo dài từ 1-4 tháng, tập theo nhóm, tối thiểu 3 lần/ một tuần.
Chương trình tập luyện phục hồi chức năng được chỉ định phù hợp đối với từng trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cụ thể.
Khởi đầu: đi bộ trên mặt phẳng.
- Cường độ 50-70% gắng sức tối đa, nên duy trì khoảng 4 METs;
- Nhịp tim không vượt quá 20 nhịp so với lúc nghỉ;
- Khoảng cách khoảng 3km/ một ngày sau 4 – 6 tuần, tùy vào tình trạng của từng cá thể người bệnh;
Tập theo nhóm:
- Khởi động 10-15 phút: bài tập kéo dãn, các bài tập vận động chung.
- Luyện tập sức bền:
- Tập ngắt quãng: thời gian giữa đạp xe hay đi bộ kéo dài 15-30 phút, cứ 3 phút luyện tập xen kẽ với 2-3 phút nghỉ ngơi.
- Luyện tập liên tục kéo dài 15 – 30 phút (đạp xe hay đi bộ)
- Các bài tập kháng trở thực hiện như một phần của bài tập tĩnh bổ sung cho hoạt động đạp xe.
Giai đoạn 3
- Bệnh nhân tập tại nhà hoặc nơi có cơ sở vật chất chuyên phục hồi chức năng: các hoạt động cá nhân hay nhóm được giám sát định kì bởi bác sĩ chăm sóc ban đầu và/hoặc bác sĩ.
- Phục hồi chức năng tim giai đoạn III:
- Thường bắt đầu từ 2 - 4 tháng kể từ khi bị bệnh và kéo dài về sau.
- Không cần nhân viên y tế quan sát, theo dõi liên tục trong quá trình luyện tập.
- Cường độ bài tập: cá thể hóa. - Đi bộ, đạp xe, luyện tập thể hình chung, chơi trò chơi nhóm - lớp học (tránh môn thể thao đối kháng)
- Cấu trúc nhóm - lớp học: 2 lần/tuần trong 8 tuần; 3 lần/tuần trong 6 tuần; 4 lần /tuần trong 3 tuần;
- Đo huyết áp, nhịp tim trước và sau khi tập, xác định những bệnh nhân có nguy cơ huyết áp hay nhịp tim thấp hoặc cao;
- Bài tập :
- Kéo dãn khởi động 15 phút (giữ lại ít nhất 8-10 giây) và kéo giãn lúc làm nguội (giữ lại 10-15 giây).
- Tập theo chu trình bao gồm đi bộ, chạy bộ, máy đi bộ trên thảm lăn (treadmill walking), xe đạp có đồng hồ và máy tập chèo.
- Cường độ tập từ 50-70% gắng sức tối đa.
- Theo dõi điện tâm đồ liên tục theo từng nguy cơ.
Bài tập giai đoạn 2 và 3 nên dừng lại hay thay đổi khi:
- Đau ngực mạch vành;
- Khó thở;
- Nhịp tim tăng lên hay giảm đi >10;
- Bài tập gây rối loạn nhịp tim;
- HA>10–15 mm Hg (HA tâm thu >200 mmHg, tâm trương >110 mm Hg).
Bài tập được khuyến cáo :
- Cố gắng tập đi trên mặt phẳng;
- Đi chậm hơn trên mặt nhấp nhô;
- Nghỉ ngơi giữa các lần tập;
- Nghỉ ít nhất 01 giờ sau khi vừa ăn no hay vừa tắm trước khi tập;
- Tránh tập trong thời tiết quá nóng/ẩm: lớn hơn khi 80°F/75% độ ẩm ( > 27 độ C);
- Tránh tập khi thời tiết quá lạnh/ẩm: tập ít khi nhiệt độ thấp, khi không có khăn trùm mặt hay khẩu trang;
- Nếu bị ốm, không nên tập. Khi cảm thấy tốt hơn, bắt đầu tập lại từ từ.
Theo dõi và tái khám : hàng tháng để điều chỉnh thuốc và chế độ tập luyện.