Đái tháo đường type 2 là bệnh lý nguy hiểm và có mối tương quan rất lớn đến bệnh tim mạch. Tuy nhiên dấu hiệu của căn bệnh này thường không rõ ràng khiến người bệnh lầm tưởng đến các căn bệnh khác.
1. Tại sao căn bệnh này thường không có dấu hiệu rõ ràng
Một trong những biến chứng đái tháo đường type 2 diễn ra phổ biến nhất là bệnh lý thần kinh do đái tháo đường với các triệu chứng như tê , ngứa ran hoặc yếu ở tay và chân của người bệnh. Người bệnh cũng có thể bị tổn thương dây thần kinh đi đến tim, bàng quang và mạch máu. Khi điều này xảy ra, người bệnh có thể không cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo như đau hoặc khó chịu.
Vì vậy, trong cơn đau tim thường có thể gây đau ở ngực, cánh tay hoặc hàm mà người bệnh tiểu đường có thể cảm nhận được, tuy nhiên do người mắc bệnh tiểu đường đã bị tổn thương thần kinh nên không cảm thấy các triệu chứng này. Nhưng những tổn thương ở tim vẫn đang xảy ra và các biến chứng nguy hiểm của đau tim thầm lặng (tên tiếng Anh là silent heart attack) là có thật.
2. Dấu hiệu tổn thương thần kinh
Bạn có thể bảo vệ bản thân bằng cách theo dõi sát sao các dấu hiệu tổn thương dây thần kinh. Nếu sớm được chẩn đoán thì bạn có thể được điều trị để làm chậm quá trình tổn thương dây thần kinh lại. Các triệu chứng như sau:
- Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng dậy
- Hạn chế tập thể dục
- Gặp vấn đề đi tiểu, như đi tiểu không tự chủ
- Gặp các vấn đề tình dục, như giảm ham muốn
- Đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường hoặc giảm ra mồ hôi
- Khó tiêu hóa thức ăn, như đầy hơi và cảm giác khó chịu ở dạ dày
Triệu chứng của đau tim thầm lặng:
Một số người không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng nhẹ và nhanh chóng biến mất. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy hoàn toàn ổn khi hết các triệu chứng của đau tim thầm lặng.
Các triệu chứng có thể người bệnh gặp phải như đau ngực , đè ép ở giữa ngực nhưng không phải ở bên trái. Các triệu chứng này có vẻ giống với các dấu hiệu của chứng khó tiêu, nhưng nếu nó không biến mất thì đó có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. Sau đây là các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp:
- Đổ mồ hôi lạnh hoặc ra mồ hôi tay
- Choáng váng
- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân
- Ợ nóng
- Đau ở hàm, cổ hoặc cánh tay trái (thường gặp ở phụ nữ)
- Đau dạ dày
- Khó thở, ngay cả khi bạn không làm gì nặng nhọc
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào được nêu trên, bạn hãy đến cơ sở Y tế ngay lập tức hoặc gọi 115.
3. Chẩn đoán cơn đau tim thầm lặng
Rất khó để nhận biết các dấu hiệu của đau tim. Trong một số trường hợp, sau khi hết cơn đau tim mà bạn không nhận ra được thì bạn có thể gặp các triệu chứng sau cơn đau tim như:
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Chứng ợ nóng không biến mất
- Phù ở chân
- Khó thở mà trước kia bạn chưa bao giờ bị như vậy
Tuy nhiên, khi đến cơ sở Y tế, Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện đau tim bằng cách khám và thực hiện một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:
- Xét nghiệm máu để tìm kiếm một số loại protein được tim bạn tạo ra khi tim bị tổn thương
- Điện tâm đồ (EKG) để kiểm tra hoạt động của các tín hiệu điện thế trong tim
- Siêu âm tim
4. Đau tim thầm lặng có nguy hiểm không?
Kể cả khi không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, bạn cần xem cơn đau tim thầm lặng là bệnh lý nghiêm trọng do nó có thể làm tổn thương tim vĩnh viễn. Các biến chứng này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tim sau này.
Ngay cả khi bạn cảm thấy ổn sau cơn đau tim thầm lặng thì đó vẫn là một vấn đề lớn. Nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ khả năng tái phát và mức độ nghiêm trọng sẽ tăng lên, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng và tăng khả năng gặp phải các biến chứng nguy hiểm hơn như suy tim .
Nguồn tham khảo: webmd.com