Các thống kê năm 2017 tại các nước phát triển cho thấy cứ 7 em bé sinh ra thì có 1 em bé có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Ngày nay, đái tháo đường nói chung và đái tháo đường thai kỳ nói riêng là một căn bệnh tiêu tốn rất nhiều ngân sách y tế và nguồn lực của xã hội. Vậy tác hại của đái tháo đường thai kỳ là gì?
Bạn có thể làm gì trước căn bệnh đái tháo đường? Hãy lên kế hoạch phòng ngừa bệnh ngay từ trước khi mang thai để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất bằng các cách sau:
1. Biết các nguy cơ mắc bệnh của đái tháo đường thai kỳ
Khi biết các nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ hiểu mình ở nhóm nguy cơ nào và có kế hoạch dự phòng, điều trị bệnh kịp thời nếu chẳng may bệnh xảy ra. Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ là:
- Tiền đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước
- Gia đình có người thân bị đái tháo đường típ 2
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Thừa cân, béo phì
- Chủng tộc người Mỹ gốc Phi, người Mỹ Latinh, người Mỹ bản địa, người Mỹ gốc Á, gốc đảo Thái Bình Dương
- Từng sinh con to trên 4kg
- Sẩy thai không rõ lý do
- Hơn 25 tuổi.
2. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
Một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như tiền đái tháo đường hoặc thừa cân, béo phì. Chỉ cần thay đổi lối sống bằng cách chọn một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng lượng tinh bột, rau, protein và tăng cường vận động, tập thể dục… là bạn sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt về đường huyết và cân nặng. Các nghiên cứu về dự phòng đái tháo đường típ 2 trên những người tiền đái tháo đường cho thấy chỉ cần cải thiện cân nặng và lối sống là có thể làm chậm thời gian tiến triển bệnh và kéo dài thời gian không cần điều trị thuốc. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể trên đái tháo đường thai kỳ nhưng cải thiện cân nặng và tích cực vận động rất tốt cho sức khỏe chung của người dự định mang thai.
3. Theo dõi thai định kỳ và làm đủ xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ
Khám thai đều đặn giúp bác sĩ có thể phát hiện những bất thường từ sớm và có kế hoạch điều trị hiệu quả. Nếu bạn có nguy cơ bị đái tháo đường, bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm kiểm tra đường huyết sớm hơn. Còn thông thường, xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ sẽ được thực hiện tuần lễ thứ 24 – 28 của thai kỳ. Nếu kết quả tầm soát bất thường, bạn sẽ được hướng dẫn chế độ ăn và tập luyện phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng mà đường huyết vẫn ổn định. Lúc này, bạn sẽ được hẹn khám thai thường xuyên hơn với cả bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa để theo dõi mức đường huyết và đáp ứng điều trị.
Đừng quên bổ sung các vitamin cần thiết và chích ngừa đầy đủ trước và khi mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Một cơ thể đầy đủ dinh dưỡng với hệ miễn dịch khỏe mạnh là điều cơ bản tối thiểu để bảo vệ em bé.
4. Thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc khi cần thiết
Nếu chẳng may bị đái tháo đường thai kỳ, bạn đừng quá buồn mà hãy bình tĩnh thực hiện theo những tư vấn của bác sĩ. Thông thường, chỉ cần tuân thủ theo các chỉ dẫn về sức khỏe, cách ăn uống cân bằng lượng tinh bột và vận động là có thể giữ đường huyết ổn định. Khi mức đường huyết ổn định, bạn có thể sinh một em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Giải đáp cho mẹ bầu về cách phòng chống đái tháo đường thai kỳ
- 7 cách hỗ trợ điều trị đái tháo đường thai kỳ cho mẹ bầu
- Đái tháo đường thai kỳ nên ăn trái cây gì?