Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ gồm những ai? Để biết bạn có nằm trong nhóm đối tượng này không, bạn đừng bỏ qua bài viết của Hello Bacsi nhé.
Theo thống kê năm 2014 của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ của Hoa Kỳ lên đến 9,2%. Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Bệnh thường xảy ra sau tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ, khi các cơ quan của em bé đã phát triển khá hoàn chỉnh.
Sau khi sinh, đái tháo đường thai kỳ thường sẽ tự hết. Nếu một phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ thì có nguy cơ bị bệnh tương tự trong những lần mang thai tiếp theo.
Người bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc đái tháo đường típ 2 thật sự sau này cao gấp 10 lần, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ bị tiền đái tháo đường và bệnh lý tim mạch. Do đó, đái tháo đường thai kỳ là lời cảnh báo cho các bà mẹ hãy thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, không chỉ vì sức khỏe của em bé mà còn để phòng ngừa những bệnh lý của mẹ sau khi em bé chào đời.
Đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ
Đa phần những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ có thể kiểm soát được. Nếu dự định có thai, bạn hãy điều chỉnh lại lối sống và dinh dưỡng để làm giảm các yếu tố nguy cơ này. Và đừng quá lo lắng vì khi bị đái tháo đường thai kỳ, bạn vẫn có thể sinh được một em bé khỏe mạnh. Một số yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ là:
- Béo phì: với chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30, giảm 20% cân nặng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh
- Trong gia đình có người thân bị đái tháo đường típ 2
- Người mẹ mang thai lớn tuổi (hơn 35 tuổi)
- Người mẹ mang thai từng sinh con to (hơn 4kg)
- Mẹ bị tăng huyết áp
- Chủng tộc gốc Latinh, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ bản địa hoặc đảo Thái Bình Dương
- Tăng cholesterol
- Hút thuốc lá
- Ít vận động thể lực
- Chế độ ăn không lành mạnh.
Nguyên nhân của đái tháo đường thai kỳ
Dù chưa biết rõ nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ nhưng đề kháng với insulin là một yếu tố góp phần gây ra bệnh.
Trong suốt thai kỳ, cơ thể người mẹ cần insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng. Khi em bé phát triển, bánh nhau sản xuất ra nhiều nội tiết tố khác nhau – vốn cần thiết cho bé nhưng có thể làm giảm hoạt động của insulin trong cơ thể người mẹ, làm cho các tế bào trong cơ thể mẹ đề kháng với insulin và gây tăng đường huyết.
Lượng đường tăng cao trong máu của mẹ có thể đi qua bánh nhau vào máu em bé, khiến tụy của bé sản xuất nhiều insulin hơn để tiêu thụ bớt lượng đường dư thừa này. Vì bé nhận được lượng đường từ máu mẹ nhiều hơn mức cần thiết nên tất cả lượng đường dư này sẽ được cơ thể bé dự trữ dưới dạng mỡ, từ đó làm cho bé béo phì hoặc to hơn bình thường. Khi sinh con to qua ngả âm đạo, em bé có nguy cơ cao bị chấn thương, kẹt vai và sau này trưởng thành có thể bị béo phì, đái tháo đường típ 2.
Những em bé có mẹ bị tăng đường huyết không kiểm soát có thể đối mặt với biến chứng nguy hiểm hạ đường huyết sau sinh (do tụy em bé tiết quá nhiều insulin), có thể dẫn đến suy hô hấp. Đây là lý do quan trọng nhất giải thích tại sao tất cả bà mẹ cần được chẩn đoán và điều trị ổn định đái tháo đường thai kỳ.
Điều trị đái tháo đường thai kỳ như thế nào?
Chăm sóc tiền sản rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là các bà mẹ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ. Khi mang thai, khám thai định kỳ rất quan trọng.
Đái tháo đường thai kỳ thường được tầm soát từ tuần mang thai 24 – 28. Nếu xét nghiệm dương tính, bạn cần được tư vấn cách kiểm soát đường huyết để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và bé.
Thông thường, chỉ cần tuân thủ theo các chỉ dẫn về sức khỏe, cách ăn uống cân bằng lượng tinh bột và vận động là có thể giữ đường huyết ổn định.
- Tinh bột là thành phần quan trọng ảnh hưởng nhiều nhất đến đường huyết. Do đó, bạn cần học cách chọn lựa loại và liều lượng các chất tinh bột trong bữa ăn hàng ngày để kiểm soát tốt đường huyết.
- Vận động giúp sử dụng bớt lượng đường dư thừa và cải thiện sự đề kháng insulin. Vì vậy, vận động rất cần thiết cho việc kiểm soát đường huyết. Nếu bạn hiếm khi vận động thì đi bộ đơn giản cũng giúp cải thiện sức khỏe.
Trong một số ít trường hợp, khi vận động kết hợp với thay đổi chế độ ăn mà vẫn không kiểm soát được chỉ số đường huyết, insulin được dùng thêm để hỗ trợ điều trị nhằm đưa mức đường huyết về gần mức bình thường cho phép. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh cách thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm ổn định mức đường huyết mục tiêu và cách dùng máy đo đường huyết tại nhà để theo dõi bệnh. Kiểm soát chỉ số đường huyết tốt hứa hẹn một sức khỏe tốt cho cả mẹ và con.
Qua những thông tin trên, bạn đã biết những đối tượng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ rồi phải không? Để có một thai kỳ khỏe mạnh, hãy chịu khó vận động, ăn uống khoa học và khám sức khỏe thường xuyên bạn nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
- Đái tháo đường và giới tính thai nhi có liên quan đến nhau?
- Thay đổi cách sống, giảm rủi ro: 7 lời khuyên giúp bạn phòng ngừa bệnh đái tháo đường